Chàng giám đốc trẻ không ngại thừa nhận mình là người đồng tính, chỉ yêu và muốn cưới một người đàn ông chứ không muốn lấy vợ.
Chàng giám đốc trẻ không ngại thừa nhận mình là người đồng tính, chỉ yêu và muốn cưới một người đàn ông chứ không muốn lấy vợ.
Anh là Huỳnh Minh Thảo. Ở tuổi 29, anh hiện là giám đốc truyền thông và dịch vụ của trung tâm ICS, giám đốc điều hành một công ty tổ chức sự kiện. Anh còn là người sáng lập và điều hành trang web dành cho người đồng tính nam đầu tiên tại Việt Nam.
Dễ chịu hơn khi "come out"
"Come out" là thuật ngữ dùng để chỉ những người trong thế giới thứ 3 đã lộ diện, công nhận giới tính của mình với gia đình và bạn bè. Với Huỳnh Minh Thảo, anh không chỉ công khai với gia đình, bạn bè mà còn công khai trên diện rộng như tivi, báo đài... rằng anh là một người đồng tính.
Thời gian đầu khi mới phát hiện ra mình là người đồng tính, anh cũng hoang mang lắm. Anh cũng từng coi đó là một suy nghĩ lệch lạc nên không dám bộc bạch với ai, thậm chí còn tự kiểm điểm mình.
|
Giám đốc Huỳnh Minh Thảo chỉ muốn cưới… đàn ông |
Anh chia sẻ: "Tôi biết mình là đồng tính từ những năm dậy thì. Khi đó, tôi đã tìm đọc rất nhiều sách báo, nhưng hầu hết đều khuyên tôi nên tránh xa suy nghĩ này. Cũng đã có thời, tôi tránh xa thật. Tôi thu mình và tách hẳn các hoạt động chung với bạn bè như một cách tự kiểm điểm mình. Nhưng rồi, tôi lại tự cảm thấy điều đó thật không đúng với cá tính của bản thân, và nó buộc tôi phải tiếp tục tìm hiểu thêm những thông tin khác về giới".
Tự mày mò tìm thông tin trên internet, tham gia diễn đàn đầu tiên về người đồng tính, anh đã dần hiểu về giới tính của mình. Cho đến năm 2005, anh cùng 2 người bạn khác thành lập nên website Táo Xanh, một cộng đồng nhỏ dành cho các bạn đồng tính nam trẻ. Và rồi anh quyết định "come out" để được sống là chính mình.
"Tôi quyết định come out đầu tiên với nhỏ bạn thân, rồi đồng nghiệp, sếp tôi, những người trong gia đình và sau này là cả xã hội, bằng nhiều cách khác nhau. Ở mỗi lúc, tôi đều có những nhu cầu riêng, khiến mình phải chủ động chia sẻ; khi thì tôi vừa chia tay với người yêu nên cần tâm sự, khi thì tôi “bị nghi ngờ” bởi những đứa bạn; hay tôi chỉ nói chuyện nhẹ nhàng với 2 đứa em tôi rằng, tôi khác chúng một chút", anh chia sẻ.
Anh bảo, nếu so với cuộc sống hiện tại, khi anh đã công khai trên diện rộng như tivi, báo đài thì anh thấy dễ chịu hơn là khi mình còn chưa rõ và thường né tránh. Sau khi công khai, anh sống và đi làm cũng bình thường như bao người. Anh nghĩ, mình sống tích cực, hết mình, thân thiện và đối xử tử tế với mọi người, khó làm ai có thể đánh giá thấp mình.
Xây dựng hình ảnh tích cực cho người đồng tính
Trước đây, người đồng tính chỉ thập thò trong bóng tối, và chịu biết bao điều tiếng xấu xa do định kiến sai lầm của xã hội. Đồng tính là một cái gì đó ghê gớm lắm bởi báo chí viết về đồng tính thường gắn với các tin cướp, giết, hiếp. Thảo đã cố gắng, nỗ lực hết mình để thành công, để chứng minh cho mọi người thấy rằng, người đồng tính sống tích cực và đặc biệt “không lười lao động”.
Anh đã từng thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Khoa Báo chí nhưng phải bỏ ngang vì gia đình quá nghèo. Rồi anh xin vào học CNTT ở một trường dạy nghề, tự đi làm thêm đủ nghề nào bán cà phê, bưng bê tiệc cưới để trang trải học phí.
|
Xã hội cởi mở, người đồng tính cũng dễ dàng bộc lộ bản thân mình nhiều hơn. |
Sự nỗ lực vươn lên khẳng định mình đã đưa anh đến với những thành công lớn hơn. Phấn đấu tạo dựng một hình ảnh tích cực cho người đồng tính trong mắt cộng đồng, khi ICS, tổ chức đầu tiên tại Việt Nam làm việc về quyền của cộng đồng đồng tính ra đời, anh đã tham gia ngay. Hình ảnh những người đồng tính thành đạt như anh sẽ giúp cho xã hội ngày có thêm nhiều người có cái nhìn công bằng, khách quan và cởi mở hơn về vấn đề người đồng tính.
"Xã hội cởi mở, người đồng tính cũng dễ dàng bộc lộ bản thân mình nhiều hơn. Đó là lý do vì sao thời gian vài năm trở lại đây, mọi người có cảm giác rằng người đồng tính ngày một nhiều. Tuy nhiên, số lượng người đồng tính theo nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới ở nhiều thời điểm, nó vẫn vậy, chiếm khoảng từ 3-5% dân số.
Tại Việt Nam, theo khảo sát (chưa công khai) của một số tổ chức xã hội thì con số người đồng tính lên đến hàng triệu. Điều này chứng tỏ rằng, người đồng tính vẫn luôn hiện diện, dù xã hội có cởi mở hay không. Chỉ khác là, nếu xã hội không cởi mở, thì sẽ ngày càng có thêm nhiều người vợ phải cay đắng phát hiện ra chồng mình qua lại với một người đàn ông khác – mà chúng tôi quen gọi đó chính là “nạn nhân” của chính sự kỳ thị của xã hội mang đến", anh chia sẻ.
Theo La Hoàn
Vietnamnet
BÀI ĐỌC NHIỀU:
[links()]