Chuyển gân chày chữa hội chứng bàn chân thuổng

Google News

Kỹ thuật này giúp các bệnh nhân bị liệt thần kinh mác chung làm mất chức năng gấp duỗi bàn chân có thể trở lại đi đứng bình thường.

- Thay vì phải đóng cứng khớp, với phương pháp chuyển gân chày sau ra trước mu bàn chân, các bệnh nhân bị liệt thần kinh mác chung làm mất chức năng gấp duỗi bàn chân có thể trở lại đi đứng bình thường.

Một ca phẫu thuật chuyển gân chày cho bệnh nhân.
Một ca phẫu thuật chuyển gân chày cho bệnh nhân.
Anh Nguyễn Văn H. (Nghệ An) bị liệt một chân đã 17 năm sau tai nạn. Chân không có khả năng gấp duỗi, bàn chân rủ và xoay vào trong. Sau khi chuyển gân, phục hồi cử động gấp bàn chân về phía mu chân, anh đã đi lại được bình thường.

Liệt thần kinh mác chung là một biến chứng của chấn thương vùng cẳng - cổ chân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gấp duỗi bàn chân. Nguyên nhân là do vết thương phần mềm ở cẳng chân qua đường đi của thần kinh, do gẫy hai xương cẳng chân, chấn thương khớp gối và do tai biến phẫu thuật vùng cẳng chân.
 
Khi thần kinh mác chung bị liệt, nhóm cơ trước ngoài cẳng chân mất chức năng gấp bàn chân về phía mu chân, bàn chân sẽ rủ và xoay trong (dấu hiệu bàn chân thuổng), chân không cử động, liệt và teo. Phẫu thuật phục hồi cử động gấp bàn chân về phía mu chân giúp chân đi lại bình thường và cũng lấy đi lực gây biến dạng.
 
Trước đây, muốn sửa bàn chân thuổng người ta dùng kỹ thuật đóng cứng các khớp. Kỹ thuật này có nhiều nhược điểm: Các khớp cổ chân bị đóng cứng nên bàn chân không còn tính mềm mại, thời gian nằm viện bất động mất nhiều tháng. Phẫu thuật chuyển gân chày sau là một phương pháp mới, hiệu quả và an toàn, thời gian nằm viện chỉ mất 3 - 4 ngày.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch (Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức)

Bình luận(0)