Sự việc đào mộ trộm cắp bộ xương người sét đánh rồi cũng trôi qua, ông Đoàn Văn Diệp (Phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên) mải lo miếng cơm, manh áo, nên cũng không quan tâm nhiều đến chuyện đòi nợ nữa. Nhưng, sau đó, rất nhiều thông tin cứ đến tai ông Diệp.
Chẳng hiểu có liên quan gì không, nhưng sau vụ đào mộ trộm xương cô Vũ Thị L. thời gian, thì Trần S., người chủ mưu, thuê nhóm ông Diệp đào mộ trộm xương, phất lên như diều gặp gió.
Ngày đó, Điện Biên Phủ còn là tỉnh lỵ nghèo, nhà nào sang lắm thì có xe đạp Phượng Hoàng, chứ xe máy thì ngóng ra đường đỏ mắt mới thấy. Thế nhưng, Trần S. bỗng dưng có tới 2 cái xe máy Simson, suốt ngày đèo vợ con diễu phố, trước sự ngỡ ngàng của bà con khối phố.
Không ai hiểu vì sao một anh cán bộ quèn mà lại có nhiều tiền như thế. Trong nhóm đào mộ, cũng không ai biết rõ. Lúc thì mọi người đồn thổi rằng, anh ta đã mang bộ xương sang Lào bán được một khoản tiền lớn, lúc thì bảo anh ta dùng bộ xương làm bùa phép, ăn nên làm ra, mới phất nhanh như vậy.
|
Ông Đoàn Văn Diệp, người tham gia vụ đào mộ lấy xương cô gái bị sét đánh |
Cũng có tin đồn rằng, nhờ có xương người sét đánh, nên anh ta buôn lậu trót lọt nhiều vụ từ Lào về Việt Nam, vận chuyển hàng hóa cứ ung dung như chốn không người. Cứ đêm xuống, Trần S. chỉ việc để xương bàn tay, xem quay hướng nào, thì cứ hướng đó mà đi, thì dù gùi cả tải thuốc phiện, cũng chẳng có ai bắt (?!).
Điều ông Diệp, cũng như hầu hết người dân Điện Biên Phủ đều ngỡ ngàng đến ngã ngửa, khi bỗng một ngày, vào thời điểm những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Trần S., bỗng dưng thành giám đốc doanh nghiệp. Công việc làm ăn, kinh doanh của Trần S. cứ lên như diều gặp gió.
Điều buồn cười, là thời điểm đó, báo chí, truyền hình tung hô Trần S. như một đại gia Tây Bắc, ông chủ doanh nghiệp tài ba, dám nghĩ, dám làm, biết làm. Vì nhanh chóng nổi như cồn, nên Trần S. và doanh nghiệp của anh ta đã được giao thực hiện một dự án lớn nhất từ trước đến nay ở vùng đất tận cùng Tổ quốc, đó là Dự án Mường Tè.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9/11/1995 với tổng số vốn lên tới 432 tỷ đồng, một số tiền rất lớn thời đó. Dự án này không chỉ sẽ làm thay da đổi thịt vùng đất nghèo nhất nước, mà còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm của chính phủ với vùng đồng bào xa xôi, nghèo đói, đường sá đi lại khó khăn nhất nước.
Hạng mục chủ yếu của dự án là phát triển đường giao thông vào tận nơi sâu, xa nhất của huyện Mường Tè, đến các cụm xã, các địa bàn dân cư trọng yếu ở vùng ngã ba biên giới.
Trần S. được giao nhiệm vụ giám đốc dự án đặc biệt quan trọng này. Thế nhưng, dự án chưa thực hiện được là bao, Trần S. đã biển thủ hơn 50 tỷ đồng.
Việc thì chưa làm, nhưng anh ta đã giở đủ các trò ma để rút tiền, như thanh toán trùng, khai man khối lượng, tăng giá vật tư, nghiệm thu khống, giả mạo hợp đồng.
Mặc dù lực lượng công an theo dõi, điều tra, có thể tóm bất cứ lúc nào, song anh ta vẫn cứ ngông nghênh chẳng sợ. Gặp cơ quan điều tra, thậm chí giới báo chí, còn "nổ" rằng: "Tôi có được tiêu tiền một mình đâu, phải chia chứ. Đó là luật chơi. Muốn thành công, thì phải nhớ bài học nhập môn này"; rồi thì anh ta còn tuyên bố: "Thời buổi này, cứ có tiền trong tay thì làm gì chả được. Nếu được làm lại, tôi sẽ không làm giám đốc, mà làm cái to hơn giám đốc!"…
|
Đường vào nghĩa địa Noong Bua.
|
Những tuyên bố của Trần S., một giám đốc ở vùng núi Tây Bắc khi đó, quả thực rất "hiện đại", và đến bây giờ nó vẫn là "kim chỉ nam" cho những kẻ đi lên bằng thói lươn lẹo.
Điều kinh ngạc, là dù tuyên bố khắp nơi rõ ràng như vậy, xác nhận luôn là làm ăn thì phải hối lộ, rồi đã nằm trong tầm ngắm của công an, nhưng Trần S. vẫn ung dung như chẳng hề có chuyện gì xảy ra với mình. Anh vẫn "nổ" khắp nơi, chả khác gì anh hùng nhất khoảnh, như thể không ai dám động vào.
Thậm chí, thời điểm đó, anh ta còn lập một công ty dưới Hà Nội, lấy tên công ty là Hoa Ban, cho có mùi vị tây bắc. Anh ta mua nhà lầu ở nội thành, rồi ngang lấy cô vợ khác.
Phải nói rằng, thời điểm đó, nhiều quan chức sợ hãi, dè chừng Trần S. Riêng nhóm đào trộm mộ cô gái Vũ Thị L. bị sét đánh, chuyển xương cho S., thì tin rằng, gã có phép thần thông quảng đại.
Mấy người đào mộ còn tin rằng, một pháp sư ở Lào, đã sử dụng "sức mạnh âm binh" của bộ xương trợ giúp anh ta tiến thân, làm ăn và không sợ bất cứ thế lực nào. Thậm chí, bất cứ ai dám động đến anh ta, pháp sư kia sẽ điều âm binh ám hại. Trần S. đã tin tuyệt đối vào sự hộ mệnh của bộ xương sét đánh của cô gái xấu số.
Thế nhưng, trong thời gian Trần S. cùng đàn em ngao du sang Mỹ chơi, gọi là đi thăm quan các trường đại học nổi tiếng thế giới để học hỏi kinh nghiệm về làm giàu cho quê hương, thì Công an tỉnh Lai Châu rảnh rang vào cuộc điều tra, thu thập hồ sơ, chứng cứ, mà không sợ bị anh ta can thiệp, tìm cách bưng bít.
Ngay khi Trần S. đón máy bay từ Mỹ về Nội Bài, thì lực lượng công an đã tóm gọn ngay trên máy bay. Lúc tra tay vào còng số 8, Trần S. vẫn ung dung nghĩ rằng mình sẽ không thể bị bắt, rồi công an sẽ phải thả…
Thế nhưng, lúc ra tòa, bị xử chung thân, Trần S. mới cay đắng nhận ra rằng, lúc ăn nên làm ra thì lắm bạn bè, đệ tử, ô dù, nhưng lúc ngã ngựa, thì chẳng thấy ai, thậm chí, "âm binh" là "tấm bùa" xương người sét đánh cũng chẳng giúp được gì.
Điều thú vị trong vụ án tham nhũng Mường Tè, trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ vụ án, công an phát hiện Trần S. từng thuê một nhóm người đào mộ trộm xương nữ y tá bị sét đánh.
|
Nghĩa địa Noong Bua.
|
Ông Đoàn Văn Diệp nhớ lại: "Chuyện đào mộ cô L. trôi qua đã hơn 10 năm, nhưng không ngày nào chúng tôi ăn ngon ngủ yên. Đỉnh điểm của nỗi sợ hãi, như điềm quả báo, là công an đến nhà hỏi chuyện chúng tôi về vụ đào mộ cô L, đem xương bán cho Trần S.
Các anh công an cũng đến hỏi như nhà báo các anh, rồi chụp ảnh, ghi âm, chép biên bản. Họ hỏi gì, tôi khai tất, cũng kể y hệt như kể với các anh.
Về sau, nghĩ lại, việc không đòi được tiền của Trần S. lại may mắn, chứ nếu ngày đó mà lấy được của gã 500 ngàn đồng, thì có khi tù mọt gông.
Chúng tôi cũng chỉ là những kẻ làm thuê, vì nghèo mà làm liều, mắc tội xâm phạm mồ mả người chết. Đợt đó, dân tình biết chúng tôi liên quan đến Trần S., nên đồn thổi ầm ĩ lắm. Công an đến nhà, đưa chúng tôi bằng xe máy, đi thực nghiệm hiện trường ở nghĩa địa Noong Bua, xong rồi đưa về bằng đường khác, để không ai nhìn thấy".
Theo ông Đoàn Văn Diệp, người bị "quả báo" đầu tiên không phải là Trần S., mà chính là nhóm đào mồ cuốc mả gồm 4 người Diệp - Điền - Chiến - Tài.
Sau khi chuyển bộ cốt cho Trần S., thì anh biến mất khỏi địa phương cả tháng trời. Thời điểm đó, anh ta mang sang Lào bán, hoặc luyện phép, nên không thấy tăm tích đâu cả.
Không hiểu do "quả báo", hay vì bực dọc không đòi được tiền, mà ông Chiến cứ nổi điên lên, đòi đem bộc phá cho nổ tung nhà của Trần S.
|
Vị trí từng có ngôi mộ của cô gái Vũ Thị L. |
Khi đó, nhà ông Chiến nghèo quá, miếng ăn chẳng có, mà vợ đang sắp đẻ đứa con thứ 6. Đàn con nheo nhóc không có gì ăn, trông chờ cả vào món tiền công lớn trong vụ đào mộ.
Cuộc sống ông Chiến cứ khó khăn, chật vật mãi, rồi ông chết năm 49 tuổi, vì ung thư vòm họng, để lại người vợ và đàn con nheo nhóc. Thời gian sau, bà vợ ông Chiến cũng bị điện giật chết thảm.
Hồi mới đào mộ, nghĩ ông Điền phối hợp với Trần S. "ăn" hết tiền, không chia cho mọi người, nên nhóm ông Diệp đã kéo đến nhà ông Điền hỏi cho ra nhẽ. Thế nhưng, qua nhà, thì thấy ông Điền ốm bẹp giường, không gượng dậy được.
Ông Điền bảo, sau hôm đào mộ, đêm nào cũng gặp ác mộng, không ngủ được. Cứ nhắm mắt, ông lại thấy cô L. đứng ở đầu giường khóc lóc oán thán (?!).
Ông Điền kể rằng, đêm nhận hài cốt ở bãi tha ma, do ông Diệp và ông Chiến chuyển ra, dù đã buộc rất kỹ, nhưng không hiểu sao vừa ra khỏi nghĩa địa, thì hộp sọ rơi ra ngoài, lăn lông lốc xuống ruộng. Dù rất sợ, nhưng ông Điền vẫn nhảy xuống nhặt hộp sọ, và bị con rắn cắn vào tay, không biết có phải rắn độc không. Sau này, ông Điền bị tai biến, nằm liệt luôn. Ông Tài cũng đoản mệnh, khi đột tử chết ở tuổi 46.
Về phần ông Diệp, cũng khốn đốn không kém. Tuy tính mạng ông không ảnh hưởng, nhưng cũng liêu xiêu. Vào năm 1989, hai năm sau khi đào trộm mộ, một hôm, lúc 9 giờ tối, đúng giờ ông đụng cuốc đào mộ, thì ngôi nhà gia đình ông ở bỗng dưng bốc cháy đùng đùng, mọi thứ ra tro.
Đến nay, ông vẫn không hiểu vì sao nhà mình lại cháy, bởi lúc đó gia đình không nấu nướng thứ gì, không đốt lửa, mà cũng không có kẻ thù.
Sợ hãi quá, vợ chồng ông bán mảnh đất ấy, rồi xây ra ra chỗ khác, vẫn trên quả đồi đó, để ở. Bao năm qua, vợ chồng ông Diệp, khi cúng bái, khấn vái điều gì, cũng đều nhắc đến cô L., mong cô đại xá tha cho tội đào mồ cuốc mả. Cứ khấn vái xong, ông mới thấy an lòng.
Trong cuộc trao đổi với bà H., là vợ cả của Trần S., bà H. cho biết: "Mặc dù nhiều vợ, nhưng tôi vẫn phải công nhận ông S. là người tốt, sống có trách nhiệm với mọi người. Chuyện ông ấy thuê nhóm người nào đào mộ, trộm xương cô gái bị sét đánh thì tôi không hề biết đến, cũng không rõ thực hư thế nào. Từ ngày ông ấy bị bắt, báo chí viết nhiều, rồi phim ảnh cũng dựng về ông ấy và vụ án. Có một chi tiết, mà báo chí nhắc đến, là do tôi viết đơn tố cáo nên công an mới biết chuyện ông ấy đào mộ trộm xương. Tôi xin khẳng định rằng, tôi không bao giờ đi viết đơn để tố cáo chồng tôi cả. Nói như thế là vu oan giá họa cho tôi, khiến gia đình, con cái hiểu lầm mà không coi tôi ra gì nữa".