Lỗ hổng pháp luật
Bà Maryam Nawaz Sharif, con gái Thủ tướng Nawaz Sharif, cho biết chính phủ đang thúc đẩy thông qua dự luật loại bỏ điều khoản cho phép gia đình nạn nhân tha thứ những kẻ giết người vì danh dự. Điều này có nghĩa sẽ không có thủ phạm nào thoát khỏi cảnh bị truy tố, ngay cả khi họ được gia đình nạn nhân tha thứ.
Theo đài CNN, một ủy ban quốc hội vừa thông qua dự luật trên, mở đường để nó được đưa ra bỏ phiếu tại hạ viện và thượng viện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Zahid Hamid kỳ vọng dự luật được thông qua trong những tuần tới bởi “giết người vì danh dự” đang làm hoen ố hình ảnh Pakistan trong cộng đồng quốc tế.
Theo thống kê, khoảng 500 phụ nữ bị người thân sát hại trong các vụ “giết người vì danh dự” mỗi năm ở Pakistan. Vụ ngôi sao truyền thông xã hội Qandeel Baloch (tên thật là Fauzia Azeem) vừa bị anh trai sát hại do thường xuyên đăng tải nội dung gây tranh cãi trên Facebook giống như giọt nước tràn ly. Hung thủ, tên là Muhammad Waseem, bao biện rằng em gái mình đã làm những điều trái với truyền thống khiến gia đình bị “mất danh dự”.
Tuy nhiên, cha mẹ của Qandeel Baloch lại không nghĩ thế. Người mẹ cho biết bà không chỉ muốn Waseem phải trả giá vì tội lỗi của mình mà còn muốn những kẻ đã kích động con trai bà làm thế bị đưa ra xét xử. Theo bà, các phương tiện truyền thông chịu trách nhiệm không nhỏ trong cái chết của cô con gái vì bạn bè của Waseem có thể đã đọc tin tức về Baloch và trêu chọc anh ta.
|
Mẹ của ngôi sao mạng xã hội Qandeel Baloch than khóc cạnh thi thể con gái. Ảnh: AP |
Cưới chạy tội
Trong khi đó, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiết lộ về một xu hướng đáng lo trong các vụ tấn công tình dục: Hung thủ tìm cách tránh vòng lao lý bằng cách kết hôn với nạn nhân. “Kiểu hôn nhân như thế là không thể chấp nhận được. Thật là tàn nhẫn khi bắt ai đó phải cưới người không mong muốn, buộc họ phải sống nốt phần đời của mình bên cạnh kẻ đã hãm hiếp mình” - ông Mustafa Demirdag, một quan chức Tòa án Tối cao, chỉ trích.
Theo ông Demirdag, gần 3.000 cuộc hôn nhân giữa thủ phạm và nạn nhân như thế đã được chính thức đăng ký, trong đó có những vụ việc gây quan ngại. Chẳng hạn, một cô gái bị 3 gã bắt cóc và cưỡng hiếp. Sau khi một trong những thủ phạm cưới nạn nhân, các bản án dành cho bọn họ đều được dỡ bỏ. Theo luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, những tên cưỡng hiếp này có thể lãnh bản án đến 16 năm tù nếu không có cuộc hôn nhân nêu trên.
Bạo lực nhắm vào phụ nữ là vấn nạn nhức nhối ở Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay. Ankara đã ban hành luật về bạo hành gia đình năm 2012 nhưng vẫn chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ. Theo giới truyền thông nước này, hơn 300 phụ nữ đã bị sát hại vào năm ngoái, trong đó hung thủ phần lớn là chồng hoặc người thân của nạn nhân. Trong đó, vụ một sinh viên 20 tuổi tên Özgecan Aslan bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp và sát hại đã dẫn đến làn sóng biểu tình khắp nước. Ba tên này sau đó đã bị kết án tù chung thân.
Cần nhiều thời gian
Dù tự tin nhưng giới chức Pakistan cũng lo ngại dự luật về “giết người vì danh dự” sẽ vấp phải sự phản đối từ những tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng. Đáng chú ý, Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo Pakistan từng tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ đạo luật nào bịt kín lỗ hổng pháp luật này dù xem “giết người vì danh dự” là một tội ác.
Dù vậy, bà Sharmeen Obaid-Chinoy, người từng làm phim tài liệu về “giết người vì danh dự”, bày tỏ hy vọng hủ tục dã man này sẽ sớm bị xóa bỏ. “Tôi mong dự luật sẽ được thông qua nhưng phải cần nhiều thời gian để thuyết phục người bảo thủ thay đổi thái độ” - bà Obaid-Chinoy cho biết.