Bằng Kiều học Nhạc viện Hà Nội, Khoa Kèn và không bao giờ tốt nghiệp, Chưa bao giờ học hát và đi thi hát bị loại từ sớm. Giọng hát 3 quãng 8 lên cao trong vắt và mượt mà như của một đứa trẻ (không hề trải qua quá trình vỡ giọng) chưa bao giờ hết sự quyến rũ.
Sức nóng cái tên Bằng Kiều chưa bao giờ hạ nhiệt, cho dù gần 8 năm qua Kiều chỉ về nước vài lần để thăm gia đình và bạn bè. Năm 2012, trong xe hơi của một cô gái Sài Gòn vẫn thấy vang lên Chuyện lạ, album đầu tay của Bằng Kiều được thu hơn 10 năm trước. Và thông tin Bằng Kiều trở về hát hai đêm cuối tháng 10 này tại TP.HCM và Hà Nội, khiến các fan gần như phát cuồng. Hiếm ngôi sao nào có sức hút kỳ lạ như vậy
…
Ngôi nhà “Liên hiệp quốc” ở quận Cam
Năm 2008, chuyến công tác tại Mỹ chuẩn bị kết thúc ở San Francisco, thành phố phía Bắc bang California, tôi nảy ra ý định ở lại thêm một tuần để thăm thú quận Cam, nơi đông đúc các nghệ sĩ, người Việt. Sau một hồi suy đi tính lại, tôi quyết định gọi cho Bằng Kiều. Dù “chẳng bà con chi” nhưng chị em đã gặp nhau nhiều lần hồi Kiều còn ở Việt Nam, vả lại, tôi chưa khi nào có cảm giác Bằng Kiều là một ngôi sao, ngoài sân khấu lúc nào Kiều cũng tếu táo.
Qua điện thoại, Kiều chỉ dẫn tôi cách mua vé xe Hoàng (xe đò của người Việt, đi từ San Francisco xuống tận quận Cam), dặn tới nơi gọi điện sẽ ra đón. Rốt cuộc, tôi lại không đi chuyến xe đã hẹn với Kiều, mà lang thang cùng mấy người bạn thêm vài ngày ở San Jose. Bữa xe tới Orange County, điện thoại cho Kiều thì máy ò í e suốt. Sốt ruột, và cả lo lắng, tôi bụng bảo dạ: Chết vì cái tội tin vào nghệ sĩ!
Tới trưa thì Kiều gọi lại, bảo tối qua em đi hát, giờ vừa ngủ dậy và dặn tôi chờ nguyên chỗ đấy. Một lát xe tới đón, nhưng không phải Kiều, mà là Trizzie Phương Trinh. Cũng giống như chồng, bên ngoài sân khấu Trizzie đơn giản và nhiệt tình. Một tuần ở nhà Bằng Kiều - Trizzie Phương Trinh sau đó, tôi càng hiểu hơn về người phụ nữ đã “trói chặt” được bước chân hoang đàng và trái tim đào hoa kia bằng sự dung dị và thực tế rất khác với một Trizzie bốc lửa trên sân khấu.
|
Vợ chồng Bằng Kiều và phóng viên TT&VH Cuối tuần tại quận Cam, California năm 2008 |
Ngôi nhà của vợ chồng Bằng Kiều nằm ở khu trung lưu của quận Cam, hai tầng, có một chút vườn bao quanh và một hồ nước nhỏ nuôi cá cảnh che chắn cẩn thận (nếu không sẽ bị hải âu cắp hết cá). Nhà ấy so với nhà của các ngôi sao ở Việt Nam chắc cũng chỉ thuộc loại… xoàng.
Đặc biệt, nhà chỉ có một người giúp việc trông trẻ con (lúc ấy cậu con trai thứ hai Bằng Anh mới hơn 1 tuổi), mà người giúp việc ở Mỹ được thuê làm gì thì chỉ làm đúng việc ấy, trông trẻ con thì chỉ trông trẻ con mà thôi, tuyệt nhiên không đụng vào việc khác như lau nhà, nấu cơm chẳng hạn. Vì vậy, tất cả những việc “dành cho osin” ấy, Trizzie là người làm hết. Đặc biệt nữa, ngôi nhà có 4 phòng ngủ thì 2 phòng dành cho… khách từ Việt Nam sang!
Hầu hết các ca sĩ từ Việt Nam mới qua, chưa ổn định việc làm hoặc nhà ở, đều đến nhà Bằng Kiều ở tới khi nào đi thì đi. Căn phòng dành cho tôi lần ấy, vừa tuần trước là phòng của ca sĩ Ngọc Anh (nhóm Tam ca 3A), thời điểm đó Ngọc Anh mới qua Mỹ thử kiếm cơ hội mới (bây giờ thì cô và gia đình đã định cư tại Cali). Trước nữa, nó là nơi ở tạm của Nguyệt Anh, cô ca sĩ Hà Nội trong nhóm Con gái. Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung cũng có một phòng tạm ở đây. Lúc đó Hồng Nhung chưa chính thức là em dâu của Trizzie.
Huy MC cũng thường xuyên lui tới đây, thời chưa lấy người vợ sau này. Và một vài người bạn khác của Kiều từ Hà Nội thỉnh thoảng lại chạy qua… Ngôi nhà ấy được mệnh danh là nhà “Liên hiệp quốc”. Bằng Kiều sống thoải mái, hết lòng với bạn bè. Trizzie cũng không hẹp hòi, không tính toán. Trong chuyến đi chơi Las Vegas của cả gia đình lần ấy, tôi chứng kiến cảnh Trizzie sắp xếp mấy mẹ con và người giúp việc ở chung một phòng khách sạn, nhường phòng riêng cho bạn chồng, nhường phòng khác cho em trai và người yêu, thấy phục sự nhường nhịn, hy sinh của ngôi sao này.
Thường thì Bằng Kiều đi hát mỗi cuối tuần. Có khi hát gần, nhưng cũng hay đi xa, sang thành phố khác, có khi bang khác. Mỗi lần như vậy, Kiều lái xe ra sân bay, gửi xe ở đó, khi về lại tự lái xe về, giống như đi làm ở sở. Tôi cũng có đi theo xem Bằng Kiều biểu diễn ở một phòng trà ca nhạc người Việt ở ngay quận Cam, thấy sự ái mộ của khán giả ở đây dành cho Kiều không khác mấy ở quê nhà.
Bằng Kiều bây giờ hát nhạc xưa để phù hợp với sân khấu và khán giả tại hải ngoại, giọng vẫn lên cao thoải mái và tuyệt đẹp một cách hiếm có như thế. Anh ăn mặc trên sân khấu bóng bẩy hơn xưa nhiều, chắc cũng để phù hợp với khán giả và sân khấu ở đây. Về nhà thì Kiều vẫn vậy, giản dị và tếu táo. Mọi thứ với Kiều cứ nhẹ như không, như những nốt cao nhất trong bài hát, vào giọng Kiều, cứ bay như không có giới hạn.
Đứa con may mắn
Bằng Kiều là con út trong một gia đình “phức tạp” có tới 13 anh chị em cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha. Theo lời kể của người anh trai Bằng Thái, hiện là Giám đốc Đoàn kịch Quảng Ninh, ông Nguyễn Bằng Bùi có 3 người vợ, không phải lần lượt, mà cùng lúc. Bà cả người làng Kẹo ở Đồng Văn, người hiền lành, ông cưới từ khi mới 14, 15 tuổi, sau khi cưới, về nhà chồng làm thuốc, vốn là nghề gia truyền của dòng họ Nguyễn Bằng. Bà sinh được 5 người con, 3 gái, 2 trai.
Ông Nguyễn Bằng Bùi ngoài nghề thuốc lại rất giỏi đàn ca, khi đi bộ đội, gặp cô y tá Lưu Thị Quý người Huế xinh đẹp, đàn ca sáo nhị đều giỏi, thì mê, bèn đưa về quê. Gặp nhau, bà cả, bà hai xem nhau như chị em. Ông Bằng Bùi cũng rất “biết điều” với cả hai bà. Những đứa con của bà cả, bà hai đan xen nhau ra đời theo kiểu “đôi một”, quy định đứa nào ra đời trước làm anh, cả nhà không phân biệt con bà cả con bà hai, Tết về cả nhà cùng đánh tam cúc, tổ tôm… Bà Quý cũng sinh được 5 người con.
|
Hai cậu con trai Bằng Phương và Bằng Anh (năm 2008) chơi trước hiên nhà ở quận Cam |
Nhưng tiếng sét ái tình lần nữa lại nổ ra với ông Nguyễn Bằng Bùi khi ông gặp nghệ sĩ chèo Lưu Nga lúc bấy giờ đang làm việc ở xí nghiệp Hồng Hà, ban ngày làm sơn mài, ban đêm đi hát. Bà Lưu Nga “xinh đẹp, lúng liếng, hát chèo hay thôi rồi” như nhận xét của bà Quý, lại không nhà không cửa, một tay nuôi hai con gái… Không chỉ bà Quý, mà cả các con bà Quý và con bà cả khi xem Lưu Nga diễn chèo, ông Bùi kéo nhị thổi sáo… cũng phục gần chết (lời NSƯT Bằng Thái).
Như một định mệnh, bà Lưu Nga dắt con về ngôi nhà nhỏ ở phố Ngô Sỹ Liên, Hà Nội. Ban ngày, bà Nga bán phở, ông Bùi làm y sĩ Viện K, ban đêm họ lại cùng nhau diễn chèo, xem hát… Bằng Kiều được sinh ra trong những ngày tháng khó khăn vất vả nhưng cũng hết sức lãng mạn và thăng hoa nghệ thuật đó của cha mẹ (năm 1973). Người anh cùng cha khác mẹ nhớ lại cậu em út ít sinh ra đã đẹp như Tây! Gia đình thêm người, nhưng nguyên tắc sống không hề thay đổi: Tất cả anh chị em trong nhà đều là ruột thịt và mỗi người có tới 3 bà mẹ.
Anh chị em Bằng Kiều đều có gene của bố mẹ, không nghệ thuật đàn hát thì thầy thuốc, nhưng nổi nhất vẫn là đàn hát, truyền sang thế hệ “F1”, thậm chí cả “F2”. Khi ông Nguyễn Bằng Bùi còn sống, cả nhà từng tổ chức thi đấu Những giọng ca vàng. Người đoạt giải nhất cuộc thi gia đình lần ấy là Thái Linh, con trai Bằng Thái, hiện là diễn viên Đoàn kịch Quảng Ninh. Anh trai Bằng Kiều, con bà hai, Nguyễn Bằng Tú, hiện đang làm việc tại Angola, về nhì. Trong nhà mọi người từng nói đùa, “Bằng Tú mà về Việt Nam hát thì Quang Linh không là gì!”. Cô cháu Kim Liên, lấy chồng Thụy Điển, là người xếp thứ ba. Bằng Kiều vậy mà chỉ giành có giải tư!
Hát không học, thi không đỗ
Nói chung Bằng Kiều không có duyên với thi thố. Năm 1991, Kiều đăng ký tham gia cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, thì rớt ngay từ vòng một vì… không biết hát tiếng Việt! (do trước đó toàn hát nhạc ngoại ở các vũ trường). Trước đó, Kiều thi đậu vào Khoa Kèn, Nhạc viện Hà Nội. Không học thanh nhạc ngày nào, nhưng vẫn lập ban nhạc Chìa khóa vàng và đi diễn khắp nơi.
Năm 1996, chỉ còn môn chuyên môn (kèn) chưa tốt nghiệp, Bằng Kiều theo đoàn của Trần Bình vào Sài Gòn diễn, còn vác cả kèn theo để luyện thi. Ở đây, Kiều gặp nhạc sĩ Dương Thụ, người mà sau này Bằng Kiều cho biết có ảnh hưởng tới các sáng tác tuy ít ỏi nhưng khá ấn tượng của anh. Chú cháu hợp nhau, Bằng Kiều tâm sự với nhạc sĩ về băn khoăn lựa chọn giữa đi hát hay quay về trường học để lấy bằng. Lời khuyên mà Kiều nhận được từ người nhạc sĩ mà anh kính trọng là: Bằng cấp mà làm gì, cái tên Bằng Kiều là cái bằng rồi! Vậy là Kiều đi luôn, bằng tốt nghiệp nhạc viện vẫn treo đó!
Chuyện Bằng Kiều học kèn và thi vào khoa kèn cũng thuộc dạng “chuyện lạ”. Từ nhỏ, Kiều đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Sẵn có ông bố nghệ sĩ, từ lúc 5-6 tuổi Kiều đã được bố đưa đi hát khắp nơi. Chuyện Bằng Kiều trở thành ca sĩ tưởng như trong tầm tay. Ấy vậy nhưng khi ông bố đưa con thi vào Trường nghệ thuật Hà Nội thì cậu lại rớt! Thế là ông bố lôi con về nhà, hát ở nhà. Trong một lần hát “hầu” bố và mấy ông bạn nghệ sĩ đang say sưa, Kiều được thầy Phúc Linh dạy kèn ở nhạc viện “bắt” về làm học trò.
Thế là một giọng tenor loại hiếm tự dưng ôm kèn vào nhạc viện. Ở khoa kèn không phải chỉ mình Bằng Kiều “vào nhầm chỗ” kiểu ấy. Nhưng tuy không học thanh nhạc giờ nào, những năm học kèn ở Nhạc viện Hà Nội đã mang lại cho Bằng Kiều một kiến thức nền tảng tốt về âm nhạc, khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ, ngoài kèn, Kiều còn có thể chơi guitar, trống và sáng tác ca khúc, hòa âm phối khí.
Cộng thêm khả năng diễn xuất sân khấu (Kiều rất giỏi mảng này, cũng là thừa hưởng di truyền từ bố mẹ) và vẽ rất đẹp, Bằng Kiều có thể được xem là một trong số ít nghệ sĩ đa tài, đa năng nhất ở Việt Nam mà giọng hát chỉ là nơi bộc lộ toàn diện nhất khả năng nghệ sĩ của anh.
Theo TT&VH