Chia sẻ trên mạng xã hội, chị H cho biết, sau khi nối mi được một tháng nhưng mắt chị vẫn trong tình trạng ‘tèm nhèm’, da xung quanh mắt bỏng rát, khó chịu. Sau khi thăm khám, bác sỹ kết luận chị H bị viêm kết mạc, viêm da mi do hậu quả từ việc nối mi trước đó.
Giống chị H, chị Thùy Anh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cũng gặp phải trường hợp tương tự: Mắt sưng tấy do bị viêm bờ mi và giác mạc bị tổn thương do ảnh hưởng của keo nối mi.
|
Chị H bị viêm kết mạc, viêm da mi do hậu quả từ việc nối mi. |
Chưa hết, sau khi nối mi lông mi thật của chị Thùy Anh đã rụng hàng loạt cùng với những cụm mi giả khiến cho đôi mắt trở nên “bên cụp bên xòe” rất mất thẩm mỹ.
Theo tìm hiểu của PV, dịch vụ nối mi hiện nay rất đa dạng, cùng với nhu cầu làm đẹp tăng cao các dịch vụ nối mi vì thế cũng rất phát triển. Không chỉ ở các tiệm gội đầu, các cửa hàng làm móng, dịch vụ nối mi còn được phát triển bởi dịch vụ làm tại nhà.
Tùy theo tay nghề, giá dịch vụ nối mi cũng rất khác nhau, giao động từ 120.000đ- 200.000đ/ một lần nối. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ này cũng rất khó định đoán vì mỗi nơi đều quảng cáo nguyên liệu nối mi là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan nhưng thực tế nguồn gốc ở đâu người dùng dịch vụ cũng không hề hay biết.
Đáng chú ý tất cả những sản phẩm keo nối mi này đều là hàng không được nhập khẩu chính hãng, chủ yếu là hàng xách tay, được nhập qua đường tiểu ngạch, nên trên những lọ keo nối, uốn mi này đều không có tên nhà phân phối sản phẩm cũng như hướng dẫn sử dụng, chỉ định dùng cho đối tượng nào...
|
Dị ứng với keo nối mi cũng khiến nguy cơ viêm nhiễm mắt tăng cao. |
Bên cạnh nguyên liệu làm mi giả, chất lượng keo nối như thế nào, được sử dụng đúng quy cách hay chưa vẫn là ẩn số tại các cửa hàng làm dịch vụ. Theo thống kê, những người sử dụng dịch vụ nối mi gặp tác dụng phụ hầu hết là từ các loại keo nối mi này.
Đề cập đến nguy cơ tiềm ẩn khi nối mi, theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc nối mi bằng keo là việc hết sức nguy hiểm. Do việc nối mi là dùng keo gắn lông mi vào mắt nên rất dễ xảy ra tình trạng dính keo vào giác mạc, nếu lỡ tay dụi vào mắt khi keo chưa khô sẽ khiến keo bị dính vào niêm mạc khiến có thể gây sưng viêm nặng.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thảo (Bệnh viện Mắt Trung ương, HN), khi sử dụng dịch vụ nối mi phải đảm bảo keo nối đạt chất lượng và không chứa hóa chất độc hại gây dị ứng. Đối với trường hợp của chị H, bác sỹ Thảo cho biết có thể keo nối mi mà chủ tiệm đã dùng có chất formaldehyde, có thể gây dị ứng, bỏng rát, sưng và phát ban khi tiếp xúc.
“Nếu gặp trường hợp dị ứng, chị em phụ nữ tuyệt đối không được gãi, dụi, hay giật mi giả ra khỏi lông mi. Vì như thế sẽ làm hỏng lông nang, khiến mi bị rụng tạm thời hoặc nguy hiểm hơn là rụng vĩnh viễn. Thậm chí, dụi mắt khi nối mi còn gia tăng nguy cơ viêm nhiễm giác mạc có thể gây mù lòa”, bác sỹ Thảo khuyến cáo.