Ngân hàng tiền lẻ đầy kho, người cần tiền lẻ không có

Google News

Phạt người đổi tiền lẻ trái phép nhưng cũng phải có biện pháp để đưa tiền lẻ đến tay người cần, nhất là những người buôn bán nhỏ.

Cứ độ chục ngày là vợ chồng anh chị bán dừa tươi ngay mặt tiền gần giao lộ quốc lộ 1 và quốc lộ 1K thuộc khu phố 1, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM lại phải nhờ một người làm trong Khu chế xuất Linh Trung 1 đổi cho vài triệu đồng giấy bạc loại 1.000 đồng và 2.000 đồng để thối trả cho khách. Một trái dừa 7.000-8.000 đồng và người mua thường đưa tờ 10.000 đồng trở lên nên nhu cầu loại tiền 1.000 và 2.000 đồng với anh chị rất lớn.
Tuy nhiên khi đổi tiền lẻ, cứ 1 triệu đồng anh chị phải trả phí đổi 80.000 đồng nên tiền lời không còn bao nhiêu. Có lần thấy tôi mua dừa và móc xấp tiền loại 2.000 đồng ra trả, chị xin đổi một ít và thật vui vì đổi mà không mất đồng tiền phí nào.
Từ đó thỉnh thoảng anh chị lại canh tôi đi ngang nhờ đổi cho một ít tiền lẻ.
Ngan hang tien le day kho, nguoi can tien le khong co
 Dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí phát triển mạnh vào mùa người dân đi lễ chùa - Ảnh: Nguyễn Khánh.
Nhu cầu cần các loại tiền lẻ từ 5.000 đồng trở xuống là có thật và nhiều lúc trở nên gay gắt. Ngoại trừ nhu cầu tiền lẻ phục vụ những người đi đình, chùa vào mùa lễ tết, tiểu thương ở các chợ và những người bán hàng dạo rất cần loại tiền lẻ này để thối cho khách. Tiền lẻ có khi không thiếu, nhưng do người cần và ngân hàng chưa gặp nhau nên mới có sự khan hiếm.
Người bưng thúng bán bưng mấy khi giao dịch qua ngân hàng, còn người giao dịch với ngân hàng phần lớn không muốn nhận tiền lẻ cho cồng kềnh.
Cho nên ngân hàng vẫn thừa rất nhiều tiền lẻ để đầy kho, trong khi người bán hàng - nhất là người buôn thúng bán bưng - luôn luôn thiếu tiền lẻ để thối cho người mua.
Tôi là người có thâm niên đổi tiền lẻ, thậm chí đổi tiền mới miễn phí cũng gần 15 năm cho nhiều tiểu thương nghèo ở chợ Linh Xuân (Q.Thủ Đức) và khu vực lân cận để bà con thuận tiện trong việc mua bán hàng hóa.
Là người trong ngành ngân hàng nên tôi luôn xem đây là một việc làm mang tính “thiện nguyện” cần có để góp một phần nhỏ nhoi với cộng đồng.
Bao giờ trong túi mang theo của tôi cũng có sẵn loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng để ai cần đổi thì giúp vô tư như với hai vợ chồng người bán dừa.
Tôi cũng thấy ở chợ thỉnh thoảng có người gom tiền lẻ đổi cho tiểu thương không lấy lời và họ gọi hành động đó là “đi làm công quả”, đơn giản vậy thôi và tôi nghĩ việc làm đó cần được nhân rộng.
Việc phạt, thậm chí phạt thật nặng những người đổi tiền lẻ ăn lời, tôi đã trông đợi lâu nay. Bởi lẽ với những người buôn bán nhỏ, phải bớt đi đồng tiền chật vật kiếm được cho khoản chi phí đổi tiền lẻ quả thật rất đau lòng.
Nhưng nếu chỉ nghiêm cấm, phạt nặng hành vi đổi tiền lẻ lấy lời mà không giải được bài toán thiếu tiền lẻ ở người buôn bán nhỏ, thì chắc rằng họ vẫn phải tiếp tục mất tiền cho khoản đổi tiền lẻ, có khi nhiều hơn do ít người dám đổi tiền lấy phí.
Vậy nên, để triệt tiêu tệ nạn này, các ngân hàng phải có cách đưa tiền lẻ đến tận tay người cần, nhất là những người buôn bán nhỏ, để tránh cho họ rơi vào cảnh không có tiền lẻ thối cho người mua.
Các ngân hàng nên thỉnh thoảng, vài tháng một lần, tổ chức các tổ đổi tiền lẻ của ngân hàng đến tận chợ hoặc khuyến khích cán bộ nhân viên trong ngành đi đổi tiền lẻ miễn phí cho tiểu thương.
Dù công việc này có tốn chút công sức, nhưng các ngân hàng nên xem đây là một cách marketing cho ngân hàng mình khi hướng các hoạt động về hỗ trợ cộng đồng.
Và điều này mới góp phần giải được bài toán cung - cầu về tiền lẻ, giúp giảm bớt cảnh “khát tiền lẻ” để chi trả lẫn nhau ở thị trường.
Độc giả Huỳnh Hoa/TTO

Bình luận(0)