Từ khi bùng phát tại Brazil vào năm 2015, virus Zika gắn với dị tật đầu nhỏ - tình trạng khi sinh ra trẻ sơ sinh có não và đầu nhỏ. Đây là dấu hiệu bác sĩ luôn tìm kiếm để xem trẻ sơ sinh có bị nhiễm virus Zika hay không.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra có tới 1/5 trẻ sơ sinh bị nghi nhiễm Zika có phần đầu bình thường nhưng vẫn có bất thường về não. Phát hiện này đòi hỏi các bác sĩ khi muốn sàng lọc trẻ sơ sinh bị Zika cần kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng não không bình thường.
|
Trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi virus Zika có thể vẫn có phần đầu bên ngoài bình thường. |
“Hầu hết các trường hợp nghi ngờ đều có đầu nhỏ nhưng 1/5 số trẻ chắc chắn hoặc nghi ngờ nhiễm virus Zika vẫn có chu vi đầu bình thường. Vì vậy, nếu chỉ sàng lọc trẻ căn cứ vào biểu hiện đầu nhỏ thì quá hạn hẹp” - giáo sư Cesar Victora, thuộc trường đại học liên bang Pelotas, Brazil tác giả của nghiên cứu cho biết.
Giáo sư Victora và đồng nghiệp đã nghiên cứu tổng số 1.501 trẻ sơ sinh bị nhiễm Zika tại Brazil và phát hiện ra hầu hết những trẻ bị nghi hoặc chắc chắn bị nhiễm Zika đều có đầu nhỏ và các bà mẹ đều bị phát ban trong khi mang thai. Nguy cơ tử vong ngay trong tuần đầu sau sinh của những trẻ này cao gấp 4 lần.
Tuy nhiên vì xương sọ của thai nhi vẫn liên tục phát triển cho đến tận tuần thứ 30 nên trẻ bị Zika vẫn có thể có kích thước đầu bình thường nhưng những phần não quan trọng có thể đã bị ảnh hưởng.
Hơn thế nữa, nghiên cứu này còn phát hiện ra có tới 1/3 số trường hợp bị nghi hoặc chắc chắn nhiễm virus Zika không hề có tiền sử phát ban trong thai kỳ.
“Hệ thống giám sát để phát hiện ra các trường hợp bị nhiễm virus Zika không nên chỉ tập trung vào chu vi vòng đầu cũng như tiền sử nổi ban hoặc bị cúm trong thai kỳ mà cần phải được xem xét lại đồng thời tiến hành kiểm tra lại toàn bộ số trẻ sơ sinh trong thời kỳ bệnh dịch này” – giáo sư Victora kết luận.
Mời độc giả xem video về quá trình sản xuất vắc xin chống virus Zika: