Một ngư dân trẻ bất ngờ gặp nạn giữa biển khi dây thừng tời đánh cá bị tuột với tốc độ chóng mặt, quấn chặt lấy chân treo ngược người lên đỉnh tời rồi nghiến đứt 2 bàn chân. Bệnh nhân (BN) mất 13 tiếng 30 phút để vận chuyển tới bệnh viện (BV) Việt Đức và được nối ghép xong mạch máu ở giờ thứ 18. Đây là một thành công hy hữu của các bác sĩ (BS) khi cứu nối liền bàn chân đứt rời với tổng thời gian thiếu máu tới 18 giờ.
|
4 kíp phẫu thuật của BV Việt Đức được triển khai nối bàn chân bị đứt rời quá lâu của bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp. |
Tai nạn hy hữu nhất Vịnh Bắc Bộ
2h sáng ngày 16/3/2017, ngư dân Nguyễn Sỹ H. (28 tuổi, Quảng Cư, Thanh Hóa) đang trên thuyền thả lưới đánh cá ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ gần đảo Bạch Long Vĩ. Trong lưới có cá và mực trọng lượng khoảng 2,5 tấn; cộng thêm lực kéo ngược chiều của nước càng thêm nặng. H. và 2 ngư dân khác đang kéo mẻ lưới lên bằng tời (một thiết bị cơ khí dùng trong khai thác thủy sản). Không may khi đang kéo lưới lên, dây tời tuột (với sức nặng 2,5 tấn lưới cộng lực chảy xiết của nước), dây trôi với tốc độ chóng mặt và quấn xiết vào 2 cổ chân H. rồi phút chốc treo ngược H lên đỉnh tời. Lực nghiến xiết của dây thừng cộng độ giằng của một trọng lượng nặng vài tấn dưới biển đã nghiến đứt rời cổ chân trái và nửa bàn chân phải của H. "Dây thừng to bằng bắp tay em, chỉ phút chốc em bị treo ngược lên đỉnh tời cao khoảng 3m và sau độ 1 phút em thấy mình rơi bộp xuống. 2 anh đang kéo tời cùng em vội lấy chăn băng kín 2 chân em cầm máu rồi đưa em vào bên trong khoang. Phần cổ chân và nửa chân bàn chân phải cũng rơi theo dây xuống lòng thuyền" - nghe người thanh niên kể lại, nhìn gương mặt hiền chất phác và đôi mắt buồn vì đau đớn, mệt mỏi của H., chúng tôi không khỏi xót xa.
|
4 kíp phẫu thuật triển khai cùng lúc cố rút ngắn thời gian đôi chân bị thiếu máu quá lâu cho BN. Ảnh: BV cung cấp. |
Phần chi thể đứt rời được bạn thuyền cho vào thùng nước khoáng mang theo để uống và bỏ đá vào. Mọi người vội vàng chạy thuyền đưa H. tới đảo Bạch Long Vĩ (tới nơi lúc 6h sáng) để sơ cứu. H. được băng ép, cầm máu mỏm cụt, tiêm giảm đau rồi chạy tiếp vào đảo Cát Bà lúc 11h. Trên đảo đã được thông báo có bệnh nhân nặng để kịp thời đưa bác sĩ ra đảo Cát Bà tiếp tục sơ cứu, truyền dịch cho H. Rồi từ đó tiếp tục chở H. cập bến phà Bính (Hải Phòng) lúc 12h trưa, xe cứu thương chờ sẵn và tiếp tục chở thẳng H. lên bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nhập viện lúc 15h30' ngày 16/3/2017.
13 tiếng 30 phút - thời gian vận chuyển và bỏng lạnh quá dài
Tới bệnh viện (BV) Việt Đức, việc đầu tiên là các BS phải bảo quản lại phần chân đứt rời đã bị bỏng lạnh sau ngần ấy thời gian tiếp xúc trực tiếp với đá.
Tổn thương bị thắt bởi dây thừng cỡ đại đã nghiến và làm nát tất cả tổ chức cả gân cả cân, cơ, da, xương... Cộng thêm do ở biển xa nên thời gian chạy vào đất liền và chuyển lên Việt Đức bị thành mấy chặng, tổng thời gian vận chuyển là 13 giờ 30 phút - một thời gian thiếu máu quá dài cho phần chi thể đứt rời.
|
Hai chân bị thừng nghiến đứt lìa của H. Ảnh: BV cung cấp |
Nhớ lại thời điểm đó, TS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt BV Việt Đức nhận định: Với một tổn thương nặng và thời gian thiếu máu quá dài như vậy, nguy cơ thất bại rất cao khi tiến hành khâu nối cứu sống bàn chân. Tuy nhiên, bệnh nhân còn trẻ, cả một tương lai dài trước mắt, lại bị không chỉ 1 chân và gia đình rất quyết tâm nên BV đã huy động các kíp trực, kíp chấn thương chỉnh hình và tạo hình vi phẫu cùng tiến hành cấp cứu ngay lập tức cho BN.
4 kíp phẫu thuật triển khai cùng lúc
17h cùng ngày, 4 kíp phẫu thuật đồng thời: 2 kíp làm về xương và 2 kíp làm về vi phẫu ở 2 bên chân BN để rút ngắn thời gian mong cứu sống đôi bàn chân của H.
|
Tròn 1 tháng sau tai nạn, chân của H. đã được tháo băng, bàn chân trái đã sống tốt trên cơ thể. Ảnh: Mai Linh. |
Tuy nhiên, mặc dù BV đã triển khai rất khẩn trương nhưng đến khi nối được mạch máu để thông lên nuôi phần chân đứt rời cũng đã là giờ thứ 18 rồi. ThS.BS. Vũ Trung Trực - một trong những người trực tiếp phẫu thuật cho H. cho biết: Trong lúc mổ đánh giá tổn thương bị dập nát rất nhiều (gân, cơ, da, mạch máu); bắt buộc các BS phải cắt bỏ phần bị dập nát, chân trái phải làm ngắn 3cm rồi nối trực tiếp. Còn nửa bàn chân bên phải làm ngắn 2,5cm (luôn luôn cố gắng mọi cách giữ lại chiều dài tối đa cho BN). Sau khi làm ngắn 2,5cm xương, mạch máu vẫn còn dập nát nên bắt buộc phải ghép mạch (lấy mạch máu ở chỗ khác ghép vào thay thế cho mạch máu bị dập). Nối xong, đánh giá máu lên búp ngón rất tốt. Ca mổ kết thúc lúc 23h cùng ngày.
Sau khi ghép nối 2 ngày, bàn chân bên trái tuy phù nề nhưng ổn. Nhưng nửa bàn chân bên phải có dấu hiệu thiếu máu, mạch máu bị tắc. Tiến hành mở kiểm tra mạch máu nối vẫn thông nhưng không lên được phần đầu ngón. Theo ThS.BS. Vũ Trung Trực, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do tổn thương đụng dập cả mạch máu phần trên, nguyên nhân nữa do bỏng lạnh nên nửa bàn chân đó đã không sống được.
Thêm một thách thức
Các BS tiến hành hội chẩn. Bài toán ở đây là tính toán thế nào để tối ưu nhất khi bỏ nửa bàn chân bị hỏng đi (bỏ đi không chỉ đơn thuần là vứt bỏ). Vì bị cắt nửa bàn chân phải nên vẫn còn phần gót và nửa chân liền với gót; toàn bộ chiều dài của chân đó vẫn được giữ nguyên. Nếu bỏ nửa bàn chân bị hỏng đi, phải tính toán sao đó để lấy phần nào có đủ da, gân, cơ... đắp vào mỏm cụt đó chứ không thể cắt tiếp bàn chân của BN lên cao làm BN mất thêm 1 phần chân nữa (các BS nghĩ đến phương án sau này BN có cơ may còn đi được trên gót chân còn lại). Nhưng muốn đóng phần xương bị lộ ra khi tháo bỏ nửa bàn chân nối bị hỏng đi thì nhiều khi lại phải bỏ lên cao mới có đủ da để che phủ phần mỏm cụt. Đến phần gót rồi, nếu bỏ đi thì sẽ mất luôn xương gót. Làm thế nào để hạn chế cho người bệnh chịu đau đớn nhưng không bị thêm mất mát đây?
Các bác sĩ đã phẫu thuật chuyển vạt để có lựa chọn tối ưu cho người bệnh. Ngay khi bỏ nửa bàn chân phải hỏng đi tiến hành tạo hình chuyển vạt tức thì. Lấy da một vùng da ở các cơ quan lân cận (vạt da đó phải có mạch máu nuôi, có mỡ, có cân và rất dày dặn, thường lấy ở bắp chân, cẳng chân) dùng chính miếng da đó đắp vào phần mỏm cụt hở để giữ tối đa chiều dài chân cho BN. Chỗ da bị lấy sẽ lấy phần da mỏng chỗ khác ghép vào (ghép da mỏng chỉ ghép được trên những phần mềm còn tốt như ghép lên cơ, chứ không thể ghép lên phần mỏm cụt bị lộ xương). Miếng cân da che phủ đã sống tốt, không bị hoại tử.
Bàn chân trái sau ghép phù nề rất to, phồng căng như bóng, nguyên nhân do bị bỏng lạnh. Các BS lo ngại nguy cơ giống bàn chân phải. BN được chăm sóc rất kỹ, cho dùng chống đông, giảm phù nề, truyền dịch. Sau 3 tuần, bàn chân ghép đã xẹp, nhăn nhúm nhưng hồng ấm và có thể khẳng định khả năng sống tới 95%. Tuy nhiên, BN còn kết hợp với tập phục hồi chức năng một thời gian nữa.
TS.BS. Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Đây là một thành công ngoài mong đợi của các BS khi cứu sống được bàn chân thiếu máu tới 18 giờ, cũng là ca hết sức hy hữu trong phẫu thuật tạo hình ghép nối chi thể đứt rời các BS từng làm từ trước đến nay.