Đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở TP.HCM
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết tại địa phương này tiếp tục gia tăng, đồng thời ghi nhận 1 ca tử vong. Thống kê đến hết tuần 46, tại TP. HCM đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết và là tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam, chiếm 25% tổng số ca mắc của khu vực.
Theo số liệu giám sát của Viện Pasteur TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 45 của khu vực phía Nam là 44.980 (giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên từ tuần 37 đến nay số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM có xu hướng tăng liên tục và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM tăng cao, đã ghi nhận trường hợp tử vong.
Ngành y tế TP.HCM nhận định, nguy cơ dịch gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi và gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, hiện diện ở mọi nơi từ nội thành đến ngoại thành và ở tất cả các quận huyện, phường xã. Vì vậy, thời gian tới số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt.
Hai đối tượng cần đặc biệt lưu ý
Theo các chuyên gia, bất kể ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết, thậm chí còn mắc đi mắc lại, trong đó trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý vì những biến chứng xảy ra nguy hiểm đến tính mạng.
Với trẻ nhỏ, Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, giai đoạn trẻ mắc sốt xuất huyết nguy hiểm thường rơi bào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi mắc bệnh.
Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.
Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…
Trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết nguy cơ bị biến chứng nặng rất cao. Ảnh minh họa.
Để tránh những biến chứng nguy hiểm trên, Bộ Y tế khuyến cáo, khi trẻ mắc hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết nếu có một trong số những dấu hiệu sau thì cần đưa đi đến viện ngay:
- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan;
- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ;
- Xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu giảm nhanh;
- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ);
- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.
Với phụ nữ có thai, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, biểu hiện sốt xuất huyết trên phụ nữ có thai rất khó lường, do vậy bác sĩ luôn khuyên khi có thai mắc bệnh này cần nhập viện điều trị.
Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận....hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai để xem có biểu hiện như: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu như ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Một trường hợp phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết được điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BV Bạch Mai.
Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, vì sốt xuất huyết dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Từ những biến chứng nguy hiểm trên, ông Cường khuyến nghị, phụ nữ đang mang thai cần cố gắng tránh mắc bệnh sốt xuất huyết, bằng cách nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, dùng các sản phẩm đuổi muỗi, chống muỗi,…. Trường hợp khu vực sinh sống có ổ dịch lưu hành nếu có điều kiện nên sơ tán đến nơi an toàn, nếu không cần phòng tránh muỗi đốt để tránh lây bệnh.