Đã có những giây phút chính các bác sĩ cũng tưởng bệnh nhân không qua khỏi, nhưng thật kỳ diệu, bệnh nhân đã hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường.
Hắt hơi, sốt nóng rồi xỉu dần...
Ngày 22/9, ngồi ở Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, em Nguyễn Thu Uyên (18 tuổi ở Bắc Ninh) cứ tủm tỉm cười; sự vui vẻ không giấu được trên khuôn mặt, đặc biệt là ánh mắt. Thấy lạ vì ở đây toàn bệnh nhân nặng, người nằm không biết gì, người tỉnh thì cũng mệt mỏi, ưu phiền... còn ở cô bé này, chỉ thấy sự khoẻ khoắn, hồn nhiên, vui vẻ! Chưa kịp thắc mắc thì GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Bệnh nhân này hôm nay được ra viện. Chỉ hắt hơi, sốt nóng, sau đó xỉu dần, tưởng “hỏng”... Hôm nay ngồi đây cứ cãi nheo nhẻo từ sáng”! Nghe GS.TS Nguyễn Gia Bình nói, cô bé lại cười, lúc lắc mái tóc rất đáng yêu.
Em Uyên cho biết, em bị sốt cao từ hôm 4/9, lên bệnh viện ở Bắc Ninh được 1 - 2 tiếng thì được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai và nằm viện từ hôm đó đến giờ. Em cũng không biết nhiều về bệnh tình, chỉ biết mình vừa qua cơn thập tử nhất sinh, giờ đã bình phục.
|
Bệnh nhân Uyên đang được khám lại trước khi ra viện. |
BS Nguyễn Đăng Tuân, một trong những người trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân Uyên vào viện vì mệt, khó thở, có loạn nhịp tim nặng, huyết áp thấp. Sau đó bệnh nhân cứ yếu dần đi, các chức năng khác trong cơ quan cũng yếu dần: Tim, thận yếu dần, nước tiểu ít dần đi, huyết áp tụt dần xuống dù đã dùng thuốc nâng huyết áp. Tình trạng nặng lên khiến đang điều trị ở Viện Tim mạch Quốc gia, các bác sĩ phải chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, nhưng tại đây các bác sĩ đã áp dụng các biện pháp hồi sức thông thường nhưng không hiệu quả. Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn khiến các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc tim nặng do viêm cơ tim và đã thất bại với các biện pháp hồi sức thường quy, nếu không có phương pháp gì hơn thì vấn đề bệnh nhân tử vong chỉ còn là thời gian. Ban lãnh đạo khoa và các bác sĩ trong khoa đã tiến hành hội chẩn. GS.TS Nguyễn Gia Bình đã trực tiếp chủ trì cuộc hội chẩn và đã quyết định áp dụng biện pháp kỹ thuật tim phổi nhân tạo cho bệnh nhân để cứu vãn tình hình, duy trì sự sống và chờ đợi quả tim đang bị ốm nặng có thời gian hồi phục.
Sự hồi phục kỳ diệu
Sau khi chạy máy tim phổi nhân tạo (còn gọi là ECMO), chức năng các cơ quan bị suy trước đó tốt dần lên và sau đó tim bệnh nhân cũng tốt dần lên, các tạng được nuôi dưỡng và hồi phục dần. Sau 6 ngày, bệnh nhân được dừng chạy máy tim phổi nhân tạo, một ngày sau đó, bệnh nhân được rút thiết bị trợ thở nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi và đánh giá sát. Các dụng cụ hỗ trợ khác tiếp tục được rút ra dần dần trong các ngày sau đó...
BS Nguyễn Đăng Tuân cho biết, trước đây, khi chưa có máy tim phổi nhân tạo, những trường hợp như bệnh nhân Uyên rất khó cứu, khi xảy ra sốc tim nặng thường là tử vong. Nay nhờ có máy ECMO, phần lớn bệnh nhân được hồi sinh. Đến ngày hôm nay, bệnh nhân đã khoẻ, ăn cơm bình thường, chỉ còn phải tập đi (do sau khi rút thiết bị hỗ trợ luồn vào mạch máu ở đùi phục vụ cho điều trị thì chân còn đau).
Theo BS Nguyễn Đăng Tuân, nói là nhờ có máy ECMO cứu sống nhưng tất nhiên không phải cứ có máy là cứu được bệnh nhân, bởi đây là kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ của các bác sĩ, sự phối hợp tốt của các đơn vị điều trị và cả khả năng hồi phục của bệnh nhân. Nhìn chung các trường hợp viêm cơ tim có sốc tim nặng được các tuyến chuyển lên sau khi được chạy tim phổi nhân tạo đều có khả năng hồi phục tốt. Bệnh nhân sau khi ra viện sẽ phải theo dõi và khám lại định kỳ, đề phòng trường hợp suy tim và các rối loạn sau viêm cơ tim.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):