“Con không muốn thành gà công nghiệp”

Google News

(Kiến Thức) - Có không ít phụ huynh “góp phần” tạo thói quen sống thiếu chủ động, ỉ lại cho con.

Gia đình có điều kiện, được ôsin “chăm tận răng”, khi bị mất áo ở trường, cháu Minh (học sinh lớp 4) không tìm được vì không biết lúc sáng mình đã mặc áo nào! 
Cô Đỗ Thị Hải Anh, GVCN lớp 4A1 – trường Tiểu học Vinschool – kể câu chuyện thực tế trên như một ví dụ điển hình để minh họa cho nội dung bài học về thói quen “Sống chủ động”. Đây là 1 trong 7 thói quen được Vinschool chuẩn bị đưa vào giảng dạy, thuộc khuôn khổ của chương trình chuyển đổi tư duy nổi tiếng thế giới “The Leader in Me” (do Frankin Covey, Mỹ sáng tạo) vừa được Vinschool ký kết với đối tác FCE Việt Nam.
Trẻ còn thụ động
Đi dạy đã lâu, cô Hải Anh từng chứng kiến nhiều tình huống cho thấy học sinh có thể giỏi kiến thức các môn nhưng thiếu thói quen tốt, kĩ năng sống để tạo lập cuộc sống chủ động, khoa học và hiệu quả. Trường hợp trên có lẽ không phải là trường hợp ‘cá biệt’, thậm chí có thể còn nhiều trường hợp tương tự.
Chị Đỗ Thu Hà cho biết con trai chị năm nay đã học lớp 9 nhưng làm việc gì cũng phải có người lớn kèm cặp, nhắc nhở.
“Từ bé tới bây giờ, chưa bao giờ tôi thấy con chủ động chuẩn bị sách vở, dậy đúng giờ để đi học mà không bị bố mẹ nhắc nhở, kiểm tra. Đến sức khỏe của bản thân cháu cũng không biết chăm lo. Lắm khi mải chơi điện tử cháu bỏ bữa nếu không có người lớn nhắc; mùa đông cháu để cho mặt mũi tím tái cũng không biết tự giác đi lấy áo ấm xuống mặc”, chị than thở.
Còn chị Nguyễn Thị Minh cũng “đau đầu” với cậu con trai không tự giác, không có ý thức chủ động trong học tập cũng như việc nhà, phải đợi mẹ thúc giục hoặc làm cho xong. “Con luôn tìm cách trì hoãn hoặc ngụy biện để không phải làm nhiệm vụ của mình”, chị nói.
Là Tổ trưởng Tổ kỹ năng sống của trường THCS Vinschool, cô Phạm Thị Thu Hằng cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp cả phụ huynh cũng thiếu thủ động trong việc giúp con thiết lập kỹ năng sống tối thiểu. “Bố mẹ luôn sợ con muộn học nên đánh thức con hàng ngày. Hãy tập cho con đặt đồng hồ báo thức, nếu con muộn học cũng đừng sợ, dần dần con sẽ tự dậy được đúng giờ”, cô Hằng cho hay.
Chính từ thói quen thiếu chủ động nên trẻ dễ rơi vào tình trạng không có kế hoạch, “có nhiều việc phải làm nhưng không biết làm việc gì trước”, dẫn đến thói quen xấu tiếp theo là không biết sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên. Không ít phụ huynh phản ánh con mình chỉ mải mê đọc truyện, chơi game trước khi chuẩn bị sách vở, áo quần cho ngày hôm sau, đến khi nhớ ra đã muộn nên luôn rơi vào tình trạng “cuống quýt”.
“Sau hôm đi học ở Vinschool về, tôi đã cùng con thảo luận và thống nhất sẽ lập kế hoạch cho mọi việc để kiểm soát và làm chủ cuộc sống. Khi được hướng dẫn và làm cùng bố mẹ, các con rất hào hứng. Lần đầu tiên tôi nghe và biết mong muốn của con là trở thành kĩ sư và hai mẹ con đã vạch ra kế hoạch để tương lai trở thành kỹ sư, bao gồm việc học từ bây giờ”, chị Minh nói.
Thay đổi tư duy để dạy trẻ thành đạt
Thông qua nhiều hoạt động, học sinh Vinschool sẽ được rèn luyện 7 thói quen của chương trình “The Leader in Me” để trở thành người thành đạt. 7 thói quen này sẽ khơi dậy tố chất tự nhiên của học sinh, giúp các em chủ động, biết đặt mục tiêu, biết lập kế hoạch, ưu tiêu những mục tiêu quan trọng và biết cách hợp tác với nhau để cùng thành công. 
Theo cô Hải Anh, phụ huynh Việt Nam luôn nghĩ con mình còn nhỏ nên “ôm đồm” mọi việc, không trao quyền chủ động để con quyết định những việc trong cuộc sống của mình từ khi còn bé. Điều đó vô hình tạo cho con một thói quen xấu là ỉ lại vào người khác.
“Với những cháu bé thiếu kĩ năng sống như vậy, giáo viên phải trao đổi trực tiếp với gia đình. Chúng tôi cần cho phụ huynh biết tình trạng, xem phụ huynh đánh giá thế nào, hướng giải quyết nên ra sao? Trên cơ sở đó giáo viên và gia đình cùng phối hợp để có hướng xử lý phù hợp”, cô Hải Anh cho hay.
Vì thế, trước mắt chương trình “The Leader in Me” sẽ dạy cho trẻ các thói quen tốt thông qua các bài học, tình huống cụ thể, song trong tương lai xa, chương trình này sẽ chuyển đổi tư duy của cả hệ thống giáo dục từ nhà trường tới gia đình, gồm cả giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh, trong đó học sinh làm trung tâm.
Triết lý của “The Leader in Me” là “mọi cá nhân đều có tiềm năng và việc chúng ta cần làm là kích hoạt để phát triển những tiềm năng đó”. 
Theo cô Hải Anh, muốn dạy con có các thói quen tốt thì trước tiên cha mẹ và thầy cô phải chủ động thay đổi, có như vậy trẻ mới học tập và làm theo. Các cháu hoàn toàn có thể nhắc nhở nếu thầy cô chưa gương mẫu. Ở nhà các con cũng giám sát cả cha mẹ. Đó chính là “kiềng 3 chân” để các bên giám sát, thúc đẩy lẫn nhau rèn luyện và cùng thành công.
Cô Hải Anh đánh giá đây cũng chính là lý do vì sao “The Leader in Me” triển khai tại Vinschool là một trong những chương trình hiếm hoi ở Việt Nam phụ huynh trực tiếp được nhà trường mời tham gia đào tạo cùng giáo viên ngay từ đầu để đạt được sự thống nhất về tư tưởng và cách thức thực hiện nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.
“Chúng tôi nhận được sự ủng hộ lớn của phụ huynh. Mỗi thói quen sẽ được áp dụng linh hoạt phù hợp với từng lứa tuổi. Chương trình “The Leader in Me” thực chất không đặt mục đích cao siêu nào mà chỉ mong muốn mỗi một học sinh là người tự chủ trong cuộc sống, có thể làm chủ và “lãnh đạo” chính bản thân mình để vươn tới thành công”, cô Hải Anh cho hay.

PV

Bình luận(0)