Được coi là loài ong bắp cày khổng lồ châu Á có nọc độc nhất thế giới nhưng cứ đến thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, người dân ở một số tỉnh miền núi lại vào rừng săn bằng được những tổ ong dế để lấy nhộng ăn hoặc bán.
Thông thường, những tổ ong dế có trong tự nhiên chỉ nặng từ 5-10kg nhưng vừa qua, một tổ ong dế khổng lồ vừa được khai thác tại Lào Cai đã khiến nhiều người bất ngờ vì nặng tới 130kg.
|
Một tổ ong dế vừa được anh Liền khai thác nặng tới 130kg. (Ảnh: Liền Tráng). |
Anh Tráng Chính Liền (SN 1993), trú tại thôn Lao Chải, xã Quang Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chủ nhân của tổ ong này cho biết, hơn 12 năm đi săn ong rừng và nuôi ong dế tại vườn nhà, đây là tổ ong to nhất mà anh thấy.
Trước đây, khi chưa có quần áo bảo hộ hiện đại như bây giờ, để khai thác ong dế, anh Liền phải đi vào ban đêm và dùng khói để hun tổ. Bây giờ, chỉ cần mặc quần áo bảo hộ cẩn thận, đeo bao tay, không cần dùng khói mà vẫn bắt được toàn bộ ong thợ và khai thác tổ ong dế về bán.
“Tổ ong này được tôi nuôi trong vườn nhà được 93 ngày thì khai thác, cân được hơn 130kg cả tổ và 20kg ong thợ già. Tôi giữ lại 20kg tổ để nuôi tiếp còn lại bán với giá 470 nghìn đồng/kg, được 50 triệu đồng”, anh Liền thông tin.
|
Anh Liền tự phối ong chúa nhân giống ong dế để nuôi và bán. |
Theo anh Liền, ong dế là loại ong bắp cày lớn nhất là hung dữ nhất. Chúng có nọc độc nhất trong các loài ong nên anh phải nuôi cách khu dân cư khoảng 1km, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và gia súc.
Thông thường, một tổ ong chỉ có một con chúa, số còn lại là ong thợ nhưng để có được tổ ong khổng lồ này, anh Liền và bạn của mình là anh Thắng đã dùng kỹ thuật ghép chúa để cho 6 con ong chúa cùng làm tổ vào một lỗ.
“Phải 120 ngày thì mới đến tuổi thu hoạch nhưng có một số vấn đề nên tôi phải khai thác trước. Nếu để đúng 4 tháng thì tổ ong này phải nặng tới 2 tạ”, anh Liền nói.
|
Mỗi năm anh Liền nhân giống được hơn 100 tổ ong dế. |
Không chỉ nuôi ong dế lấy nhộng bán, anh Liền còn cho rằng, mình là người đầu tiên tại Việt Nam tự nhân giống được ong dế, không qua trường lớp nào.
“Mình nuôi ong được 12 năm, trong đó 6 năm là nuôi ong dế. Một số bạn phải sang tận Trung Quốc để học kỹ thuật nuôi ong dế mất khoảng 20 triệu đồng/khoá nhưng tôi không mất đồng nào, cứ tự làm, tự nghiên cứu, mày mò rồi tiến hành nhân giống ong dế để bán cho anh em, bạn bè có nhu cầu phát triển kinh tế từ loại ong này”, anh Liền cho hay.
Năm ngoái, anh Liền đã nhân giống thành công hơn 100 tổ ong dế, bán với giá từ 2,5-3 triệu đồng/tổ, sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn 100 triệu đồng.
|
Những tổ ong dế được anh Liền ghép đa chúa có thể to hàng chục cân, thậm chí là cả tạ. (Ảnh: Liền Tráng). |
“Một con ong chúa mất 50 ngày xây tổ và đẻ trứng. Khi con ong thợ đầu tiên nở ra thì nó sẽ cùng nhau đi kiếm thức ăn để xây tổ to và sinh sản. Mất thêm 4 tháng nữa thì mới bắt đầu đẻ trứng chúa và 70 ngày nữa trứng chúa nở ra con là hết một mùa ong”, anh Liền phân tích.
Ở những nơi có nhiệt độ nóng, một con ong chúa có thể sinh ra được khoảng 200-300 trứng chúa. Tuy nhiên, ở những nơi cao hơn 1.800 mét so với mực nước biển, thời tiết lạnh thì một con ong chúa có thể sinh ra từ 700 đến 1.000 trứng chúa.
|
Ong thu hoạch được đến đâu có thương lái mua hết đến đó với giá cao. (Ảnh: Liền Tráng). |
Từ trứng chúa sau khi nở ra ong chúa tơ sẽ được tiến hành ghép đôi, phối chúa và con đực rồi làm hầm dưới đất cho ong ngủ đông 3 tháng, chờ đến mùa tiếp theo thì mang đi nuôi.
Theo anh Liền, ở Trung Quốc, họ gọi ong dế là vua ong, còn trên thế giới, họ gọi ong dế là ong bắp cày khổng lồ châu Á. Chúng có chiều dài đến gần 5cm và nọc độc dài tới 6mm. Nếu bị ong dế đốt, nọc độc của chúng sẽ tấn công vào hệ thần kinh và đe doạ đến tính mạng con người nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, việc nuôi ong dế mặc dù mang lại kinh tế cao nhưng cần hết sức cẩn thận, nên nuôi ở những khu vực ít người qua lại, cách xa khu dân cư hoặc khu chăn thả gia súc, gia cầm để tránh nguy hiểm.