“Đại gia” Việt kiếm bộn từ kinh doanh hàng độc

Google News

(Kiến Thức) - Xuất phát từ ý tưởng độc đáo, nhiều "đại gia" Việt kiếm bộn tiền từ việc kinh doanh những mặt hàng lạ, hiếm.

Có những thứ tưởng chừng như không thể mang ra kinh doanh nhưng bằng đầu óc sáng tạo của những người thích buôn bán, nhiều sản phẩm đã ra mắt và chinh phục được thị trường.
Tro cốt của người quá cố những năm gần đây trở thành nguồn nguyên liệu để chế tác kim cương nhân tạo, được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Mới đây, ở Việt Nam, một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã gửi văn bản đến Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Cục hướng dẫn các thủ tục về hải quan để xuất khẩu tro hỏa táng của người quá cố và nhập khẩu mặt hàng kim cương nhân tạo được làm từ tro hỏa táng của người quá cố.
Chế tác kim cương nhân tạo từ tro cốt người quá cố. Ảnh minh họa: Internet.  
Theo quy trình mà công ty này đề xuất, công ty sẽ nhận tro hỏa táng từ khách hàng có yêu cầu, sau đó gửi tro qua công ty mẹ tại Thụy Sĩ để tổng hợp thành kim cương nhân tạo. Viên kim cương làm từ tro hỏa táng mang thương hiệu doanh nghiệp, sau đó được vận chuyển về Việt Nam để giao cho khách hàng.
Tại Thụy Sĩ, công ty Algordanza đã chế tác kim cương nhân tạo từ tro người chết từ năm 2008. Thị trường mà công ty này hướng đến là Nhật Bản nơi mà việc hỏa táng người chết khá phổ biến vì thiếu đất. Theo công ty này, với giá không quá 5.000 euro (7.488 USD), những đồ trang sức từ kim cương nhân tạo này không chỉ đơn thuần là vật tưởng nhớ người quá cố mà nó còn có chất lượng chẳng kém kim cương tự nhiên.
Tro cốt của người quá cố không chỉ được dùng để chế tác kim cương mà còn được chế tác thành hạt cườm. Công ty Bonhyang của Hàn Quốc đã nung tro cốt dưới nhiệt độ cao để nóng chảy và kết tinh thành những hạt cườm với giá 900 USD một lần nung.
Không chỉ tro cốt trở thành mặt hàng kinh doanh độc đáo mà bấy lâu ở Việt Nam, nghề kinh doanh tóc đã mang lại lợi nhuận lớn cho không chỉ một người mà hình thành cả một làng nghề. Nhờ kinh doanh tóc mà không ít người dân làng Thiệu Tổ, Vĩnh Phúc đã trở thành tỷ phú, sắm được xe hàng hiệu, xây được nhà 4 tầng.
Nhiều người trở thành đại gia nhờ kinh doanh tóc. Ảnh: Báo Đất Việt. 
Người dân làng Thiệu Tổ cũng không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Bốn, được mệnh danh là "đại gia làng tóc", người đi đầu trong phong trào kinh doanh tóc ở địa phương này. Theo lời kể của những người làng Thiệu Tổ, 10 năm trước, đại gia Bốn chỉ là một nông dân chân lấm tay bùn. Sau một vài lần giao dịch, thấy tiền "hoa hồng" được hưởng từ việc mua bán tóc quá ít so với chủ hàng, vợ chồng ông Bốn quyết vay ngân hàng 5 triệu đồng để bắt đầu kinh doanh loại hàng hóa này.
Khi có kinh nghiệm, việc kinh doanh mua bán không chỉ diễn ra quanh khu vực mà vợ chồng ông Bốn còn lên tận Đồng Đăng (Lạng Sơn), rồi vào miền Trung, miền Nam rồi sang cả Trung Quốc để "làm giá". Chỉ trong 5 năm hành nghề, vợ chồng ông Bốn đã đủ tiền xây biệt thự. Hiện tại, không chỉ có các thương lái Trung Quốc là khách hàng của vợ chồng ông Bốn mà còn có cả ở Pháp, Hồng Kông, Hàn Quốc... Nếu những năm 2000, giá mỗi kg tóc chỉ 300.000 đồng thì nay đã lên đến 5-6 triệu/kg. Chẳng thế mà, gia đình ông Bốn cứ "phất" lên từng ngày. Hình ảnh hiện tại của đại gia Bốn là comple sang trọng, tóc bóng mượt, đi xe sang và biệt thự tiền tỷ.
Không chỉ có làng Thiệu Tổ giàu lên về tóc, thôn Bình An, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh cũng trở thành thôn tỷ phú nhờ kinh doanh tóc và ngày càng xuất hiện nhiều đại gia tóc ở thôn này.
Cũng xuất phát từ những ý tưởng độc đáo, một vị "đại gia" ở TP.HCM đã thu bạc tỷ từ việc nuôi cá sấu lấy da để may đồ. Ý tưởng kinh doanh này khá phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam, người dám thực hiện nó không có nhiều.
 
Ông Trần Văn Nga cũng kiếm bạc tỷ từ kinh doanh da cá sấu. Ảnh: Báo Lao động. 
Ông Trần Văn Nga (thường gọi là Sáu Nga) chủ Công ty Tồn Phát (ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM) đang sở hữu một trang trại cá sấu rộng 7ha, chuyên cung cấp các sản phẩm từ da cá sấu cho các nhà thiết kế trong nước và xuất khẩu da cá sấu sang nước ngoài. Trong trang trại của ông Sáu Nga luôn có khoảng 2.000 con cá sấu bố mẹ và hơn 10.000 cá sấu con. chứng kiến. Hiện giờ, trung bình mỗi tháng, trang trại của ông Sáu Nga hóa kiếp 300 - 500 con sấu tầm 2-3 tuổi.
Nguyên là một giáo viên Anh Văn, ông Sáu Nga lại chuyển hướng sang kinh doanh cá sấu từ năm 1987. Công ty Tồn Phát được ông lập ra năm 2000 với mục đích bảo tồn và phát triển cá sấu. "Lăn lốc" với cá sấu gần 30 năm, từ việc ấp trứng sấu, nở thành con tới thuộc, nhuộm da, may sản phẩm, với ông Sáu Nga, khó nhất vẫn là công đoạn thuộc da. Giới nuôi sấu lấy da của TPHCM vẫn còn nhớ chuyện ông Sáu Nga bỏ tiền tỷ thuê thầy người Italia về truyền nghề thuộc da.
Hiện thời ông Sáu Nga đang rất bận rộn để làm ra những tấm da sấu thật chất lượng, chuẩn bị cho Hội chợ đồ da ở Italia năm 2014.
Một người Việt còn có ý tưởng kinh doanh độc đáo hơn khi xây dựng nghĩa trang cho chó mèo. Xuất phát từ việc chó cưng qua đời, ông Nguyễn Bảo Sinh (sinh năm 1940, ngụ phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nảy sinh ý tưởng xây dựng một nghĩa trang cho vật nuôi.
 Một góc nghĩa trang chó mèo. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.
 Chủ nhân của nghĩa trang chó mèo - ông Nguyễn Bảo Sinh. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.
Toàn bộ khu vực nghĩa trang của ông Sinh rộng chưa đầy 100 m2 nằm ở một góc vườn. Những ngôi mộ chó mèo được xếp bằng 4 viên đá ong, có cả bia mộ in hình con vật, trên đó ghi rõ tên, tuổi, năm sinh năm mất, chạy dọc theo bờ một hồ nước nhỏ. Đặt trước bia mộ là một bát hương với nhiều que hương đã cháy hết. Phía sau những ngôi mộ đá ong là khu vực bia mộ hỏa táng, có một bức tường xây ngăn nhiều kệ, trên đó đặt di ảnh chó mèo và bát hương. Số lượng khoảng vài trăm ngôi mộ.
Ngoài khu vực nghĩa trang dành cho chó mèo, trên khu đất rộng hơn 2.000 m2, ông còn cho xây dựng một "Vương quốc chó mèo", ban đầu chủ yếu phục vụ cho vật nuôi trong nhà. Sau này, ông Sinh mở rộng quy mô thành resort chó mèo, gồm tất cả những dịch vụ từ siêu thị, khách sạn, phòng khám y tế, phòng thẩm mỹ... thậm chí có phòng thơ cho chó mèo.
Với hình thức địa táng ở nghĩa trang độc này, chủ của vật cưng phải móc túi số tiền 7,5-8 triệu đồng, hỏa táng có phần nhẹ nhàng hơn, khoảng 3 triệu đồng. Có rất nhiều dịch vụ độc đáo ở nghĩa trang này mà nhiều người đã tìm đến để đặt nơi an nghỉ cho vật nuôi cưng của họ.
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)