“Khui” lợi nhuận, “xì-căng-đan” của 4 nhà máy Samsung ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Dù mang về kết quả kinh doanh "khủng” với tổng lãi ròng của 4 Công ty năm 2019 là trên 103.000 tỷ đồng, nhưng trong quá trình hoạt động các nhà máy Samsung ở Việt Nam từng dính “xì - căng - đan” gây ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của Công ty này.

Lợi nhuận “khủng” của 4 nhà máy Samsung ở Việt Nam
Samsung là một thương hiệu điện tử nổi tiếng của Hàn Quốc. Báo cáo của Tập đoàn Samsung cho thấy, Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là 17,363 tỷ USD. Trong đó, Samsung Điện tử Việt Nam được đầu tư 9,5 tỷ USD, bao gồm: 2,5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Bắc Ninh (SEV); 5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT); 2 tỷ USD đầu tư vào dự án Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) tại khu công nghệ cao TP HCM.
Đặc biệt, các Công ty con của Samsung được đầu tư 7,863 tỷ USD, gồm: 6,5 tỷ USD cho Samsung Display SDV tại Bắc Ninh; 133 triệu USD cho Samsung SDIV chuyên sản xuất pin điện thoại tại Bắc Ninh; 1,23 tỷ USD cho Samsung Điện Cơ SEMV tại Thái Nguyên
“Khui” loi nhuan, “xi-cang-dan” cua 4 nha may Samsung o Viet Nam
 Samsung là một thương hiệu điện tử nổi tiếng của Hàn Quốc. (Ảnh minh họa).
Trong năm 2019, tổng doanh thu của 4 Công ty con này là 76.730 tỷ won, tương đương 1,57 triệu tỷ VND. Nếu so với GDP của Việt Nam năm 2019, doanh thu của Samsung bằng 26%. So với các Tập đoàn, tổng Công ty lớn của Việt Nam, doanh thu của Samsung tại Việt Nam năm 2019 gấp 2,1 lần PVN (736.000 tỷ đồng), gấp 4 lần EVN (394.000 tỷ đồng).
Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT) mang về kết quả kinh doanh "khủng” nhất với doanh thu khoảng 673.000 tỷ đồng, lãi sau thuế trên 47.000 tỷ đồng.
Tiếp đó là Samsung Electronics Vietnam (SEV) với doanh thu trên 450.000 tỷ đồng. Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Comples (SEHC) có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng ghi nhận doanh thu lần lượt 340.000 tỷ đồng và 101.000 tỷ đồng.
Năm 2019, lãi ròng của 4 Công ty là trên 103.000 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD), giảm nhẹ so với khoảng hơn 105.000 tỷ đồng của năm 2019.
Trước đó, năm 2018, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đạt tổng doanh thu 65,73 tỷ USD, tăng 3,6 tỷ USD so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ đạt 4,6 tỷ USD, giảm 1,28 tỷ USD.
Tính đến cuối quý I/2020, các công ty Samsung tại Việt Nam có tổng tài sản khoảng 36,7 tỷ USD. Trong đó, lớn nhất là SEVT tại Thái Nguyên với 15 tỷ USD, theo sau là SEV với 12,7 tỉ USD. Tổng nợ phải trả của 4 công ty này là 9,8 tỷ USD, tương đương gần 27% tổng tài sản. Doanh thu của SEVT trong quí I vừa qua đạt 7,44 tỷ USD, của SEV là xấp xỉ 5 tỷ USD, của SDV và SEHC lần lượt là 3,8 tỷ và 1,15 tỷ USD.
Ngán ngẩm “xì-căng-đan” của 4 nhà máy Samsung ở Việt Nam
Mặc dù mang về kết quả kinh doanh "khủng” với tổng lãi ròng của 4 Công ty năm 2019 là trên 103.000 tỷ đồng, nhưng trong quá trình hoạt động các nhà máy Samsung ở Việt Nam từng dính nhiều “xì - căng - đan” gây ảnh hưởng khá lớn đến danh tiếng của Công ty này.
Điển hình, hồi tháng 2/2018, mạng xã hội Facebook bất lan truyền hình ảnh, clip về việc cột khói bốc cao tại một tòa nhà của Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và nhiều người đứng tụ tập trước cửa nhà máy.
Tuy nhiên, tối 8/2/2018, Samsung đã phát đi thông báo cho biết, khoảng 16h cùng ngày, tại tầng thượng tòa nhà Mobile, SEVT có hiện tượng cột khói đen bốc cao. Các bộ phận liên quan của nhà máy đã tiếp cận hiện trường và xử lý cột khói, sau khoảng hơn 10 phút sử dụng hệ thống xe cứu hỏa của SEVT, cột khói đã được dập tắt.
“Khui” loi nhuan, “xi-cang-dan” cua 4 nha may Samsung o Viet Nam-Hinh-2
Hình ảnh cột khói đen bốc cao được lan truyền trên mạng. 
Nguyên nhân được xác định là do dây curoa của hệ thống hút khí trên tầng thượng tòa nhà Mobile bị cháy. Theo Samsung Việt Nam, đám cháy rất nhỏ nhưng vì vật cháy là nhựa và ảnh hưởng của hệ thống quạt hút khí lớn nên tạo ra khói đen bốc cao. Các nhân viên sau khi được sơ tán tạm thời đã trở lại làm việc ngay lập tức.
Sự cố không gây ảnh hưởng về người; mọi hoạt động sản xuất của Công ty cũng không bị ảnh hưởng.
Trước đó, hồi tháng 4/2015, trên một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin việc phát sinh khí thải độc tại khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên khiến gần 50.000 người lao động tại khu tổ hợp này hoang mang.
Phía Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên sau đó đã ra thông báo khẳng định, vì khói phát sinh màu vàng nên nhiều người cho là nguy hiểm nhưng thực tế kết quả phân tích không khí cho thấy, khí HNO3 không phải là khí độc và tiêu chuẩn đo cũng rất thấp. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế về giới hạn hóa chất trong khu làm việc thì giới hạn trung bình của HNO3 trong 8 giờ tiếp xúc là 5mg/lít. Trong khi đó, nồng độ HNO3 tại hiện trường phát sinh khí đo được chỉ là 0,04 % so với tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, năm 2017, Samsung Việt Nam từng bị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) "nhắc nhở" liên quan đến việc thanh tra một số tổ chức phi chính phủ công bố báo cáo về lao động nữ làm việc tại các nhà máy Samsung Việt Nam, với nhiều cảnh báo về vấn đề sức khỏe và sử dụng lao động.
“Khui” loi nhuan, “xi-cang-dan” cua 4 nha may Samsung o Viet Nam-Hinh-3
 Samsung Việt Nam từng bị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội "nhắc nhở" liên quan đến việc thanh tra một số tổ chức phi chính phủ công bố báo cáo về lao động nữ làm việc tại các nhà máy Samsung Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Theo kết luận thanh tra, sai phạm của Samsung Việt Nam là do quy định thời gian làm việc.
Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành 2 ca, ca ngày từ 8h đến 20h, ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm sau và đưa vào nội quy lao động, luân phiên làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày.
Quy định này, theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, là trái với Bộ luật Lao động 2012. Khi luật quy định giờ làm việc bình thường không quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần (nếu theo tuần không quá 10h/ngày); giờ làm việc ban đêm tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Đồng thời, giờ làm thêm không quá 30h/tháng, 200h/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300h/năm).
Trong khi đó, ca làm việc hằng ngày của Samsung kéo dài tới 12h/ngày, mỗi tuần (7 ngày) làm tới 60h.
Không chỉ vậy, kết quả thanh tra còn phát hiện Samsung đưa vào nội quy lao động một số điểm chưa hợp lý như hợp đồng lao động tại nhà máy Samsung Thái Nguyên có điều khoản chưa đúng quy định; Samsung Bắc Ninh huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chưa đầy đủ cho người lao động.
Khánh Hoài (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)