Các nhà thiên văn vừa xác định được những vụ nổ năng lượng rất bí ẩn trong vũ trụ, chúng lặp đi lặp lại theo một chu kỳ cố định nhưng thời gian diễn ra cực ngắn. Đây là lần thứ hai trong lịch sử chúng ta ghi nhận được hiện tượng này. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng đến từ một nền văn minh nào đó trong vũ trụ.
Các vụ nổ sóng vô tuyến chớp nhoáng (FRB) là các xung sóng vô tuyến chỉ kéo dài một phần ngàn giây. Chúng ta vẫn chưa biết gì về chúng, nhưng giới khoa học cho rằng chúng được tạo ra từ các hiện tượng vật lý thiên văn mạnh mẽ nằm cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, như là một chuỗi các hố đen siêu lớn hay các sao neutron siêu đậm đặc va chạm với nhau.
Trong số những giả thiết được đặt ra, có Giáo sư Avi Loeb đến từ Trung tâm nghiên cứu Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết hiện tượng kỳ quặc kia có thể đến từ một nền văn minh tân tiến nào đó ở cách xa chúng ta, những gì ta nhận được chính là tín hiệu được phát ra từ họ.
Phát hiện mới này được thực hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn học người Canada chuyên tìm kiếm các FRB. Theo đó, nhóm đã tìm thấy 13 chớp sáng qua quan sát kính thiên văn vô tuyến CHIME đặt tại Thung lũng Okanagan ở tỉnh British Columbia, miền tây Canada.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử một đợt FRB được phát hiện, tổng cộng hai lần quan sát này chúng ta ghi nhận được khoảng 60 chớp sáng. Trước đây, kính thiên văn vô tuyến Arecibo ở Puerto Rico đã quan sát được một đợt FRB khác vào năm 2015 từ những phát hiện đầu tiên vào năm 2001.
Những vụ nổ sóng vô tuyến này không phải là quá hiếm, chúng diễn vẫn diễn ra trong vũ trụ và đi đến Trái Đất trong quá khứ, nhưng công nghệ hiện đại của thế kỷ 21 mới đủ mạnh mẽ để giúp chúng ta nhận ra sự tồn tại của chúng. Trong tương lai, rất nhiều FRB khác sẽ được phát hiện nhờ vào những tiến bộ trong kính thiên văn.
Căn cứ vào hiểu biết của chúng ta đến thời điểm hiện tại, không có một vật thể nào trong vũ trụ đủ mạnh để tạo ra nguồn năng lượng như vậy. Do đó, các nhà thiên văn cho biết các vụ nổ này đến từ các thiên thể vốn có nguồn năng lượng mạnh mẽ nhưng vô tình nằm cùng nhau để hợp thành một nguồn phát chung mạnh hơn.
Tiến sĩ Cherry Ng thuộc nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn ở Đại học Toronto cho biết, “Rất có khả năng nguồn phát của những vụ nổ này đến từ một cụm có số lượng lớn các tàn dư siêu tân tinh, hố đen siêu khổng lồ từ tâm của các thiên hà hay những sao neutron có mật độ siêu dày đặc. Bằng cách nào đó, chúng đã nằm gần nhau và tạo nên sức mạnh hủy diệt.”
FRB trong nghiên cứu này được ghi nhận ở tần số vô tuyến thấp bất thường. Hầu hết các FRB trước đây phát ra tần số vào khoảng 1.400 megahertz (MHz), trong khi các vụ nổ lần này có tần số thấp hơn 800 MHz. Bảy trong số loạt vụ nổ này thậm chí có tần số thấp hơn 400 MHz, đây là mức tần số thấp nhất mà kính thiên văn CHIME có thể phát hiện được.
Vào năm 2017, Loeb và đồng nghiệp Manasvi Lingam của ông từ Đại học Harvard đã đề xuất ý kiến, rằng những vụ nổ này phát ra từ một thiết bị của sinh vật ngoài hành tinh có kích thước tương đương một hành tinh cỡ vừa. Thay vì dùng để liên lạc, nguồn năng lượng này có thể được thiết kế để đẩy các con tàu vũ trụ, như cách các cánh buồm đẩy tàu trên đại dương.
Vụ nổ sóng vô tuyến diễn ra rất nhanh và rất sáng dẫu nằm rất xa chúng ta, chúng rất bí ẩn và kích thích những bộ óc tò mò của các nhà khoa học. Tuy vậy, chúng ta chưa có quá nhiều quan sát về chúng nên vẫn chưa thể khẳng định được điều gì. Với những tiến bộ trong công nghệ kính quan sát, các nhà thiên văn sẽ quan sát được nhiều hơn và sẽ sớm giải mã được chúng trong tương lai.