Xăng dầu thế giới giảm sâu, trong nước còn lâu mới giảm

Google News

Trong khi thị trường xăng dầu thế giới tăng, các "ông lớn" trong nước ngay lập tức kêu gào lỗ thảm đòi tăng giá xăng dầu...

Nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu, thị trường trong nước vẫn "bình chân như vại"...
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 26/7, giá dầu thô trên sàn hàng hóa New York giảm 79 cent, tương ứng với mức 0,8%, xuống còn 104,70 USD mỗi thùng. Đây là mức chốt theo ngày thấp nhất kể từ phiên 11/7 cho đến nay. Trước đó, giá dầu thô loại này còn tụt xuống còn 103,90 USD mỗi thùng.
Tính chung cả tuần, dầu thô đã giảm 2,9% giá trị. Nếu so với mức giá chốt cuối tuần trước của dầu thô hợp đồng tháng 8 (hiện đã hết hạn) là 108,05 USD mỗi thùng, hiện giá dầu thô kỳ hạn tại sàn giao dịch New York đã giảm tới 3,1%. Trong suốt 4 tuần trước đó, giá dầu thô kỳ hạn đã tăng được 15%.
Trên sàn hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc cuối ngày 26/7 đứng ở mức 107,17 USD, giảm 48 cent, tương ứng với mức giảm 0,5%. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,8%. Hiện khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô giao sau tại New York và dầu Brent ở London đang ở khoảng gần 3 USD/thùng.
Người dân đang phải "oằn lưng" chịu giá xăng dầu. 
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) từng khẳng định: "70% nguồn xăng dầu trong nước là nhập khẩu, nên giá trong nước chịu tác động rất lớn từ giá thế giới. Nếu giá thế giới tăng liên tục thì không tránh khỏi việc giá trong nước phải điều chỉnh".
Thế nhưng, mặc dù trong tuần qua, giá xăng giầu trên thị trường thế giới giảm sâu nhưng ở trong nước giá mặt hàng này vẫn ở mức 24.570 đồng/lít xăng, 22.020 đồng/lít dầu bán lẻ. Được biết, mức giá này được giữ nguyên kể từ lần tăng gần đây nhất vào cuối ngày 17/7.
Lý giải cho việc tăng giá xăng dầu lên cao nhất trong lịch sử từ trước tới nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn có thể biến động theo xu hướng tăng và ở mức cao...nhưng khi xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước vẫn được giữ nguyên.
Trước đó, vào khoảng đầu năm 2013, người tiêu dùng vẫn còn nhớ đó là thời điểm giá xăng dầu trên thế giới bắt đầu rậm rịch tăng cao, kéo theo đó là các công ty xăng dầu tại Việt Nam kêu gào lỗ thảm và đòi tăng giá.
“Với mức lỗ như hiện nay mà diễn biến giá xăng dầu thị trường tiếp tục cao thì các DN khó lòng chịu đựng nổi. Tuy chưa nắm được con số chính xác tình hình quỹ bình ổn tại các DN đầu mối khác nhưng theo thông tin được biết, hiện nay nguồn quỹ này ở một số nơi đã âm hoặc đang trong tình trạng khó khăn.
Phải trích lập quỹ trong 3 - 4 tháng mới đủ để xả quỹ chỉ trong 1 tháng nên nếu tiếp tục trích quỹ với mức 1.000 đồng/lít xăng như hiện nay, chắc chắn quỹ bình ổn sẽ không còn.” – Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex nói.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: "Trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn độc quyền là chủ yếu, doanh nghiệp sẽ lợi dụng biên độ này tăng và thiệt hại cho người tiêu dùng. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, mà kiếm lợi nhuận thông qua giá là dễ nhất.
Còn cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay thì chắc chắn việc tháo gỡ khó khăn trong điều hành xăng dầu không bao giờ thực hiện được".
Theo Đất Việt

Bình luận(0)