Theo Cáo trạng, bầu Kiên cùng Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên “bị lừa” là Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát, do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100% vốn.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (Công ty đầu tư) cùng với Tập đoàn Hòa Phát góp vốn thành lập Công ty cổ phần thép Hòa Phát. Người điều hành Công ty cổ phần thép Hòa Phát là người của Tập đoàn Hòa Phát.
Tháng 5/2010, Công ty đầu tư thế chấp 22.497.000 cổ phần cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty đầu tư. Công ty đầu tư và Ngân hàng ACB thỏa thuận chọn Công ty chứng khoán ACB (ACBS) là đơn vị thay mặt Ngân hàng ACB quản lý tài sản bảo đảm, theo đó, ACBS có nghĩa vụ quản lý biến động giá của tài sản, quản lý sự dịch chuyển của tài sản, xử lý tài sản để thu hồi nợ theo quy định.
Sau khi các bên ký hợp đồng thế chấp, ngày 11/5/2010, ACBS cùng Công ty đầu tư có văn bản gửi Công ty cổ phần thép Hòa Phát thông báo về việc thế chấp, xác nhận số lượng cổ phiếu của Công ty đầu tư, đồng thời đề nghị Công ty cổ phần thép Hòa Phát phong tỏa số lượng cổ phiếu đã thế chấp, không sang tên chuyển quyền sở hữu cho người khác khi chưa có văn bản giải tỏa của ACBS.
Văn bản này đã được đại diện của Công ty cổ phần thép Hòa Phát xác nhận. Như vậy, Công ty cổ phần thép Hòa Phát biết rõ việc thế chấp cổ phiếu của Công ty đầu tư.
Sau đó, Tập đoàn Hòa Phát có ý định mua lại cổ phần của Công ty đầu tư trong Công ty cổ phần thép Hòa Phát. Để thực hiện việc chuyển nhượng, Công ty đầu tư có văn bản gửi Ngân hàng ACB đề nghị giải chấp 20.000.000 cổ phiếu đã thế chấp để đổi bằng tài sản bảo đảm khác.
Khi chưa được Ngân hàng ACB đồng ý, ngày 21/5/2012, Công ty đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng 20.000.000 cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Hợp đồng này được chính ông Trần Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Hòa Phát xác nhận để làm thủ tục sang tên cho bên mua. Ông Trần Tuấn Dương cũng là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Hòa Phát.
Điều đáng lưu ý là trước đó, Công ty cổ phần thép Hòa Phát đã nhận được thông báo về việc Công ty đầu tư đã thế chấp, đã xác nhận phong tỏa và đồng ý chỉ làm thủ tục sang tên cổ phiếu này khi có văn bản giải tỏa của ACBS. Nhưng khi chưa có văn bản giải tỏa của ACBS, thì Công ty cổ phần thép Hòa Phát vẫn xác nhận chuyển nhượng và làm thủ tục sang tên số cổ phiếu này.
Sau khi nhận được yêu cầu giải thích của ACBS, Công ty cổ phần thép Hòa Phát đã tạm dừng việc ghi nhận việc sang tên để cùng Công ty đầu tư làm lại các thủ tục để sang tên theo quy định.
Do Bên mua đã chuyển cho Công ty đầu tư 264 tỷ tiền chuyển nhượng cổ phần, do việc chuyển nhượng thực hiện khi cổ phiếu đang thế chấp. Bầu Kiên cùng 2 cá nhân bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Bầu Kiên tại tòa sáng 21/5/2014 (Ảnh: NQ/NLĐ). |
Sáng 20/5/2014, bầu Kiên nêu tại Tòa đồng ý cho các luật sư cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng các ý kiến của ông Kiên và luật sư về vụ việc. Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng, việc chuyển nhượng cổ phần khi đang thế chấp tại Ngân hàng ACB chỉ là sơ suất về thủ tục, đây là lỗi của cả hai bên, sơ suất này đã được khắc phục xong.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng không thể nói ông Kiên gian dối vì chính phía Công ty cổ phần thép Hòa Phát cũng biết việc thế chấp này, ông Trần Tuấn Dương là Chủ tịch Công ty cổ phần thép Hòa Phát đồng thời là Tổng Giám đốc tập đoàn Hòa Phát, một người không thể nói dối người khác về một sự việc mà họ đã biết.
Ngoài ra, luật sư Hùng cũng nêu thêm ý kiến của ông Kiên, ông Kiên không thể lừa Công ty Hòa Phát vì những người chủ Tập đoàn Hòa Phát là bạn thân của ông Kiên trong nhiều năm, đã và đang cùng kinh doanh nhiều dự án.
Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát cũng có văn bản xác nhận không bị thiệt hại bởi hành vi của ông Kiên, không đòi bồi thường. Trong giai đoạn điều tra, các văn bản yêu cầu, trình bày đều nêu đây là mối quan hệ giữa Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát và Công ty đầu tư, không phải quan hệ với cá nhân ông Kiên.