Những điệp vụ siêu hạng của vị tướng tình báo

Google News

Sách "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" kể chuyện người thật, việc thật, xoay quanh nhà hoạt động tình báo Đặng Trần Đức (hay còn gọi là ông Ba Quốc).

Nhung diep vu sieu hang cua vi tuong tinh bao

Sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng. Ảnh: HQ.

Ông Ba Quốc được mệnh danh là điệp viên siêu hạng với nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc. Theo tác giả Hoàng Hải Vân, cuộc đời ông Ba Quốc là chuỗi dài những chuyện hào hùng gay cấn trong suốt ba cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng của Hoàng Hải Vân và Tấn Tú soi rọi một trang sử đã từng là bí mật. Bên cạnh loạt bài đăng báo Thanh Niên từ năm 2004 - loạt bài đã lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng biết đến vị tướng này, sách còn có những công bố từ thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, học trò gần gũi của ông Ba Quốc, hé lộ phần bí mật còn lại trong cuộc đời hoạt động tình báo của ông Ba Quốc.

Những cống hiến trong bóng tối

Trong thời gian công tác, ông đã cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát, cứu ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng) và chín đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi cuộc truy bắt của cơ quan mật vụ chính quyền Sài Gòn, xóa sạch các ổ gián điệp mà đối phương đã cài ở miền Bắc.

Trong khi chỉ huy tình báo trong chiến tranh bảo vệ biên giới sau năm 1975, ông là người phát hiện sớm nhất âm mưu thủ đoạn của bè lũ Pol Pot và quan thầy, giúp Tổng hành dinh sớm định chiến lược và triển khai các chiến dịch bảo vệ biên giới, giải phóng Campuchia thoát nạn diệt chủng, giúp quân dân Campuchia xây dựng chính quyền và ổn định cuộc sống.

Những cống hiến của ông luôn thầm lặng, nằm trong bóng tối bí mật. Đó cũng không phải là điều khó hiểu. Mỗi nhà hoạt động tình báo khi dấn thân vào con đường này đều xác định ngay từ đầu rằng họ phải chấp nhận một cuộc đời đầy sóng gió trong một cuộc sống thầm lặng. Họ phải chấp nhận hoạt động bí mật vì tính chất của nhiệm vụ phải thực thi, vì những con người phải bảo vệ.

Ngay cả khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ, không phải chi tiết nào liên quan đến hoạt động họ cũng có thể tiết lộ. Nhưng qua cuốn sách của Hoàng Hải Vân và Tấn Tú, độc giả có cơ hội được tiếp cận những bí mật mà vị điệp viên nhị trùng Ba Quốc nắm giữ.

Theo thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đoạn đời sau năm 1975 của ông Ba trải dài theo cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, 10 năm giúp nước bạn Campuchia xây dựng hòa bình và những năm đầu giai đoạn Đổi mới của đất nước. Thượng tướng viết về giai đoạn hoạt động này của ông Ba Quốc trong sách: "Dù bị 'màn sương' lịch sử che lấp, nhưng nó ẩn chứa những điệp vụ, chiến công to lớn, không kém giai đoạn ông hoạt động địch hậu trong kháng chiến chống Mỹ".

Ông Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông từng đặt câu hỏi về đoạn đời này của ông Ba, nhưng ông Ba chỉ cười, nói: “Tôi sẽ không nói về cuộc đời hoạt động của mình!”. Ngay lúc ấy, thượng tướng Nguyến Chí Vịnh hiểu rằng cần phải có độ lùi nhất định về thời gian, cũng như những nhân chứng phù hợp để “giải mật” về cuộc đời của ông Ba những năm sau này.

Ông Ba Quốc dành trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước, không đòi hỏi được ghi nhận công lao, không tham quyền cố vị. Ông đã đề nghị tướng Vịnh thay ông làm Cục trưởng và ông đã giao ngay công việc điều hành cho tướng Vịnh trước khi có quyết định của cấp trên, ông còn viết bản cam kết chịu trách nhiệm để tướng Vịnh thay ông. Ông cũng đã từ chối làm Tổng cục trưởng Tổng cục II để đề nghị tướng Vịnh giữ cương vị này.

Khi phải vĩnh biệt ông Ba cách đây 20 năm, vị thượng tướng tự nhủ với bản thân rằng một khi đã hoàn thành hành trình phụng sự Tổ quốc và Quân đội của mình, ông sẽ về với đời thường và viết lại quãng đời của ông Ba sau năm 1975.

Sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng ra đời từ lời đề nghị của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gửi cho hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú.

Nhung diep vu sieu hang cua vi tuong tinh bao-Hinh-2

Ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức (phải) và học trò - thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh năm 1994. Ảnh chụp lại từ sách "Người thầy".

Di sản vô giá

Trong lời dẫn, tác giả viết: “Di sản mà ông (Ba Quốc) để lại là vô giá trong kho tàng khoa học quân sự - chính trị Việt Nam, di sản đó sẽ là bất diệt qua mọi thời đại. Nó cần và sẽ được trao truyền qua các thế hệ".

Công lao lừng lẫy nhưng một đời liêm khiết, ông Ba Quốc là một tấm gương sáng để các điệp viên và các chỉ huy tình báo có thể học hỏi - từ cách phân tích thời cuộc cho đến phương pháp nhìn thấu bản chất đối tượng trong các mối tương quan.

Ta còn có thể học ở ông cách trang bị tri thức nghiệp vụ từ thực tiễn kết hợp với kinh nghiệm và sách vở trường lớp; học ở ông cách không phạm sai lầm giữa chiến trường nhiều hiểm nguy; học ở ông cách thoát hiểm trong những tình huống cam go....

Tác giả Hoàng Hải Vân cho rằng các cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang có thể học ở ông Ba Quốc lòng trung thành với đất nước và tổ chức, thái độ cống hiến vô điều kiện, lòng thủy chung tận tụy với gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và lòng khoan dung với người khác.

Đọc sách, độc giả cũng có thể tự hào về một nhà tình báo lỗi lạc thấm đẫm nhân nghĩa và tình người, từ đó, thêm tin tưởng vào nền quốc phòng toàn dân của chúng ta. 

Theo Anh Vũ/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)