Châu Á với “kỷ nguyên Donald Trump“

Google News

(Kiến Thức) - Sau chiến thắng gây sốc trong cuộc bầu cử ngày 8/11, người ta quan tâm đến chính sách đối ngoại và cung cách điều hành của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo nhà phân tích Hugh White - giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, việc ông trùm bất động sản Donald Trump lên làm tổng thống kế tiếp khiến một số nước Châu Á một lần nữa lại phải lo ngại về cam kết an ninh của Mỹ đối với châu lục này.
Chau A se ra sao vao thoi Tong thong My Donald Trump?
Mối quan hệ làm việc được cho là khó khăn giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan (phải). Ảnh Reuters. 
Mỹ hiện phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn hơn trước trong việc lãnh đạo ở Châu Á và Tổng thống Donald Trump xem ra chưa đủ kinh nghiệm và tố chất để xử lý những thách thức đó. Vì vậy, người ta lo ngại rằng việc Donald Trump đắc cử tổng thống đồng nghĩa với sự chấm dứt vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á.
Có rất nhiều bất trắc
Thứ nhất, hiện vẫn chưa rõ “người ngoại đạo” Donald Trump sẽ thành lập và điều hành chính phủ Mỹ như thế nào. Liệu ông ta có thể chọn được những người đủ tiêu chuẩn để tham gia chính phủ? Liệu ông Trump có thể tìm thấy những người có năng lực để phục vụ trong nội các của ông? Liệu Tổng thống Donald Trump có thể làm việc ổn thỏa với Quốc hội Mỹ, trong đó ông có lẽ sẽ phải đối mặt với sự phản đối không chỉ từ phía đảng Dân chủ mà còn từ nhiều nghị sĩ Cộng hòa?
Liệu ông Trump có thể từ bỏ phong cách làm việc phóng khoáng và phi thực tế khi vận hành chiến dịch tranh cử tổng thống để khép mình vào khuôn khép mà việc điều hành chính phủ đòi hỏi?
Tất cả các câu hỏi trên đều chưa có câu trả lời.
Thứ hai, nếu có thể thành lập và điều hành chính phủ, liệu Tổng thống Donald Trump có thực sự cố gắng thực hiện những lời hứa “trên trời” và những lời đe dọa mà ông đã rất hào phóng đưa ra trong chiến dịch tranh cử?
Sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng ông Trump sẽ từ bỏ tất cả những lời hứa hẹn và đe dọa nói trên, nhưng chắc chắn ông sẽ không làm ngay những điều tồi tệ nhất như khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc tự trang bị vũ khí hạt nhân.
Có lẽ, do tính chất phi thực tế của những lời hứa hẹn và khó khăn to lớn trong việc điều hành chính phủ ở Washington, Tổng thống Donald Trump rốt cuộc sẽ thực hiện rất ít những “sáng kiến” mà ông đã đề ra trong quá trình tranh cử.
Trung Quốc trực tiếp thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á
Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có gì xảy ra. Phần còn lại của thế giới sẽ không chờ đợi Tổng thống Donald Trump cho đến khi ông hoàn tất chương trình nghị sự. Cả đối thủ lẫn bạn bè của Mỹ đều tìm kiếm cơ hội để thử thách Donald Trump và những lựa chọn khó khăn không thể né tránh sẽ sớm xuất hiện.
Và thử thách lớn nhất đối với Donald Trump có thể đến từ Châu Á, nơi Trung Quốc đang thách thức trực tiếp vai trò lãnh đạo của Mỹ. Trung Quốc đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong trật tự mới ở Châu Á-Thái Bình Dương. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã cố tình tạo ra những thách thức ở Biển Hoa Đông và Biển Đông để kiểm tra quyết tâm của Washington trong khu vực. Người ta không thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tạo ra những tình huống mới để “nắn gân” tân Tổng thống Donald Trump.
Ba phương pháp tiếp cận cơ bản
Vậy Tổng thống Donald Trump sẽ đối phó như thế nào với những thách thức nói trên?
Có ba phương pháp tiếp cận cơ bản mà ông Trump có thể theo đuổi để đối phó với những thách thức của Trung Quốc ở Châu Á.
Ông Trump có thể phản ứng cứng rắn buộc Trung Quốc phải lùi bước và tái khẳng định ưu thế của Mỹ. Ông cũng có thể cố gắng thương lượng, tìm cách thỏa hiệp và thừa nhận một số không gian dành cho Trung Quốc nhưng vẫn còn giữ một vai trò mạnh mẽ của Mỹ ở Châu Á. Hoặc ông Trump có thể lùi bước và thừa nhận rằng Tây Thái Bình Dương thuộc về khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc.
Liệu tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chọn phương pháp tiếp cận nào?
Với tính cách hay gây gổ, rất có thể ông Trump sẽ ưu tiên lựa chọn đầu tiên, mạnh mẽ chống lại hành động khiêu khích của Trung Quốc và nhanh chóng sử dụng vũ lực mà không tính đến hậu quả. Đây là một khả năng, và nếu nó trở thành hiện thực, thế giới sẽ phải đối mặt với một tình huống thực sự rất nguy hiểm. Nhưng tất cả những gì mà cho đến nay chúng ta đã thấy ở Trump, ông này không mạo hiểm lao vào một cuộc chiến “hao người tốn của”.
Tương tự, không có lý do nào để hy vọng ông Trump có sự kết hợp giữa tính linh hoạt và quyết tâm cần thiết để đàm phán một giải pháp có thể chấp nhận để tháo ngòi khủng hoảng. Ông ấy là không phải là loại người như vậy.
Từ những gì chúng ta biết về ông, nhiều khả năng Donald Trump có thể sẽ lùi bước trong việc thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đã nhiều lần nói rõ ràng rằng lợi ích của Mỹ không hoàn toàn trùng khớp với lợi ích của các đồng minh truyền thống và cũng không nhất thiết phải duy trì sự lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á hoặc ở nơi khác. Vậy thì vì lẽ gì mà Tổng thống Donald Trump phải chấp nhận những chi phí to lớn và nguy cơ đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ cho các đồng minh?
Nếu quả là vậy, thì thế giới có thể sẽ được chứng kiến sự chấm dứt vai trò lãnh đạo chiến lược của Mỹ ở Châu Á.
Minh Châu (Theo The Straits Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)