Di căn liệt phải nằm cáng
Bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi ở Nam Định) trước khi nhập viện hai tháng bị đau vùng cột sống ngực thấp (đoạn bản lề ngực - thắt lưng) điều trị Đông y không đỡ. Trước thời điểm vào viện 10 ngày, bà thấy yếu hai chân, tê hai chân cả mặt trước và mặt sau, phần bụng dưới (dưới rốn) thấy thay đổi cảm giác, sau đó triệu chứng ngày càng nặng từ đi lại khó đến không đi lại được - liệt, phải nằm cáng vào viện, đặt dẫn lưu nước tiểu. Tại bệnh viện tỉnh chẩn đoán tổn thương đốt sống T11 chèn ép tủy ngang mức. Khối u phát triển phá vỡ dây chằng dọc sau gây chèn ép tủy ngang mức nhưng chưa di căn đến đốt sống khác. Đây là bệnh nhân đầu tiên được chỉ định phẫu thuật lấy u rộng rãi bằng một đường mổ sau và tái tạo lại cột trụ trước bằng lồng titan và xương chậu tự thân.
|
Ảnh minh họa. |
TTND.PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức cho biết, để giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và lấy được u tối đa người ta đã thực hiện lấy u bằng 2 đường phối hợp: Với đường trước lấy u và tái tạo lại cột trụ trước, sau đó tiếp tục với đường sau giải ép và cố định cột sống. Phương pháp này lấy được u nhiều hơn và tái tạo lại cột trụ dễ hơn nhưng cũng không lấy được hết u cho tới tổ chức lành, người bệnh phải chịu hai đường mổ lớn, ảnh hưởng tới cơ cùng các dây thần kinh nhiều hơn. Vì vậy, phẫu thuật một đường mổ sau lấy hết u cột sống tới tổ chức lành vẫn tái tạo lại cột trụ là một bước tiến mới của kỹ thuật.
Thiếu công nghệ nhưng vẫn cắt hết u
TS Nguyễn Hoàng Long, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức cho hay, trong phẫu thuật ung thư cột sống hiện nay trên thế giới đã phát triển kỹ thuật cắt toàn bộ đốt sống cả khối (TES). Phương pháp này giúp lấy được toàn bộ đốt sống bị ung thư cho tới tận tổ chức lành xung quanh mà không làm rơi vãi tổ chức ung thư ra các tổ chức lân cận, giúp giảm khả năng tái phát của u và tăng thời gian sống đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật hiện đại như nút mạch trước mổ, lưỡi dây cài cưa chuyên dụng và máy theo dõi tủy sống. Hiện nay, chúng ta chưa có lưỡi cưa và máy theo dõi tủy, vì vậy lựa chọn phương pháp cắt rộng u thay thế cho kỹ thuật TES. 1 ngày trước phẫu thuật bệnh được được nút 3 cặp động mạch đốt sống. Mổ chỉ tiếp cận đường sau giải áp, cố định cột sống và lấy u rộng rãi – toàn bộ u đốt sống, làm sinh thiết tức thì trong mổ để quyết định phương án tái tạo cột trụ trước.
Ở bệnh nhân Thanh, giải phẫu bệnh trong mổ là ung thư biểu mô có nguồn gốc từ tuyến giáp, chính vì vậy, bệnh nhân được tái tạo tụ trước bằng lồng titan và xương chậu tự thân. Sau phẫu thuật ổn định siêu âm tuyến giáp phát hiện nhân thùy tuyến giáp và bệnh nhân được tư vấn điều trị tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Phương pháp mổ này an toàn, không chỉ lấy u tối đa, giảm lượng máu mất trong mổ, giảm các biến chứng và thời gian nằm viện so với hai đường mổ, bệnh nhân hồi phục sớm.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):