Con trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của gia đình, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong vấn đề dinh dưỡng, tâm lý, sức khỏe…của con cũng đủ làm cho cả nhà đứng ngồi không yên.Đặc biệt là trong giai đoạn từ 4-11 tuổi, trẻ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường thể lực, chuyển hóa năng lượng phục vụ cho nhu cầu vận động ngày càng nhiều. Ý thức được vai trò của sữa trong quá trình phát triển thể chất của con trẻ nên chuyện trẻ ngán sữa trở thành nỗi lo chung của cả nhà.
Khổ… vì con lắc đầu với sữa
Gần một tháng nay gia đình chị Thảo Trang (Q3- TP.HCM) luôn trong không khí căng thẳng chỉ vì chuyện cậu con trai Bi 5 tuổi của chị không chịu uống sữa như trước. Dù hết sức dỗ dành, nài ép nhưng con vẫn một mực không chịu uống hết phần sữa mà chị đã chuẩn bị với nhiều lý do khác nhau… hoặc chỉ uống qua loa cho có lệ. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến, chị Thảo Trang quyết định cho Bi ngưng sữa một thời gian ngắn và thay vào đó là bổ sung thêm dinh dưỡng bằng khẩu phần ăn đa dạng hơn nhưng với cách này mẹ chồng chị lại không hài lòng. Mẹ chồng cho rằng do chị chăm sóc cháu không tốt và không đồng ý khi chị Trang cho Bi ngưng sữa, vì theo bà, cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, cần uống sữa mỗi ngày để phát triển cho bằng bạn bè!
Bối rối khi gặp ý kiến trái chiều từ mẹ chồng và sốt ruột vì con vẫn chán sữa sau hơn 1 tuần tạm ngưng, chị Trang đành trở lại điệp khúc, ép con uống sữa mỗi ngày.
|
Ngán sữa, chuyện nhỏ hóa ra không nhỏ! Ảnh: Shutterstock |
Với chị Nhi (Gò Vấp – TP.HCM) là một câu chuyện khác, hai vợ chồng ra ở riêng nên việc chăm sóc con có phần vất vả hơn do không có ông bà phụ giúp, đặc biệt là khi cô con gái 6 tuổi bắt đầu biếng sữa. Không chỉ ở nhà mà ngay khi trên lớp, dù mẹ hay cô giáo cố gắng thúc ép, giải thích hàng trăm lý do nên uống sữa, trẻ vẫn vô tư lắc đầu hoặc hẹn hò đủ kiểu. Thỉnh thoảng không thắng nổi sự bướng bỉnh của con gái, chị Nhi nhờ chồng hỗ trợ dỗ dành con uống sữa nhưng xem ra chỉ hiệu nghiệm được vài lần đầu sau đó cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy.
Khi con chán sữa- Gia đình bớt vui
Sẽ không cần bàn cãi khi kết luận, lúc con ngán sữa, mẹ sẽ là người chịu nhiều áp lực nhất trong việc giải quyết vấn đề này! Áp lực đến từ mâu thuẫn giữa mẹ với bố và ông bà trong cách lựa chọn phương pháp giúp trẻ khắc phục chuyện chán sữa. Nếu không khéo giải quyết, mâu thuẫn ấy lại ảnh hưởng đến không khí trong nhà.
Ví như chuyện của chị Thảo Trang, chị chọn cách cho con ngưng sữa một thời gian để con tự động thích sữa trở lại, còn mẹ chồng nhất quyết cho đó là cách sai vì sữa rất cần cho Bi mỗi ngày. Bất đồng quan điểm giữa chị và mẹ chồng đã ảnh hưởng phần nào mối quan hệ vui vẻ thường ngày của cả hai.
Vợ chồng chị Nhi cũng thường xảy ra “chiến tranh” vì không tìm được tiếng nói chung trong chuyện con biếng sữa. Chị Nhi dành nhiều thời gian để tìm đủ cách giúp con uống sữa như thay đổi loại sữa mới, kết hợp sữa với nhiều thực phẩm khác… còn chồng chị thì cho rằng, nên để trẻ tự quyết định, thúc ép chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý con. Trên một diễn đàn về chăm sóc trẻ, bà mẹ với “nickname” mẹ Bống chia sẻ, đến cơ quan thì đối diện với áp lực công việc, về tới nhà lại lo nghĩ chuyện con ngán sữa, kém ăn… làm sao mà không căng thẳng hay tỏ ra gắt gỏng với mọi người trong nhà.
Vậy mới thấy, ngán sữa- chuyện tưởng nhỏ hóa ra không nhỏ và để tìm được phương pháp hiệu quả giúp trẻ uống sữa chủ động vẫn là một thử thách cho nhiều ông bố, bà mẹ.