Trong 5 căn nhà sàn lụp xụp, cách nhau vài trăm mét có tới hàng chục thanh niên bỗng dưng hoá điên...
Vượt qua chặng đường dài hơn 100km từ TP.Pleiku (Gia Lai), chúng tôi đến xã Ia Rbo (thị xã Ayun Pa, giáp ranh với khu vực đèo Tô Na), nơi có dòng sông Ba chảy quanh uốn lượn nhìn như một dải lụa trải dài. Ở vùng đất này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện bi thương của những mảnh đời bỗng dưng hoá điên dại chẳng rõ căn nguyên hành hạ suốt nhiều năm nay. Chẳng thể giải thích rõ, đồng bào Gia Rai nơi này lại đổ cho "con ma" quái ác giữa chốn rừng sâu núi thẳm tìm về hành hạ người dân!
Trong 5 căn nhà sàn lụp xụp, cách nhau vài trăm mét ở ngã ba của 3 bôn là bôn Sar, bôn Dương và bôn KRái có tới hàng chục thanh niên bỗng dưng hoá điên, chốc chốc lại phát ra những tiếng la hét, kêu gào, cười nói nửa tỉnh nửa mê. Thứ âm thanh ghê rợn nhưng đầy xót thương ấy, nhiều năm nay đã trở nên quen thuộc với người đồng bào dân tộc Gia Rai nơi đây.
|
Đang khoẻ mạnh bỗng dưng hoá điên |
Trên con đường nhỏ đưa chúng tôi vào xã la Rbol, nơi có 5 chàng trai, cô gái bỗng nhiên cùng bị phát điên. Đã gần chục năm nay, họ phải sống chung với xiềng xích. Vì nhiều người ở xã bỗng hoá điên, chạy chữa mãi không khỏi nên chính quyền địa phương nơi đây luôn trăn trở và lo lắng. Theo chân ông Ksor Thiên (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Ayun Pa) và bà Phạm Thị Vân (Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã la Rbol), chúng tôi phải "mật phục" tại đây cho tới cuối chiều, khi người đồng bào đi làm cái nương, cái rẫy trở về thì mới mong gặp được họ.
Mặt trời khuất dần sau dãy núi Chư Dju, bà Nay H’Lát (50 tuổi), ở bôn Krái mới đi hái vội mớ rau rừng ngoài suối về. Trong căn nhà sàn lụp xụp, bà H’Lát hí húi chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Chốc chốc, bà lại chạy ra canh chừng 3 người con bị bệnh tâm thần của mình đang được xích lại, mỗi người mỗi góc trong căn chòi nhỏ cách chừng mươi bước chân.
Vợ chồng bà H’Lát có 6 người con thì 3 người mắc bệnh tâm thần. Năm 1994, tai hoạ bất ngờ giáng xuống gia đình bà khi người con gái Nay H’Nhơn (SN 1978), khi đó là một thiếu nữ mới 16 tuổi. Ở bôn Sar đó H’Nhơn nổi tiếng là cô gái đẹp nhất vùng. Mỗi khi đi nương về, H’Nhơn khiến bao trai bản phải ngẩn ngơ nhìn theo. Một hôm bất ngờ bị sốt cao kéo dài hàng chục ngày. Khi khỏi ốm, H’Nhơn tự nhốt mình suốt ngày ở trong nhà để hát hò, cười nói lảm nhảm rồi đập phá đồ đạc tan tành vì điên dại.
Thu mình trong nhà được vài hôm, H’Nhơn bất ngờ chạy ra ngoài sân rồi giơ tay lên trời múa và nằm chềnh ềnh ra đường hát hò. Hát chán cô lại gào khóc như mưa như gió. Sau đó, H’Nhơn đã nghiến rằng nghiến lợi xé rách hết quần áo rồi chạy đi khắp làng hò hét, quậy phá. Nhìn thấy đứa con gái xinh đẹp không một mảnh vải che tấm thân nõn nà của thiếu nữ tuổi mới lớn cứ chân trần chạy khắp nơi, cha mẹ H’Nhơn đau xót lắm. Khi đuổi theo đưa con gái về nhà thì H’Nhơn lại túm tóc mẹ, la hét và cười sằng sặc khiến bà H’Lát càng hoảng sợ. "Hôm ấy, gần chục người làng mới giữ nổi chân tay của H’Nhơn và đưa con gái tôi về nhà xích lại" - bà H’Lát đau khổ kể lại.
Mặc dù bà H’Lát không kể về sự vất vả khi phải bươn bả để vừa giữ con, vừa phải quần quật làm việc nuôi con, nhưng ở mảnh đất tận cùng của cái nắng lửa, mưa dầm này, chúng tôi hiểu, để kiếm cái ăn nuôi 3 người con điên dại và bản thân mình cùng gia đình ở nơi núi sâu, rừng thẳm, đèo heo hút gió này là hết sức khó khăn, nhất là khi tập tục của đồng bào là dựa vào sản vật của núi rừng, mà sản vật này ngày một cạn kiệt.
Cố cứu lấy đứa con gái yêu, gia đình đưa H’Nhơn chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả, bệnh tình mỗi lúc một nặng hơn. Để khống chế những cơn điên của H’Nhơn, không còn cách nào khác, gia đình đành làm một cái chòi nhỏ ở góc vườn vừa đủ cho H’Nhơn chui vào trong đó rồi khoá chặt cửa lại. Mọi việc từ ăn uống đến tiểu tiện, đại tiện đều được H’Nhơn thực hiện trong không gian rộng chừng 10m2 ấy. Ở vùng đất nóng như nung, H’Nhơn thường cởi hết áo quần và nằm bệt ra sàn nhà. Thấy chúng tôi tới, bà H’Lát mở cửa và khoác vội chiếc áo nhem nhuốc lên người H’Nhơn. Bệnh tình nhiều năm, H’Nhơn đã bị rụng gần hết mái tóc óng mượt ngày nào, chân tay gầy guộc, đôi gò má hốc hác, vẻ mặt đầy sợ hãi. "Người nó lúc này gầy gò, ốm yếu, chỉ có da bọc xương, nhìn con gái với bộ dạng như vậy lòng tôi đau như xé", bà H’Lát vừa khóc vừa nói. Để có tiền chạy chữa cho H’Nhơn, tài sản của gia đình sau bao nhiêu năm tích cóp cứ ngày ngày phải đội nón ra đi
Tai hoạ nối tiếp tai hoạ
Đầu năm 2002, một tai hoạ nữa lại ập đến với gia đình bà H’Lát. Người con trai đầu Nay Nơm (SN 1976), xưa nay vốn là niềm tự hào của gia đình vì là chàng trai khoẻ mạnh, tháo vát và là trụ cột của cả nhà, bỗng một ngày lăn đùng ra sàn nhà rồi phát bệnh điên dại như em gái. Bình thường, Nơm chăm chỉ làm ăn và gánh vác cho cha mẹ bao nhiêu thì nay lại dở chứng đập phá tan tành đồ đạc và căn nhà của cha mẹ bấy nhiêu. Bao nhiêu tài sản trong nhà, anh lấy mang đi cho hàng xóm. Khi không còn gì để đem đi cho và vứt khắp xóm làng, Nơm ra vườn bắt gà và lợn ăn sống, thậm chí đuổi cả chó, mèo đánh chết và ngồi ăn ngấu nghiến... Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng để đảm bảo cuộc sống gia đình, bà H’Lát hằng ngày phải chạy ăn từng bữa cùng với nỗi tuyệt vọng về 2 người con điên dại.
Chưa dừng lại ở đó, bất hạnh lại một lần nữa giáng xuống căn nhà tồi tàn, rách nát của gia đình bà H’Lát. Gạt vội dòng nước mắt đang chực chảy ra trên khuôn mặt già nua, bà H’Lát nhớ về những ngày đầu khi phát hiện đứa con thứ 3 của mình phát bệnh. Nay Nhung (SN 1988) là con út trong nhà. Khi đang học lớp 11 trên thị xã Ayun Pa, bỗng một ngày, cậu con trai út hốt hoảng chạy về nhà cầu cứu gia đình vì bị nóng ran trong người như có người đang múc từng gáo nước sôi đổ vào gan, vào ruột. Nhung lăn lộn, vật vã nằm co giật trên sàn nhà rồi đau đớn thét lên: "Cha mẹ ơi, cứu con với! Con cũng bị giống như anh chị rồi!".
Lúc này, được chính quyền địa phương giúp đỡ, gia đình đã đưa Nhung đi bệnh viện tâm thần ở tỉnh Gia Lai chữa trị, nhưng bệnh viện trả về do không chữa trị được. Đôi vợ chồng già với một sào ruộng, lo cho 3 người con bị bệnh tâm thần nhiều đêm dòng ngồi bên bếp lửa nhìn nhau khóc nức nở vừa thương cho phận mình, vừa thương cho phận bạc của những đứa con thân yêu.
Xẩm tối, trong ngôi nhà sàn nhỏ, tiếng cười nói lảm nhảm của 3 người con bà H’Lát vẫn vang lên khiến người mới đến phải khiếp hãi. Bên kia góc nhà, mẹ ruột của bà H’Lát đã gần 80 tuổi bị mù, nằm liệt giường nhiều năm nay khẽ rên rỉ. Nén đi những tiếng thở dài, bà H’Lát kể lại, nhà có 6 người con thì 3 người bị điên, bao nhiêu tiền của sau mấy chục năm làm ăn tích cóp đều đem ra chạy chữa cho các con. Tiền thì hết nhưng bệnh thì vẫn còn nguyên. Trong ngôi nhà sàn tối tăm ấy, tài sản quý giá nhất của họ chỉ còn vài cái nồi nhỏ, một cái giường cũ nát với những vết chắp nối tồi tàn. Gánh nặng về cơm áo ngày một đè lên đôi vợ chồng già yếu gầy nhom. Mặc dù hằng tháng được trợ cấp của Nhà nước và bà con trong bôn giúp đỡ nhưng số tiền ít ỏi vẫn không đủ để gia đình trang trải cuộc sống.
Những mảnh đời nửa tỉnh nửa mê
Bên kia hàng rào, trong nhà bà N H’Peh (53 tuổi) cũng đang vang lên tiếng lẩm bẩm cười nói vô hồn của Nay Nhang (SN 1986), con trai bà. Không một mảnh vải che thân, Nay Nhang nằm quằn quại điên dại dưới sàn nhà, thỉnh thoảng lại cố dùng sức mình giật mạnh sợi dây xích đang cột chặt tay chân mình vào gốc cột giữa nhà. Nay Nhang cũng phát điên ngay trong lớp học khi còn là một học sinh giỏi lớp 11 ngoài thị xã. Suốt những năm học, Nhang luôn là học sinh giỏi, anh hát hay, hàng tháng vẫn mang học bổng về khoe với gia đình. Ngày nhà trường báo tin Nay Nhang bị điên, cả nhà anh chết lặng không ai muốn tin dù đó là sự thật.
Trên gương mặt còn in rõ nỗi lo lắng, bà H’Peh đau đớn kể lại: "Nhìn con mà đứt cả khúc ruột, đã 5 năm nay từ khi nó bị điên không ai trong gia đình dám lại gần, quần áo không chịu mặc, ăn đói, mặc rét ngày cũng như đêm sống cùng với sợi dây xích... Mới ngày nào nó còn đem tiền học bổng về nhà khoe với bố mẹ. Vậy mà... ", nói đến đây, bà H’Peh lại đưa mắt nhìn về phía góc nhà, nơi có người con đang lên cơn điên quằn quại nằm giãy giụa.
Cách nhà bà Nay H’lát chừng vài trăm mét, trên ngôi nhà sàn vắng tanh suốt ngày đóng cửa của gia đình ông Ksor Tứt (62 tuổi), anh Nay Síu (SN 1983) đang trần truồng trên sàn nhà, tay chân bị xích chặt vào gốc cột thở từng hơi yếu ớt rồi nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn, tội nghiệp.
Theo Gia Đình và Cuộc Sống
[links()]