Truyền thông quốc tế dẫn tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vào hôm 21/10 cho hay, tàu khu trục USS Decatur đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1974) và thực hiện hoạt động này một cách bình thường và hợp pháp mà không có sự hộ tống hay xảy ra sự cố nào.
"Tôi có thể xác nhận rằng đêm qua tàu khu trục USS Decatur đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, đặc biệt là trong vùng gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1974)", phát ngôn viên Nhà Trắng Earnest nói với cánh phóng viên.
Còn theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross, chiến hạm Decatur không di chuyển trong khu vực 12 hải lý quanh quần đảo, nhưng đã vượt qua một vùng biển rộng lớn mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
"Hoạt động này đã chứng minh rằng các quốc gia ven biển không thể hạn chế trái pháp luật quyền tự do hàng hải và quyền theo pháp luật của Mỹ và tất cả các nước trong việc hành xử theo luật quốc tế", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross tuyên bố.
|
Tàu khu trục USS Decatur. Ảnh: Wiki |
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, hoạt động mới nhất của Hải quân Mỹ trên Biển Đông là nhằm mục đích thể hiện quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế được UNCLOS cho phép và Trung Quốc không nên xem đây là một hành động khiêu khích.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Josh Earnest cũng khẳng định Mỹ không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông và quan điểm của Washington là tranh chấp tại đây cần phải được giải quyết thông qua thương lượng chứ phải cưỡng ép, sử dụng vũ lực hay hăm dọa.
Đây là hoạt động "tự do hàng hải" thứ ba của Mỹ trong năm nay tại biển Đông nhằm nhấn mạnh việc Washington sẽ phớt lờ các khiếu nại hàng hải "quá mức vô lý" của Trung Quốc tại vùng biển này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày đã ngay lập tức phản đối, cho rằng hoạt động tuần tra của một tàu chiến Mỹ tại Biển Đông là "bất hợp pháp" và mang tính "khiêu khích", đồng thời cho biết đã bày tỏ sự phản đối với phía Mỹ.