Trên trang nhất, báo Le Monde đăng dòng tít “Hillary Clinton - Donald Trump : Chiến dịch vận động tranh cử điên rồ”. “Cú sốc giữa hai nước Mỹ” là tít trên trang nhất của báo Le Figaro.
Nước Mỹ rạn nứt, không còn như trước
Trên trang nhất với hình ảnh hai ứng viên tổng thống đang xoay lưng vào nhau, nhật báo công giáo La Croix viết cuộc bầu cử tổng thống lần này đã làm lộ rõ “sự rạn nứt của nước Mỹ”. Tờ Libération nhận định rằng, sau cuộc bầu cử này, “nước Mỹ sẽ không còn giống như trước nữa”.
|
Một nước Mỹ đối kháng và bị rạn nứt bởi chiến dịch tranh cử. Ảnh The Mirror |
Làn gió hy vọng và lạc quan của năm 2008 lần đầu tiên đưa một một vị tổng thống da màu làm chủ Nhà Trắng nay chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi. Bị vỡ mộng, bực tức và chia rẽ, nước Mỹ nghi ngờ cả chính mình và hai ứng viên tổng thống. Đối với nhiều cử tri, đây chỉ là một sự chọn lựa “miễn cưỡng”, nhưng lại rất quan trọng giữa hai ứng viên được cho là không được lòng dân nhất trong
lịch sử bầu cử Mỹ.
Theo bài xã luận của Libération, cuộc bỏ phiếu hôm 8/11 còn là “một cuộc trưng cầu dân ý lớn về toàn cầu hóa”. Đương nhiên, đây không phải cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên vì tại Vương quốc Anh đã có Brexit, Hungary thì có Viktor Orban hay tại Áo, phe cực hữu xuýt giành chức vụ cử tổng thống.
Libération cho rằng chính học thuyết “tự do” là nguồn cội của mọi sự bực tức một bộ phận dân chúng Mỹ nói riêng và tại một số nước Châu Âu nói chung. Họ vỡ mộng vì những lời hứa hão huyền về việc toàn cầu hóa mang lại sự phồn vinh, giàu có không giới hạn. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tại những nước phát triển, thu nhập của tầng lớp trung lưu và bình dân hầu như bị đình trệ.
Châu Âu muốn bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống Mỹ
Trong bài xã luận “Nhìn từ Châu Âu”, báo Le Figaro khẳng định rằng giả sử được đi bầu, Pháp và một phần lớn Châu Âu sẽ bỏ phiếu cho Clinton. Bởi vì, Châu Âu biết rõ bà Clinton hơn nên họ cảm thấy yên tâm hơn. Bản thân ứng viên đảng Dân chủ cũng hiểu rõ guồng máy và duy trì các mối liên kết có từ lâu nay.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố nếu đắc cử sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại, và muốn Châu Âu chia sẻ gánh nặng. Mỹ phải chấm dứt việc chi ra hàng tỷ đô la mỗi năm để làm “sen đầm quốc tế”.
Trung Quốc sẽ có một đối thủ “cứng đầu”
Thế còn Trung Quốc thì sao? Giữa hai nỗi đau, đành chọn cái nào đau ít hơn, Le Figaro hóm hỉnh nhận xét.
Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh hồi hộp theo dõi cuộc đua Clinton-Trump. Bất kể người thắng cuộc là ai, các chiến lược gia Trung Quốc chuẩn bị tinh thần đối phó với một đối thủ ương ngạnh hơn ông Barack Obama.
Trước những phát ngôn “bốc đồng” của tỷ phú Donald Trump, người Trung Quốc nghiêng về ứng viên Hillary Clinton nhiều hơn. Đó là vì những lý do thực dụng.
Ông Shi Yinhong, giáo sư Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, giải thích: “Bắc Kinh có lẽ sẽ không mấy hứng khởi trước chiến thắng của ông Trump. Điều đó dường như sẽ có tác động tiêu cực trên phương diện thương mại, đe dọa đến điểm yếu hiện nay của Trung Quốc: nền kinh tế của nước này”.
Các kết quả thăm dò tại Trung Quốc cho thấy 37% số người được hỏi ủng hộ bà Clinton và tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 22%. Tính cách khó lường của Trump lại gây lo ngại cho Trung Quốc. Do đó, giáo sư Shi Yinhong cho rằng: “Bà Clinton dù sao vẫn ít đau hơn. Bà ấy sẽ cứng rắn, nhưng vẫn đi tiếp chính sách của ông Obama và bà ấy vẫn sẽ tiếp tục các kênh giao tiếp”. Dẫu sao thì đối với 45% người dân Trung Quốc, bất kể ông Trump hay bà Clinton lên làm tổng thống, Mỹ vẫn là mối đe dọa lớn.
Nga được dịp chê bai nền dân chủ Mỹ
Theo Le Figaro, dường như suốt chiến dịch vận động bầu cử, hầu như toàn bộ truyền thông và phần đông các nhà phân tích Nga đều nghiêng về phía ông Trump.
Thế nhưng, cũng giống như Trung Quốc, Moscow không thể ủng hộ một ứng viên khó dự đoán trước như Donald Trump, theo khẳng định của một chuyên gia Nga thuộc Viện Carnegie tại Moscow.
Nhưng Hillary Clinton sẽ là một người đối thoại khó tính. Đề xuất của bà về việc thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria có khả năng gây cản trở các chiến dịch hoạt động của không quân Nga và làm dấy mối quan ngại cho điện Kremlin.
Trong cả hai trường hợp, không một chính khách Nga nào tin vào khả năng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ vốn đã bị xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi xảy ra nội chiến tại Ukraine, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và cuộc tấn công không quân Nga tại Syria.
Nhìn từ Moscow, chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ cho phép bộ máy tuyên truyền Nga giới thiệu nước Mỹ đen tối. Rủi ro gian lận bầu cử (như ban vận động tranh cử cho Trump từng cảnh báo) cũng đã được truyền thông Nga phổ biến rộng rãi, cho rằng nền dân chủ Mỹ là bệnh hoạn.