Lang thang ở làng Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, một ngôi làng nổi tiếng nhất huyện Thái Thụy (Thái Bình) về nghề đi biển, tôi được biết, ngoài chàng trai Bùi Đình Thắng vừa tóm sống được con cá thủ vàng 70kg, thì trong vòng 10 năm nay, còn có 3 người nữa bắt được loài cá quý hiếm này.
3 người gồm, anh Phòng bắt được con 20kg, ông Viết bắt được con 45kg và anh Nhã bắt được con 30kg. Mỗi con cá thủ vàng đều trị giá cả trăm triệu đồng, nên những người tóm được nó đều đổi đời.
Tuy nhiên, tại làng Tân Sơn và dọc dải biển Đông này, có lẽ không ai bắt được nhiều cá thủ vàng bằng ông Bùi Văn Nuôi. Hỏi chuyện liên quan đến cá quý hiếm, người dân trong làng đều chỉ đến nhà ông Nuôi.
Khác với tưởng tượng của tôi về một lão ngư sống trong dinh thự xa hoa vì vớ được món lộc khổng lồ từ biển, vợ chồng ông Nuôi sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, giản dị ngay mép đê.
Tôi nói vui: “Xóm làng gọi bác là “vua thủ vàng”, cứ nghĩ bác giàu có lắm, phải ở biệt thự, cưỡi xe hơi, không ngờ lại đạm bạc thế này”. Ông Nuôi cười hiền hậu bảo: “Nếu bây giờ tôi mới là “vua thủ vàng” thì có lẽ sắm du thuyền riêng rồi, chứ tuổi này đâu phải lênh đênh biển cả kiếm sống nữa. Nhưng cái danh “vua thủ vàng” nó xa xôi rồi chú ạ”.
|
Một góc làng chài Tân Sơn. |
Ông Nuôi bảo, đúng là có chuyện ông tóm được mấy chục con thủ vàng, tính ra đến cả tấn, nhưng chuyện xảy ra 20 năm trước, khi đó, cá thủ vàng còn chưa có giá như bây giờ, nên chả ăn thua gì.
Ngồi vá lưới trên con tàu neo đậu dập dềnh ven biển, ông Nuôi kể chuyện liên miên về loài cá đặc biệt quý hiếm này. Theo ông Nuôi, loài cá này chỉ xuất hiện nhiều ở các cửa sông miền Bắc. Nhiều nhất ở cửa Ba Lạt, nhánh chính của sông Hồng đổ ra biển. Nơi nhiều thứ nhì là cửa sông Văn Úc và tiếp theo là cửa Nam Triệu (sông Bạch Đằng), đều thuộc Hải Phòng.
Những cửa sông nhỏ hơn như cửa sông Thái Bình, cửa sông Trà Lý hoặc cửa Lạch Giang (Nghĩa Hưng, Nam Định), cửa Đáy (Ninh Bình)… cũng có loài cá thủ vàng quý hiếm, nhưng ít hơn và trọng lượng cá cũng nhỏ hơn. Càng vào sâu miền Trung, càng ít xuất hiện loài cá này.
Điều đặc biệt là giống cá thủ vàng chỉ sống trong môi trường nước lợ, ở những vùng nước chảy mạnh, nơi các cửa sông. Chúng chọn những chỗ nước xoáy, sâu nhất, hoặc những cái hang hốc lớn, hiểm trở, để ẩn náu.
Chính vì thế, rất ít khi ngư dân thấy loài cá này xuất hiện và rất khó để tóm chúng. Chỉ đến mùa lũ, hoặc những ngày thượng nguồn mưa lớn, nước sông đổ mạnh ra biển, cá thủ vàng mới bơi ra ngoài biển đùa giỡn với dòng nước. Chúng chỉ bơi ra hết vùng nước lợ, rồi lại chạy vào cửa sông ẩn náu. Đây chính là cơ hội để ngư dân bắt gặp và tóm được chúng.
Theo ông Nuôi, những năm 60 về trước, loài cá này đặc biệt nhiều ở các cửa sông thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Khi đó, các cụ không gọi nó là thủ vàng, sú vàng như bây giờ mà gọi là “cá ma”. Lý do gọi như thế là vì tiếng kêu của nó rất giống với tiếng chim lợn, loài chim mà theo truyền thuyết, mỗi khi cất tiếng kêu trên bầu trời, y rằng có người sắp chết.
Ngư dân ven biển nơi đây cũng tin rằng, mỗi khi cá thủ vàng nổi lên rống “éc éc…”, kiểu gì khu vực gần đó cũng có người chết. Đôi khi, tiếng của chúng lại như bò rống, có lúc lại như tiếng trẻ con khóc, nghe rợn cả người.
Ông Nuôi kể rằng, hồi còn bé, ông thường theo các bậc cha chú đi đánh cá đêm. Ngồi trên thuyền, những đêm trăng sáng, thi thoảng lại giật mình vì tiếng kêu “éc éc, ọc ọc…”.
|
Cá thủ vàng. Ảnh internet |
Nhìn về phía tiếng kêu lạ, thấy rõ cả đàn cá lớn bơi nổi vây lưng trên mặt nước. Ánh trăng phản chiếu khiến màu vàng của vẩy cá càng trở nên lấp lánh trong đêm, trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên, nếu chèo thuyền đuổi theo, chúng liền tản dần rồi lặn mất tăm. Không biết có phải do đầu loài cá này có bướu (ngư dân thường bảo chúng khôn đến nỗi mọc sạn trên đầu) như cá heo không, nhưng chúng cực kỳ khôn ranh. Đến mùa đẻ, chúng cũng kéo ra khỏi hang và đẻ như những loài cá khác, nhưng chúng thường chờ cho những đàn cá chép đẻ trước, thấy an toàn chúng mới tìm vào đẻ.
Ngày đó, cá thủ vàng nhiều, nên chỉ cần đánh thủ công cũng bắt được cả tấn. Mùa nước lũ, cá thủ vàng tung tăng ra biển, ông Nuôi lại được theo ông Nguyễn Văn Gụ và các ngư dân ra biển đánh bắt. Họ căng lưới ngoài biển hình vòng cung như nửa cái thúng.
Khi xuất hiện đàn thủ vàng ngoài biển, hàng chục con thuyền nhỏ của HTX được huy động dàn thành hàng. Xoong nồi, xô chậu, trống chiêng được đem ra gõ loạn xạ, các mái chèo đập vào nhau chan chát. Đàn thủ vàng sợ âm thanh, chúng xô nhau chạy tháo thân. Khi bị dồn vào hàng rào lưới, chúng quẫy loạn xạ.
Khi đó, người trên thuyền chỉ việc bổ lưới, quăng chài. Có mẻ chài nhiều thủ vàng đến nỗi không kéo nổi lưới lên. Mỗi đêm săn như thế, có thể bắt được 20-30 tấn thủ vàng và cả trăm tấn cá gúng.
Ngày đó, do tài đánh bắt cá nổi tiếng cả nước, nên ông Gụ đã được phong chiến sĩ thi đua, được gặp Bác Hồ ở Hà Nội. Theo ông Nuôi, chính đặc tính sợ tiếng động, nên ngày nay, chúng càng ít xuất hiện, vì cửa sông và cửa biển lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền, tiếng động cơ rung cả mặt nước.
Trong suốt cuộc đời đánh cá của ông Bùi Văn Nuôi, đã trục lên bờ hàng vạn tấn cá, song duyên may với cá thủ vàng không nhiều. Khoảng 30 năm trở lại đây, cá thủ vàng bị săn nhiều, lại xuất hiện nhiều tàu bè gắn động cơ, nên loài cá này tự dưng ít hẳn.
Hai lần trúng thủ vàng cách đây hơn 20 năm có lẽ là dấu ấn khó quên trong cuộc đời ông và đến giờ nó vẫn còn đọng lại trong ký ức của những người đi biển dọc Vịnh Bắc Bộ này.
Ngày đó, ông Nuôi là Phó chủ nhiệm kỹ thuật đánh bắt của HTX Hải Thắng. Ông trực tiếp chỉ đạo 4 con tàu cùng 2 tấm lưới đi quần thảo suốt ngày đêm ở Vịnh Bắc Bộ.
Sáng sớm một ngày tháng 2 năm 1994, ông Nuôi cùng các thủy thủ dong tàu đến khu vực đền Bà Đế, thuộc cửa Nam Triệu để “hứng” đàn cá đang bị dòng nước lũ cuồn cuộn của sông Bạch Đằng và sông Cấm đẩy ra.
Qua ống nhòm, ông Nuôi thấy có những ánh vàng lấp lánh lúc ẩn lúc hiện lẫn với ánh bình minh phản chiếu sóng biển. Biết rằng có đàn thủ vàng đang nô đùa ngoài biển, ông Nuôi lập tức chỉ đạo rải lưới, rồi hai con tàu, mỗi chiếc có công suất 140CV chạy hết tốc lực kéo lưới quét ngang khu vực xuất hiện đàn thủ vàng.
Khi tời lưới lên, ông Nuôi và anh em thủy thủ ngỡ ngàng khi trong lưới có tới 9 con thủ vàng. Con lớn nhất nặng 80kg, con nhỏ nhất cũng nặng tới 40kg. Cả đàn thủ vàng nặng hơn nửa tấn.
Khi các lái buôn cá thủ vàng tìm về làng biển Tân Sơn thì mới biết ông Nuôi cùng các thủy thủ đã xẻ hết cá đem bán ngoài chợ cho dân ăn sạch sẽ rồi.
Cũng vào năm ấy, khoảng đầu tháng 5, ông Nuôi lại chỉ đạo 20 thủy thủ trên 2 con tàu bỏ lưới từ cửa Nam Triệu kéo dọc ven biển. Khi đến khu vực Hòn Ráu, thấy lưới căng cứng, như dính vật nặng, ông Nuôi liền cho hai tàu sáp lại gần nhau rồi tời lưới lên.
Trận đánh này khiến mọi người choáng váng, vì túi lưới chứa tới 26 con thủ vàng, con nào con nấy vàng óng, ùng ục như con lợn. Con lớn nhất ngót 80kg, con nhỏ nhất cũng cỡ 20kg. Đàn thủ vàng này nặng tổng cộng 1,2 tấn. Tuy nhiên, hơn tấn cá thủ vàng khi đó chỉ bán được 14 triệu đồng. Đổi lại, ông Nuôi và anh em thủy thủ được một trận đau bụng tới bến.
Hôm trúng mẻ thủ vàng khổng lồ, ông Nuôi gọi thương nhân Hải Phòng về mua. Anh này dẫn theo một thợ mổ cá chuyên nghiệp. Anh ta dùng vồ đập mạnh vào đầu cá cho long óc rồi mới bắt đầu mổ xẻ lấy bong bóng.
Lý do là bong bóng cá thủ vàng có 2 cái râu mọc ra từ đầu bong bóng, cuộn lên mắt rồi vòng lên tận óc. Vì thế, thợ mổ cá phải đập cho long óc, khiến râu rời ra khỏi óc, rồi mới mổ cá, lấy bong bóng còn nguyên vẹn đôi râu. Nếu khi lấy bong bóng làm rụng 2 chiếc râu thì coi như cái bong bóng mất hết giá trị. Thương nhân nước ngoài phân biệt bong bóng cá thủ vàng với bong bóng các loại cá khác thông qua hai cái râu dài đó.
Khi đó, ông Nuôi cũng như ngư dân làng biển Tân Sơn vẫn chẳng rõ người ta thu mua cái bong bóng cá ấy để làm gì. Người Tân Sơn xưa kia, khi bắt được thủ vàng, thường xẻ thịt ăn, còn cái bong bóng dày cộp, dai nhoách kia thường nướng chín vứt cho chó gặm, hoặc hong khô, đến mùa biển động đem ra uống rượu nhai chơi.
Sau khi mổ bụng lấy hết bong bóng, vị thương nhân này vứt xác cá lại cho ông Nuôi. Trúng quả những… 14 triệu đồng với 26 cái bong bóng cá, số tiền khá lớn thời bấy giờ, đủ để nộp sản cho HTX một năm trời, ông Nuôi cho anh em nấu nướng thịt cá ăn xả láng.
Thế nhưng, ăn xong, 20 thủy thủ tranh nhau… toalet. Sau này ông Nuôi mới biết, thịt cá thủ vàng rất lạnh, lắm mỡ, ăn nhiều sẽ bị đau bụng đi ngoài.
Và cũng sau này ông mới rõ, ông quá thiếu hiểu biết về loài cá này, nên gã thương gia kia đã lừa ông một vố đau. Thời điểm đó, giá trị của cá thủ vàng đã là 2-3 triệu đồng/kg. Số cá đó lẽ ra phải bán được bạc tỉ.
Ngồi trên con tàu khá cũ nát, tôi nói vui với ông Nuôi: “Giá bây giờ bác tóm được từng ấy cá, có lẽ phải dùng tàu để chở tiền. 1,7 tấn cá thủ vàng, với giá hiện nay, số tiền bán được có lẽ ngót trăm tỉ…”. Ông Nuôi cười sảng khoái, phóng ánh mắt sương gió ra biển cả bảo: “Lộc biển mà chú!”. Tôi hiểu ý ông, rằng đâu phải ai cũng có được lộc biển. Cái thứ “lộc biển” ấy, dường như đã tuyệt chủng mất rồi.
Mời quý độc giả xem video Cơn mưa cá (nguồn Youtube);