Không ồn ào xuất hiện, họ đang làm việc, học tập hết mình để có khả năng tiếp quản cơ nghiệp mà cha mẹ họ đã gây dựng.
Từ đầu 4, thị giá cổ phiếu MPC đã đạt 60.500 đồng/CP vào phiên cuối tuần qua. Kết quả lợi nhuận ấn tượng của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã tạo ra biến động giá trên, với dự kiến đạt trên 1.000 tỷ đồng cả năm, trong khi, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 700 tỷ đồng. Nhân tố góp phần tạo ra sức bật cho Minh Phú không ai khác là ông Lê Văn Quang, Chủ tịch MPC và gia đình. Gia đình ông Quang hiện kiểm soát 67% cổ phần MPC, do đó, có thể chi phối hầu như mọi hoạt động của Công ty.
Ông Quang có 4 người con gái, trong đó con gái đầu Lê Thị Dịu Minh thuộc thế hệ 8x đã tu nghiệp tại Mỹ, hiện đang đảm nhận ghế trợ lý Chủ tịch HĐQT MPC.
|
Các doanh nhân thế hệ thứ 2 đang được đào tạo bài bản để chuẩn bị tiếp nhận doanh nghiệp của cha mẹ để lại.
|
Theo nhận xét của một số lãnh đạo MPC, Dịu Minh có năng lực, ham học hỏi, giúp được không ít việc cho cha cô cũng như cả Tập đoàn. Tuy nhiên, Dịu Minh có tiếp quản công việc của cha cô hay không, hiện khó có thể trả lời, bởi cô đã lập gia đình. Nhà chồng Minh cũng có công ty rất lớn, hoạt động trong lĩnh vực khác ngành thủy sản.
2 con gái thứ của ông Quang hiện cũng đang học bên Mỹ và được kỳ vọng có thể giúp cha gánh vác cơ nghiệp một phần. Ngoài các con, gia đình Lê Văn Quang cũng đang chuẩn bị rất tích cực cho việc đào tạo đội ngũ kế nhiệm. Con em cán bộ cao cấp trong Tập đoàn, những người vốn có quan hệ họ hàng với gia đình Chủ tịch đều có thể chọn một nước phát triển để học tập và được đài thọ chi phí.
Một doanh nhân thế hệ 8x khác là Đoàn Quốc Huy, con trai ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn Bim Group cũng đang đảm nhận dần nhiều việc quan trọng trong Tập đoàn.
Huy được giao phụ trách mảng bất động sản; trong đó, đảm nhận ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Syrena, chủ đầu tư Khu đô thị Hạ Long Marina (Quảng Ninh).
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thách thức với chàng doanh nhân trẻ không ít, đơn cử như ngay tại Quảng Ninh, Hạ Long Marina sẽ làm gì để cạnh tranh với đối thủ Vingroup, chủ đầu tư khu phức hợp Vincom Center ngay bên cạnh? Tương tự, các dự án khách sạn ở Phú Quốc, Lào… mà Bim Group đang triển khai xây dựng cũng có rất nhiều đối thủ là các tập đoàn tư nhân quy mô lớn của Việt Nam.
Trong báo cáo thường niên năm 2014 của CTCP Đầu tư và phát triển Sacom có đăng hình một thanh niên trẻ, tên Đỗ Thanh Bình với chức danh Phó tổng giám đốc Sacom Tuyền Lâm. Đây chính là con trai của ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc SAM, một trong hai DN niêm yết đầu tiên trên thị trường.
Ông Trắc tuy không phải là cổ đông chi phối SAM, nhưng là người có công đầu trong việc phát triển SAM từ một doanh nghiệp sản xuất cáp đồng không có tương lai trở thành công ty đầu tư với lượng tài sản không nhỏ như hiện nay.
Đỗ Thanh Bình học ở Anh về và hiện tham gia quản lý dự án sân golf, khách sạn biệt thự nghỉ dưỡng Sacom Tuyền Lâm, một dự án đầu tư lớn của SAM vừa đi vào hoạt động tại Đà Lạt. Ông Trắc chia sẻ, cậu con trai đã biết xử lý công việc tốt, được các cán bộ đàn anh trong Công ty quý mến.
Thoát bóng gia đình
Tuy nhiên, trong một số gia đình đại gia Việt, không hẳn đứa con nào cũng hào hứng với việc kế nhiệm sự nghiệp của gia đình. Câu chuyện của gia đình một nữ chủ tịch ngân hàng lớn trên thị trường là một ví dụ.
Bà có 2 người con, một trai, một gái. Anh con trai dù được mẹ hết mực đào tạo và bồi dưỡng để có thể giúp đỡ bà công việc trong ngân hàng, nhưng vẫn không hào hứng. Anh đã chủ động cùng bạn bè mở công ty riêng về lĩnh vực công nghệ thông tin, lập nghiệp. Trọng trách hiện đang đổ lên vai cô con gái.
Gia đình chồng của nữ doanh nhân trẻ này cũng bề thế không kém, tiền bạc đối với cô do đó không phải là mục tiêu cao nhất, quan trọng hơn là làm gì để Tập đoàn ngày càng lớn mạnh. Thường xuyên phải làm việc đến 1-2h sáng, nhiều vấn đề đòi hỏi phải có thần kinh thép để đối mặt… đó chỉ là vài ví dụ để thấy cô gái trẻ tuổi đời 8x có không ít áp lực.
Không ít đại gia trên sàn chứng khoán lại đang giấu nhẹm những đứa con vì không muốn danh tiếng của bố mẹ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống cũng như sự trưởng thành của chúng.
Thành viên HĐQT một tập đoàn lớn trong ngành thép có cậu con trai tốt nghiệp ở Anh chuyên ngành tài chính đã về nước và hiện đang làm việc cho một ngân hàng nước ngoài. Lý do cậu chưa về đầu quân cho Tập đoàn có bố làm thành viên HĐQT là vì muốn thử sức ở môi trường bên ngoài trước khi về một môi trường có nhiều “cây cao bóng cả”.
Con gái cả của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai gần như không bao giờ xuất hiện trước công chúng. Không có điều kiện được học đại học, bầu Đức dành cho con cái môi trường học tập tốt nhất tại Singapore. Mỗi dịp nghỉ hè, cô con gái bầu Đức lại thực tập làm việc tại Tập đoàn, với điều kiện làm việc như một nhân viên bình thường.
Nghề gian khó
Theo quan sát, phần lớn con cái của các đại gia được đào tạo ở nước ngoài và tiếp thu văn hóa kinh doanh ở nước sở tại. Bởi vậy, thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp thứ hai có thể phải đối mặt với vô vàn khó khăn, một trong số đó xuất phát từ việc họ có quan điểm kinh doanh khác với cung cách “truyền thống” của cha mẹ, vốn rất coi trọng các mối quan hệ.
Nếu như các doanh nhân mất 20 năm và trải qua bao nhiêu sóng gió để gây dựng doanh nghiệp thì thế hệ thứ 2 của họ không thể chỉ mất 2 năm đi làm là có thể tiếp quản cơ nghiệp của cha mẹ, cho dù họ được đào tạo bài bản hơn. Bởi lý do cơ bản là môi trường kinh doanh ở Việt Nam khá khác biệt.
Không chỉ biết các kỹ năng quản lý, thế hệ thứ 2 còn phải biết xử lý các mối quan hệ trong công việc theo đặc thù Việt Nam. Ví dụ, ở một tập đoàn lớn, khi mà các thành viên HĐQT là những người bạn thì thách thức đặt ra khi họ chuyển giao quyền lực sang thế hệ thứ 2 là những đứa con của họ có thể làm bạn với nhau hay không? Những đứa con có thể gắn kết với nhau bằng tình cảm ngoài quan hệ trên dưới ở công ty, như những ông bố đang làm.
Điều mà không ít doanh nhân hiện nay lo ngại là thế hệ thứ 2 có cuộc sống đầy đủ, sung sướng nên có xu hướng muốn hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn là lấy công việc làm niềm vui như bố mẹ. Thay vì vừa làm chủ và vừa làm thuê như bố mẹ, thế hệ thứ 2 chỉ muốn làm chủ mà không muốn làm thuê, tức tham gia điều hành doanh nghiệp.
Có lẽ, ở thời điểm này, trách nhiệm phải gánh vác công ty chưa đặt nặng lên vai thế hệ thứ hai bởi các doanh nhân thế hệ thứ nhất hiện nay chủ yếu đang ở độ tuổi U50, vẫn còn sung sức và làm việc rất tích cực.
Vì thế, thời gian bắt buộc phải chuyển giao quyền lực ở đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thực sự cấp bách và mang tính bắt buộc.
Trên thế giới, cũng có nhiều trường hợp thế hệ thừa kế là con cháu của các doanh nhân chỉ thực sự quan tâm đến công ty và hoạt động kinh doanh khi rơi vào tình thế không còn cách nào khác, chẳng hạn cha ông họ không đủ sức khỏe để đảm nhận công việc hoặc công ty có sự cố... Ngay cả trong tình thế này, nhiều người vẫn tiếp quản công việc, phát triển công ty rất tốt.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang hiện đang rất khó khăn, việc trao quyền cho con để ở ẩn hoàn toàn hầu như chưa có doanh nhân nào thực hiện. Họ vẫn đứng mũi, chịu sào, lãnh đạo DN, đồng thời tạo cơ hội cho con thử sức, đối mặt với các tình huống khó khăn.