Khóa học “Lý thuyết và thực hành quan hệ yêu đương” của ông Shu gồm các bài giảng về kỹ thuật chọn người yêu, tự giới thiệu bản thân và cách tán tỉnh quyến rũ. Đại học Thiên Tân là trường đại học đầu tiên ở Trung Quốc lồng ghép khóa học quan hệ yêu đương vào chương trình giảng dạy. Sinh viên nào tham gia sẽ có thêm tín chỉ tích lũy.
|
Giảng viên Xie Shu (giữa) cho sinh viên thực hành khóa học “Lý thuyết và thực hành quan hệ yêu đương” ở Đại học Thiên Tân. Ảnh AsiaOne |
Khóa học cũng cho thấy giới chức ngành giáo dục ngày càng quan ngại về kỹ năng giao tiếp xã hội của giới trẻ Trung Quốc. Nhiều người trong số họ lớn lên giữa nhung lụa, được bao bọc như những “ông vua con” duy nhất khi không có anh chị em. Chuyên gia tình dục học nổi tiếng nhất Trung Quốc, ông Li Yinhe, cho phóng viên AFP biết: “Thế hệ con một ở Trung Quốc không có mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa. Trong khi đó, một cậu con trai có em gái có thể hiểu nhiều hơn về cách giao tiếp với một cô gái”.
Tại một quán cà phê trong khuôn viên trường đại học, ông Xie giảng bài thông qua các hình ảnh trên Powerpoint, chỉ rõ cho sinh viên nam biết cách để cải thiện vẻ ngoài như không mặc áo ba lỗ, quần soóc; sinh viên nữ thì không nên hỏi những câu hỏi kiểu như điều tra của cảnh sát”.
Về cách cư xử, ông Xie khuyên nam sinh viên cư xử lịch thiệp với phái nữ nhưng không chiều chuộng họ quá đà. Với nữ sinh viên, ông gợi ý nên nhìn thẳng vào mắt người khác phải cho dù không thấy thoải mái. Thậm chí, ông còn khuyên họ nên dùng tay vuốt tóc khi nói chuyện. Trong trường hợp bị đối phương từ chối, ông Xiê khuyên sinh viên: “Hiển nhiên là đừng ném vào mặt cô ấy bó hoa hồng bạn vừa mua. Hãy bình tĩnh”.
Sinh viên Zijun Qian 23 tuổi, người chưa từng yêu đương, cặm cụi gõ lời khuyên của giảng viên vào máy tính xách tay. Cô cho biết cô không thể tin nổi khi có một môn học như vậy ở trường đại học.
Nhiều người trong giới trẻ Trung Quốc hầu như không có mấy kinh nghiệm thực tiễn về các mối quan hệ tình cảm khi bước chân vào trường đại học. Khi học trung học, nếu không bị gia đình ngăn cấm yêu đương khi còn là học sinh thì các em cũng không có thời gian để hẹn hò do áp lực học hành đè nặng. Khi còn là học sinh, học hành là chuyện quan trọng duy nhất, yêu đương không được phép.
Một điều nghịch lý là ngay sau khi tốt nghiệp đại học, gia đình lại coi chuyện lập gia đình là điều quan trọng nhất, hối thúc con cái kết hôn càng nhanh càng tốt trong khi họ chưa hề biết yêu đương. Độ tuổi kết hôn lý tưởng với phụ nữ là 27, với nam giới là 30. Sau độ tuổi đó, họ sẽ bị coi là “ế”, chịu đựng vô vàn áp lực.
Bà Cang Jinguan, tác giả cuốn sách về quan hệ giới, nhận xét: “Người Trung Quốc rất dè dặt. Đây là lý do sinh viên khi bắt đầu mối quan hệ khác giới thì rất hào hứng nhưng hoàn toàn không có kỹ năng”. Cha mẹ các em là thế hệ kết hôn vì truyền thống xã hội hơn là vì tình yêu. Do đó, chính họ cũng không thể khuyên con cái trong chuyện yêu đương. Với họ, con rể lý tưởng là người có khả năng chu cấp một cuộc sống vật chất đủ đầy cho con gái mình, ít nhất cũng phải có nhà cửa.
Quay trở lại với khóa học quyến rũ của trường Đại học Thiên Tân, đây là ý tưởng của Wang Rui, một nữ sinh viên 23 tuổi, đồng sáng lập một câu lạc bộ xã hội sinh viên trong trường. Cô sinh viên này cho biết: “Một số sinh viên mong mỏi có trải nghiệm yêu đương khi còn học đại học bằng mọi giá, cho dù là với ai đi chăng nữa”.
Ngoài dạy kỹ năng “tán tỉnh”, khóa học gồm 7 chủ đề nữa với những cái tên như “Trước khi yêu người khác, bạn phải yêu bản thân” hay “Vấn đề pháp lý của mối quan hệ yêu đương”. Tuy nhiên, tình dục không nằm trong giáo trình. Giảng viên Xie giải thích: Trung Quốc chỉ cho phép một số trường học có môn giáo dục giới tính. Ông nói thêm: “Chúng tôi không dạy sinh viên hôn, chỉ dạy họ cách làm quen và giao tiếp với người khác giới”.