Từ những ngày hoạt động “chui” trong nhóm văn nghệ của trường Đại học Xây dựng, “đám rock không đàn không trống” Bức Tường phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách, đến khi gây được tiếng vang vượt qua giới sinh viên, họ vẫn không thoát khỏi “vận đen” mà Trần Lập gọi là "ngày thứ bảy đen tối". Bài viết được trích từ cuốn sách Bên kia Bức Tường của chính người thủ lĩnh ban nhạc Trần Lập, mới ra mắt ngày 2/8 vừa qua.
|
Chân dung thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường - Trần Lập |
Tôi gọi ngày 18/5/2002 là “Ngày đen tối mới của Bức Tường”. Đêm đó ban nhạc tham gia show “Trái tim của đá” tại Công viên nước Hồ Tây. Show này là hội tụ của các ngôi sao teenpop và được tài trợ bởi một hãng băng vệ sinh. Hàng ngàn fan Bức Tường đã lặn lội đường xa mua vé vào xem. Họ mỏi chân chờ chúng tôi suốt mấy giờ đồng hồ, chịu đựng các tiết mục của những sao mà họ không thích.
Nam ca sĩ Đan Trường là người hát trước, kéo thêm ra ngoài kịch bản tận ba bài. Đúng lúc sự sốt ruột đã lên đến đỉnh điểm, tiếng la ó dữ dội vang lên, ca sĩ này cũng kết thúc. Bức Tường chuẩn bị bước lên sau hai tiếng đồng hồ chờ tiết mục thì bi kịch ập đến. Trời bỗng như đổ sập xuống.
Mưa trút dữ dội và bất ngờ nhất trong nhiều năm gần đây. Sự việc nhanh đến mức không một ai kịp phản ứng. Toàn bộ âm thanh ánh sáng tắt phụt, hàng ngàn con người không kịp chạy vội tìm nơi trú thân. Trong tích tắc, quang cảnh bỗng trở nên hỗn loạn khủng khiếp. Con người gần như bất lực để mặc cho cơn cuồng thủy phá tan hoang đêm diễn.
Trong cơn mưa ấy hàng ngàn fan của Bức Tường “chẳng còn gì để mất” đã hát vang các ca khúc trong album Tâm hồn của đá. Họ gào tên The Wall át cả tiếng mưa… Cả band cố chờ cho hết mưa để được chơi cho thỏa cơn khát của mọi người. Nhưng toàn bộ khu vực Công viên nước Hồ Tây đã bị cắt điện hoàn toàn, để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn con người còn sót lại tại chỗ.
|
Các thành viên Bức Tường trong buổi ra mắt sách Bên kia Bức Tường |
Anh em ban nhạc trèo lên sân khấu đáp lại lời kêu gọi “rock xuyên màn đêm” của các fan nhưng cứ liên tục bị đội bảo vệ ôm và lôi tuột xuống. Họ mềm mỏng nhưng cương quyết, yêu cầu chúng tôi lánh vào trong để các fan khỏi tràn lên ảnh hưởng đến việc sơ tán thiết bị. Chúng tôi biết rằng họ đúng và đành nhìn mưa mà ruột tưởng chừng như đứt ra. Muốn nói một lợi hẹn tạ lỗi bằng một rock show khác mà không được.
Người ta thường nói, sau cơn mưa trời quang mây tạnh, ấy vậy mà dư chấn của trận mưa tai họa ấy không hề êm ả, thậm chí còn cay nghiệt hơn chúng tôi hình dung đến mãi nhiều năm sau.
Cũng kể từ chương trình này, chúng tôi đã thực sự đối diện với những sức ép dữ dội từ phía các rock fan. Trên tất cả các diễn đàn lớn bé của rock trong cả nước, họ coi chúng tôi là những kẻ tội đồ. Tội là đã coi thường các rock fan, lừa các rock fan mua vé đi xem chương trình “bẩn”. Một đồn mười, mười đồn trăm, tam sao thất bản rồi phát tán bằng những giọng lưỡi đặt điều cay nghiệt nhất, như lẽ thông thường của những người ưa thích, a dua, với những phản ứng dây truyền trong xã hội.
Tiếng xấu được thổi phồng lên vượt qua khuôn khổ của những người tới xem show này bởi những các diễn đàn chứa đựng hàng chục ngàn thành viên xử dụng tiếng Việt đến từ bất kỳ đâu. Những bài viết độc địa trên diễn đàn biến câu chuyện trên thành “tội kết cấu bắt tay với Đan Trường để hầu hạ hãng băng vệ sinh”, “tội nhận mấy triệu đồng của “bọn tài trợ bẩn thỉu” để phản bội giới rock, “tội thương mại hóa rock mà không biết nhục”… Tôi là trưởng nhóm, là cái tên bị réo chửi nhiều nhất…