Lương khối văn phòng cũng 28-33 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần lương bình quân các đơn vị thành viên.
Đây là những số liệu được nêu ra trong báo cáo kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán nhà nước được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo kiểm toán chỉ rõ, một số đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty chưa xây dựng đơn giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp, việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo đó, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.
|
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, lương lãnh đạo Vinafood 2 gần 80 triệu đồng/tháng, Vinafood 1 gần 60 triệu đồng/tháng (năm 2011).
|
Kiểm toán nhà nước dẫn chứng, tại TCty Lương thực Miền nam (Vinafood 2), thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2011 lên tới 79,749 triệu đồng/người/tháng. Khối văn phòng TCty là 32,9 triệu đồng/người/tháng.
So sánh với mức thu nhập của cán bộ nhân viên trong các đơn vị thành viên của TCty, Kiểm toán nhà nước cho biết, có sự chênh lệch lớn. Trong số các đơn vị thành viên được kiểm toán, Cty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập trung bình cao nhất cũng chỉ ở mức 11,175 triệu đồng/người/tháng, bằng khoảng 1/3 thu nhập trung bình của khối nhân viên văn phòng TCty.
Tại TCty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thu nhập bình quân của lãnh đạo có thấp hơn đồng nghiệp ở Vinafood 2 nhưng cũng tới mức 56,5 triệu đồng/người/tháng. Khối văn phòng tổng công ty cao nhất là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Cty cổ phần Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 6,5 triệuđồng/người/tháng.
Báo cáo kiểm toán một lần nữa khiến nhiều người “chạnh lòng” vì thu nhập của lãnh đạo, cán bộ nhân viên các tập đoàn, TCty. Năm ngoái, mức lương 58 triệu đồng/tháng của Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được công bố đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, nghi ngại. Trước đó, lương thưởng của lãnh đạo TCy kinh doanh vốn nhà nước SCIC, của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực EVN (trong khi EVN đang thua lỗ lớn, liên tiếp yêu cầu tăng giá bán điện) cũng khiến người lao động phải xuýt xoa. Bộ LĐ-TB&XH khi đó cho biết, mức lương thưởng của khối lao động này thuộc diện “ngoại đạo” khi vượt cả khung tối đa của Nhà nước (50 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nghịch lý giữa tiền lương thưởng với hiệu quả đóng góp của 2 TCty lương thực trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nông dân trồng lúa. Cụ thể, hoạt động thu mua lúa gạo tạm trữ của các doanh nghiệp trong ngành được đánh giá là chưa hiệu quả. Việc quản lý hoạt động xuất khẩu lúa gạo, quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo, nhà máy xay xát của 2 TCty lương thực xuất khẩu lúa gạo tại đồng bằng Sông Cửu long còn nhiều bất cập hạn chế.
Để có đủ điều kiện được cấp phép xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư kho chứa và hệ thống xay xát, song việc kinh doanh lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu được thực hiện qua trung gian, sản lượng thóc mua trực tiếp người dân rất ít nên việc đầu tư hệ thống máy xay xát theo kho chuyên dụng hiệu quả còn hạn chế.
Thêm đó, kết quả kiểm toán chỉ ra thực tế, năm 2011, Vinafood 2 bán USD cho các ngân hàng với tỷ giá cao hơn trần quy định của Ngân hàng nhà nước thông qua việc mua bán ngoại tệ thứ ba.
Cụ thể, Vinafood 2 bán 259,8 triệu USD cho các ngân hàng thương mại lấy 186,4 triệu EUR, đồng thời bán số EUR này cho Vietcombank lấy VND ngay tại thời điểm nhận để thu được khoản chênh lệch tương đương 189 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN