Đầu tiên phải nói ngay rằng, nhắc đến Haute Couture là nhắc đến sự cầu kì, tỉ mẩn và mọi chi tiết đều phải thực hiện bằng tay. Haute Couture cũng có hai mùa mốt Xuân Hè và Thu Đông như Pret-à-Porter (thời trang may sẵn). Nhưng nó chỉ diễn ra ở Paris. Và chỉ có Paris mới là chốn hội tụ những nhãn hiệu đỉnh cao với những “luật chơi” vô cùng khắt khe và nghiêm ngặt.
Mỗi chiếc váy Haute Couture này là những câu chuyện về sự cầu kì và tỉ mẩn của một đội ngũ thợ thủ công hàng đầu Paris.
Khái niệm Haute Couture ra đời vào thế kỉ thứ 19 bởi Charles Frederick Worth. Và để phân biệt nó với những dòng thời trang khác, Charles Frederick Worth đã thành lập Liên đoàn Couture Paris đồng thời đề ra những quy chuẩn vô cùng khắt khe. Ban đầu, Liên đoàn Couture Paris đã đưa ra quy định, để tham gia vào tuần lễ Haute Couture, đầu tiên, nhà may đó phải có những kĩ thuật may đo tinh xảo bằng tay. Tiếp đó mỗi bộ sưu tập phải có ít nhất 50 mẫu bao gồm cả trang phục ban ngày và dạ hội. Nó cũng phải được trình diễn với ít nhất ba người mẫu và dưới sự chứng kiến của ít nhất 800 nhà báo cùng giới chuyên môn. Tuy nhiên, sự khắt khe đó sau này đã được thay đổi với con số 25 trang phục thay vì 50 trang phục.
Sở dĩ nó khó đáp ứng bởi mỗi chiếc váy Haute Couture đòi hỏi quá trình may đo rất cầu kì và siêu tỉ mẩn. Mọi khâu đều phải thực hiện thủ công, từ phác thảo, chọn chất liệu, may thử rồi may thật. Mỗi nhà may đều có một bí quyết riêng để may Haute Couture. Ví dụ Chanel, để thực hiện một chiếc váy Haute Couture, sau khi bản phác thảo được hoàn thành, nó sẽ được chuyển xuống xưởng may toile để may thử. Tại đây, các thợ may sẽ may bằng tay trên chất liệu toile. Rồi sau đó nó mới được may thật trên vải flou (vải mềm) và tailleur (vải cứng). Bởi thế, thông thường, một chiếc váy Haute Couture tiêu tốn hàng trăm thậm chí hàng nghìn giờ lao động tỉ mẩn của các thợ thủ công hàng đầu Paris. Có những bộ sưu tập các thợ may của Chanel đã phải làm việc tới 10.000 giờ.
Haute Couture vốn là sân chơi được thiên định cho những nhà thiết kế tài ba để họ thể hiện những giấc mơ nghệ thuật của họ. Hiện tại, số những nhà may theo đuổi được giấc mơ nghệ thuật này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Chanel, Christian Dior, Jean Paul Gaultier, Frank Sorbier, Stephane Rolland là những thành viên chủ chốt thì có thêm những thành viên trao đổi như Elie Saab, Giorgio Armani Privé, Versace Atelier và Valentino và những khách mời là những nhà thiết kế trẻ như Alexander Vauthier, Julien Fourrnié, Yiquing Yin…
Haute Couture cũng hướng đến những đối tượng khách hàng rất chọn lọc. Họ phải là những nhân vật giàu có và sành điệu như giới hoàng gia như công chúa Caroline của Monaco, vợ các ông trùm như Cason Thrash hay Suzanne Saperstein…, các quý bà Trung Đông… Hẳn nhiên, bởi một chiếc váy Haute Couture của Chanel, Christian Dior có giá tới vài chục ngàn thậm chí cả trăm ngàn Mỹ kim. Còn những nhãn hiệu trẻ như Alexander Vauthier thì cũng không dưới chục ngàn đô.
Vân Anh/Đẹp++