Công Lý: Không thêm đám cưới thứ ba

Google News


U40, Công Lý vẫn đi về một mình trong văn nhà ở phố Nguyễn Biểu, Hà Nội...

Cái tên Công Lý lại xôn xao vì một bài báo nhận xét về Trấn Thành và hài Bắc, hài Nam, chứng tỏ thương hiệu của anh vẫn còn đang rất "hot".
 
U40, Công Lý vẫn đi về một mình trong căn nhà ở phố Nguyễn Biểu, Hà Nội. Mộc mạc và khá thẳng thắn, Công Lý trò chuyện cởi mở, không thích tô vẽ về mình.

Chúc mừng Công Lý vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Anh có nghĩ đó là một bước ngoặt trong cuộc đời mình?

Tôi nghĩ danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là một sự ghi nhận của mọi người với những người làm nghề như tôi. Tuy nhiên, tôi cũng là người may mắn và có duyên, chứ có những người, cũng có tài năng, đóng góp cả cuộc đời, nhưng họ lại không có may mắn được công nhận danh hiệu nào cả.

Người ta vẫn thường nhớ đến Công Lý với những vai hài bặm trợn, những gã đầu trộm đuôi cướp, đầu đường xó chợ mà quên hẳn một Công Lý xuất phát từ những vai chính kịch. Anh có buồn không?

Bởi hài dễ đến với đông đảo công chúng, người ta dễ nhớ và thích hơn. Còn sân khấu, đối tượng rất hạn hẹp. Tôi được công nhận Nghệ sỹ ưu tú, không phải từ những vai hài, mà từ chính kịch, tôi được Huy chương vàng ở Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008, tôi vào vai một cậu học sinh trong vở "Điện thoại di động" của đạo diễn, NSND Hoàng Dũng.

Thực tế, những nghệ sĩ như chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội. Phim bây giờ toàn dài tập, ít nhất 30 tập, tôi không dứt công việc ra để đi được. Còn sân khấu cũng không có nhiều vở. Tôi nghĩ là do xu thế của thời cuộc. 10 năm trước, phim hài, tiểu phẩm hài, các chương trình hài nở rộ, cái đó dễ đến với khán giả hơn là chính kịch. Nhưng cho đến thời điểm này, trào lưu đó bắt đầu bão hòa. Trước đây, tôi vẫn thường đi show ở các tỉnh, từ chối không hết. Nhưng 3 năm trở lại đây, hầu như không còn.

Với nghệ sĩ, phải biết cái gốc của mình là gì, cũng khó để nói cái gì hay hơn cái gì. Tôi thích kịch chính luận nhưng không phải vì nó ít được đỏ đèn, không sống được, mà tôi đổ xô đi làm những cái khác để tồn tại.

Cái tên Công Lý đang “hot” vì một bài báo liên quan đến Trấn Thành, và sự khác nhau giữa hài miền Nam và miền Bắc, nhiều người cho rằng anh đánh giá mình quá cao chăng?

Cả hai chúng tôi đều là nạn nhân của một tai nạn mà người lái xe không có đạo đức nghề nghiệp. Họ muốn câu khách nên giật nên những cái tít như vậy, chứ tôi không hề nhận xét về Trấn Thành cũng như không hề đánh giá thấp hài miền Nam. Tôi chỉ nói là tôi không thích thôi. Thế mà báo chí cũng làm ầm lên. Nhưng tôi nghĩ, anh em trong nghề đều hiểu nhau, họ biết tính tôi. Vì tôi cũng khá thân thiết với anh em hài trong miền Nam, trân trọng và yêu quý họ.

Anh đã học đạo diễn, mà thấy vẫn im hơi lặng tiếng. Hay anh đi học cho có phong trào để dán thêm nhãn mác cho mình?

Tôi đâu có cần thêm nhãn mác gì nữa. Thực tế, tôi đã làm một vài tiểu phẩm nhưng chưa được nổi cho lắm. Tôi không có ý định chuyển sang làm đạo diễn, mà tôi trước hết vẫn là diễn viên, đó là niềm đam mê của tôi. Còn có cơ hội, tôi sẽ thử sức mình ở vai trò đạo diễn, đó cũng là một khám phá thú vị đối với tôi.

Anh có sống được bằng nghề không?

Tại tôi đang sống một mình nên tôi vẫn sống được bằng nghề. Tôi cũng không có nghề nào khác ngoài đi diễn, đi lồng tiếng. Tuy nhiên, tham vọng của con người vô cùng lắm. Tôi tự biết thế nào là đủ, tự hài lòng với chính mình thôi. Có thể là sáo rỗng, nhưng tôi nói thật, nếu không có tình yêu nghề, thì không thể sống với nghề diễn viên được. Phải bản lĩnh rất nhiều mới có thể đứng vững được.

Những vai diễn của Công Lý vẫn nhang nhác giống nhau, anh có thấy mình bắt đầu cũ và nhàm?

Tôi luôn ý thức được điều đó, với nghệ sĩ, họ luôn muốn được khám phá mình ở những vai diễn đa dạng hơn. Nhưng đạo diễn mình luôn lựa chọn sự an toàn, lỡ khác đi, nó không làm được thì sao. Một phần không có thời gian, vì vở kịch nào cũng đòi hỏi gấp gáp về thời gian. Họ không cho phép mình thử. Đó cũng là một thiệt thòi đối với nghệ sĩ, vì họ ít có cơ hội được làm mới mình.

Nhưng với phim nhựa chẳng hạn, tôi được mời vào những vai hoàn toàn ngược lại với hình ảnh của tôi trên truyền hình. Đó là vai ông lái đò trong “Tâm hồn mẹ”, một hình ảnh đẹp và rất nhân văn. Không hề có lưu manh, bặm trợn gì ở đây. Trước đó tôi cũng vào một vai có cá tính, không hề hài hước, lưu manh trong bộ phim “Một thời đã sống” của đạo diễn Thanh Văn. Đó cũng là một vai diễn mà tôi tâm đắc. Bởi nó mang đến một góc nhìn hoàn toàn khác về tôi.

Tôi vẫn nghĩ anh chưa đi đến tận cùng khả năng của chính mình, hay anh tự bằng lòng với mình quá sớm. Là một diễn viên đắt show, có lúc nào anh bị cuốn theo số lượng mà quên đi chiều sâu của vai diễn… Anh có ôm đồm quá chăng?

Tôi nghĩ, những vai diễn đó không thể ôm đồm được, những cái chân giá trị không nên lạm dụng nhiều quá, làm nhiều quá, bởi khi làm những vai diễn đó, tôi không ào ào được, để mình được lắng lại, để người ta nhìn vào và biết cậu này vẫn có những vai diễn tốt.

Làm một diễn viên là phải làm tất cả các vai. Các thầy ngày xưa dạy chúng tôi rằng, diễn viên, bỏ vào bầu thì tròn, bỏ vào ống thì dài, phải thích nghi hết.

Ở ta vẫn bị đóng khung bởi những hình tượng tiêu biểu, người này chỉ hợp với vai này, người kia hợp với vai kia, điều đó, vô hình chung khiến diễn viên thiếu cơ hội thử thách mình trong những vai diễn đa dạng hơn. Đâu cứ phải ông này trông hiền lành thì vào vai thầy giáo, hay bặm trợn ngổ ngáo thì vào vai cướp giật.

Ngoài đời, Công Lý là người như thế nào, dễ gần, giản dị hay cũng bặm trợn và “đầu gấu” như trên sân khấu?

(Cười), tôi là người dễ tính, xuề xòa, thê nên tôi có rất nhiều bạn bè …

Hai cuộc hôn nhân đổ vỡ khiến nhiều người nghĩ rằng Công Lý như con ngựa bất kham, anh không thuộc về gia đình và những đứa trẻ.

Cuộc đời, ai chẳng thuộc về một gia đình nào đó. Tôi nghĩ, có ba điều tôi tin vào sự quyết định của số phận, đó là sinh lão bệnh tử, con cái và cuối cùng là duyên vợ chồng. Những thứ đó, có cố cũng không được.

Anh đổ lỗi cho số phận để trốn tránh trách nhiệm chăng, bởi tôi nghĩ, con người hiện đại vẫn luôn tự quyết định được hạnh phúc của mình, người ta vẫn thường nói, tính cách quyết định số phận mà?

Với tôi thì không thế. Ai chẳng mong có một cuộc sống gia đình ổn định. Ở tuổi này rồi, vẫn một mình, có những tự do thoải mái, nhưng lúc ốm đau, mệt mỏi mới thấm thía nỗi cô đơn. Nhưng tôi sợ cảm giác, trở về để rồi nhận lấy những bất đồng, cãi vã. Tôi kém may mắn chăng, khi không nhận được sự thông cảm, chia sẻ của những người phụ nữ đã đi qua đời mình.

Anh như con ngựa bất kham thế, người phụ nữ nào họ chịu được!

Tôi nghĩ, mỗi con người đều cần một gia đình để trở về. Có thể tôi cũng quá sa đà với bạn bè, tính chất công việc khiến tôi thường xuyên xa nhà, sống khó mà chỉn chu được. Những người phụ nữ của tôi, họ không hiểu và chia sẻ được điều đó. Tôi cũng đã cố gắng đấy chứ, nhưng không được.

Nhiều người cho rằng, anh sống bản năng, và có phần thiếu trách nhiệm, không biết trân trọng hạnh phúc của mình. Có lúc nào anh cảm thấy ân hận vì những quyết định đã qua?

Tôi chưa bao giờ ân hận vì những quyết định của mình. Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tâm hồn nghệ sĩ vốn mong manh, cuộc sống của họ cũng có phần tự do, phóng khoáng.

Nhưng tôi nghĩ, chúng tôi cần sự hợp tác của đối tác. Thật khó để cân bằng giữa bản năng sống của mình với cuộc sống gia đình. Có những người họ cân bằng được là họ có sự hợp tác của đối tác, tôi không có may mắn đó. Tôi nghĩ, nếu những người phụ nữ biết thông cảm, chia sẻ, tự thân người đàn ông dù có lang bạt kỳ hồ cũng có lúc phải nghĩ lại. Và biết sống chỉn chu hơn, có trách nhiệm hơn.

Qua hai lần đổ vỡ, anh có sợ kết hôn?

Tôi nghĩ là số phận mà, nên có gì mà sợ. Đã là số phận, thì đôi lúc không lựa chọn được. Tôi cũng đã có cuộc sống mới của mình. Nhưng kết hôn ư, tôi chưa nghĩ tới. Tôi đã quen với cuộc sống một mình, cũng có sự tự do, thoải mái riêng. Nhưng biết đâu đấy, mai này gặp một người phù hợp, tôi lại kết hôn. Cuộc sống đã có quá nhiều điều phải nghĩ rồi, tôi cần gia đình là một nơi chốn bình yên.

Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không có một đám cưới nào nữa. Một người bình thường cưới 2,3 lần đã gây dư luận, còn tôi nếu lại làm đám cưới, chắc rồi sẽ rùm beng lên, tôi không thích. Người phụ nữ nào thông cảm đến với tôi, họ cũng sẽ hiểu được và chấp nhận điều đó. Không phải một đám cưới thật to, một cái nhà thật lớn mà quyết định được hạnh phúc, điều quan trọng là sống với nhau như thế nào. Đến giờ phút này tôi mới hiểu ra điều đó.

Anh đã trả giá quá đắt để nhận ra điều đó. Anh có thường xuyên gặp các con mình. Chúng nghĩ về bố ra sao?

Thỉnh thoảng vào những ngày cuối tuần tôi vẫn gặp các con. Cô con gái lớn rất yêu bố, thần tượng bố, còn cậu em, thì vô tư hơn. Những cuộc ly hôn của tôi thường lặng lẽ, chúng tôi đối xử với nhau rất văn minh, cũng vì các con.

Cảm ơn cuộc trò truyện của anh.

(Theo CSTC)

Bình luận(4)

Minh Hiền

ngchaunguyen

Nếu đem so hài bắc và nam thì hài bắc quả có kém. Hoài Linh, Chí Tài so với Xuân Hinh, Quang Tèo... thì khập khễnh quá, nói là hài nam không sâu là sai, nói hài bắc dung tục quá là đúng. Nhận xét phải thật khách quan, công tâm, hài bắc chưa bằng nam được !

Minh Hiền

Nguyễn Thanh Hải

Tôi cũng là một nhà báo nhưng tôi khắt khe với những bài kiểu như thế này. Làm phỏng vấn ư? Không sao. Nhưng đã là một Nhà báo thì tối thiểu phải viết đúng chính tả (viết Hoa, thường, chấm phẩy cách câu...). Trong khi đó, bài viết này sai chính tả quá nhiều

- EX: "Căn nhà"viết thành "văn nhà" - "Mộc mạc" viết thành "Một mạc" - "Trò chuyện" viết thành "Trò truyện"...

Thêm nữa cũng cần xem lại cách làm việc của mấy ông Biên tập!

Minh Hiền

HUNG

tôi là người miền bắc và cũng coi nhiều hài kể cả nam và bắc và hải ngoại, nhưng gọi là hài thì chọc cười cho tinh thần thoải mái thôi, tôi cũng thấy hài ngoài bắc dung tục không đúng chỗ lại còn nham nhở nữa, Các bác nhà mình cứ diễn quanh quẩn không thoát ra được cái lũy tre làng, hài bắc thì chỉ có người miền bắc xem được thôi, còn hài nam và hài hải ngoại thì mọi người ai cũng xem được ,chỉ trừ mấy chú mấy bác bần cố nông miền bắc là xem không hiểu thôi!!!

Minh Hiền

Mây

Viết sai chính tả: trò chuyện chứ không phải là trò truyện!