"Khi nhà có người chết, ban quản lý chung cư yêu cầu đưa ngay đến nhà tang lễ, không được để ở nhà quá 1 tiếng đồng hồ..."
(Kienthuc.net.vn) - “Khi nhà có người chết, ban quản lý chung cư yêu cầu đưa ngay đến nhà tang lễ, không được để ở nhà quá 1 tiếng đồng hồ. Gia đình có người mất lúc nửa đêm cứ phải giấu, không dám công khai. Ở nhà mình mà phải lén lút, tôi thấy có tội với người đã khuất”, chị Nguyễn Thị Bình, chung cư CT5, khu đô thị Mễ Trì (Hà Nội) cho biết.
[links()]
|
Tòa nhà CT5A, khu đô thị Mễ Trì. |
Từ xưa, người Việt đã luôn tin tưởng sự “ra đi” tại nhà, có những người thân bên cạnh là điều vô cùng may mắn. Vì thế, trong trường hợp người bệnh được đưa đi bệnh viện, khi biết giờ chết đến gần, người thân thường đưa nhanh về để được chết tại nhà.
Rất nhiều gia đình mong muốn người thân được nhắm mắt xuôi tay tại nhà mình. Họ tổ chức tang lễ ở nhà cũng là để tưởng nhớ, báo ân với người mất. Vậy nhưng, hiện nay tại một số chung cư ở Hà Nội lại không cho người chết được để lâu quá một tiếng trong nhà, mà phải mang đi nơi khác tổ chức lễ tang.
|
Chị Nguyễn Thị Bình, tòa nhà CT5A, khu đô thị Mễ Trì |
Chị Nguyễn Thị Bình, tòa nhà CT5A, khu đô thị Mễ Trì cho biết: “Khi trong chung cư có một người nào đó không may qua đời thì sau 1 tiếng phải chuyển người đó đến bệnh viện hay đưa đến nhà tang lễ. Trường hợp người đột tử cũng phải gọi xe chuyển đi, không được giữ lại trong nhà quá lâu.
Nếu quá một tiếng đồng hồ mà chưa chuyển đi, bảo vệ tòa nhà phát hiện ra sẽ nhắc nhở. Theo quy định như vậy nên khi một người không may đột tử lúc đêm khuya, chủ nhà phải cố tình giấu để đến sáng. Tuy nhiên đa phần khi nhà có người chết, người ta chuyển đi bệnh viện ngay và không đưa ngược trở lại chung cư nữa”.
Theo tìm hiểu của PV Kienthuc.net.vn, hầu hết các chung cư, nhất là chung cư mới xây dựng không cho tổ chức tang lễ, thậm chí để người chết trong nhà. Một phần vì để đảm bảo vệ sinh môi trường, phần khác cũng vì chật hẹp, không có diện tích để tổ chức tang lễ.
“Cho dù gia đình người mất đều có ý thức trong việc giữ gìn trật tự chung nhưng khi có công việc tất nhiên sẽ ồn ào”, chị Bình nhận định.
Anh Tuấn, tòa nhà CT3B, chia sẻ: “Mới đây trong khu chung cư, ở dãy nhà CT2C có ông cụ mới chiều còn đi đón cháu, tối về đã đổ bệnh chết, cũng phải đưa đi bệnh viện ngay. Cũng vì nhà có người chết phải đưa đi bệnh viện ngay rồi làm lễ tang ở nhà tang lễ mà nhiều khi người ở gần cũng không biết chuyện”.
Vì những quy định của chung cư như vậy nên những gia đình có người thân ốm nặng, cảm thấy sức khỏe nguy kịch, hấp hối là mọi người sẽ đưa sớm tới bệnh viện. Khi người thân mất đi, họ sẽ tổ chức tang lễ luôn ở bệnh viện hoặc đưa đi hỏa thiêu.
“Việc bắt buộc phải đưa đi viện để chết tại viện và làm tang lễ ở ngoài khiến người thân trong nhà thường áy náy vì chưa làm tròn bổn phận của người sống với người chết, không để người thân được mất tại chính ngôi nhà họ đã sống... Các gia đình cảm thấy ở nhà mình cũng không có quyền làm theo ý mình. Tôi chỉ mong muốn chung cư có thêm một khu để người dân làm tang lễ cho người thân khi nhắm mắt xuôi tay. Có như thế, người chết mới yên lòng khi về cõi vĩnh hằng, người sống mới có thể thanh thản ở trần gian. Đó cũng là một cách ứng xử của ban quản lý chung cư với người đã từng sống, gắn bó với căn nhà của họ”, chị Bình bày tỏ tâm nguyện.
Không tổ chức tang lễ ở chung cư vì môi trường
"Khi có người nhà bị ốm, khả năng không sống được thì cần đưa đến bệnh viện. Trường hợp bị chết bên ngoài mà đưa về thì ở trên cao làm sao mà đưa lên được. Mọi người cũng không thể lật ngược quan tài mà đưa theo cầu thang lên phòng để tổ chức lễ tang.
Người Việt Nam mình khi có người chết bên ngoài thường đưa qua nhà để hương hồn người mất được về nhà. Với những người chuyển đi bệnh viện, nhà hỏa táng thì sau đó di ảnh, bát hương của họ được chuyển về nhà tại chung cư.
Theo những quy định chung cư như vậy, đa phần khi có cha già mẹ yếu, cảm thấy sức khỏe nguy kịch, hấp hối là mọi người sẽ đưa đi bệnh viện, nếu có chết sẽ tổ chức tang lễ ở bệnh viện hay đưa đến nhà hỏa thiêu là do nhu cầu của chủ nhà. Ban quản lý không can thiệp vào việc đó, còn để lại người đã khuất ở lại nhà lâu thì chính quyền, tổ dân phố sẽ can thiệp giải quyết vì nó liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường".
Ông Trần Hồng Mạnh, Ban Quản lý nhà chung cư Mẽ Trì Hạ
|
Văn Lê
BÀI ĐỌC NHIỀU