Theo các chuyên gia, vệ sinh thiết bị điện đúng cách không những giúp máy đạt công suất cao, tăng diện tích sử dụng mà còn tiết kiệm đến điện năng. Tuy nhiên, cần bảo dưỡng vệ sinh đúng cách để không gây hại cho máy, tránh tình trạng sau khi vệ sinh thiết bị bị cháy, hỏng.
Tiết kiệm 5 - 15% điện năng
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vệ sinh và bảo dưỡng các thiết bị điện là yếu tố cần thiết khi sử dụng, không chỉ với thiết bị công nghiệp mà kể cả dân dụng. Các tính toán cho thấy, nếu bảo dưỡng định kỳ, đúng cách giúp tiết kiệm 5 - 15% điện năng tùy theo thiết bị, kịp thời phát hiện các nguy cơ hỏng hóc, rò điện...
Cụ thể, đối với các loại quạt là quạt trần và quạt bàn, nếu lau sạch cánh, lồng bảo vệ sẽ làm tăng lưu lượng gió, dòng điện giảm, máy chạy nhẹ, ít tiêu tốn điện năng. Điều này nhiều người dễ nhận thấy đối với quạt bàn. Nếu để quạt bẩn, bám đầy bụi ở cánh và rào chắn bảo vệ gió sẽ không mát, quạt chạy ì, kêu. Nên vệ sinh quạt ít nhất 1 - 2 lần vào đầu và cuối mùa sử dụng. Khi không dùng cần bọc phía ngoài quạt để tránh bụi bẩn.
Đối với tủ lạnh, nhất là loại đông tuyết, nếu không xả băng diện tích tủ sẽ bị thu hẹp. Nhiều gia đình, do không biết nên để phần tuyết chiếm gần 1/2 diện tích tủ. Cũng do lớp tuyết này nên dòng điện quạt gió phải tăng cao, làm việc công suất lớn dẫn đến tiêu tốn nhiều điện năng. Tùy vào máy để có thời gian vệ sinh hợp lý. Kèm theo đó, cần vệ sinh ngăn mát tủ, tránh tình trạng thức ăn quá nhiều che khuất luồng gió, hở đệm cánh cửa.
|
Vệ sinh thiết bị điện đúng cách sẽ giúp tiết kiệm một nguồn điện năng không nhỏ.
|
Không cần tra dầu mỡ
Với điều hòa, nếu không vệ sinh thường xuyên những lớp bụi bẩn sẽ khiến máy lạnh yếu, thời gian làm lạnh lâu và hao tốn điện năng. Ngoài ra, vi khuẩn sống trong các lớp bụi bẩn, máng thoát nước sẽ phát triển, luân chuyển theo dòng khí gây ảnh hưởng sức khỏe như viêm đường hô hấp, cảm cúm... Khi vệ sinh điều hòa, màng lọc không khí thông thoáng giúp dòng khí mạnh và trong lành, tuổi thọ máy tăng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, khi vệ sinh các thiết bị điện cần cân nhắc cái nào mình tự làm được, cái nào cần thợ có tay nghề. Ví dụ, vệ sinh quạt có thể tự làm tại nhà nhưng điều hòa cần có thợ. Do điều hòa có các cánh mỏng, nếu dùng tay rất khó và lau. Trong khi các máy chuyên dùng có bình phun áp suất mạnh, thợ sửa chữa sẽ nhanh chóng thổi bụi cả dàn nóng lẫn dàn lạnh. Người dân chỉ nên vệ sinh màng lọc dàn lạnh bằng cách tháo ra lau rửa hằng tháng.
Bên cạnh đó, với các thiết bị điện đời mới thì người dân lưu ý không cần tra dầu mỡ như đời cũ. Nếu càng tra, máy càng bụi bẩn, hỏng hóc, chập cháy. Do trước đây các thiết bị sử dụng dầu mỡ không có khả năng chịu nhiệt, sau khi dùng nhanh bị khô. Còn hiện nay, các nhà sản xuất sử dụng mỡ bôi trơn chịu nhiệt, không bị khô dù sử dụng lâu ngày. Kèm theo đó, các vòng bi, bạc “ngậm” mỡ phía trong sẽ thôi ra khi xoay có tác dụng bôi trơn thường xuyên. Các thiết bị vì thế cũng được thiết kế kín, không dễ dàng mở ra.
“Bên cạnh khâu vệ sinh, đặt các thiết bị điện đúng vị trí như thoáng gió, khô ráo, bằng phẳng, ít bụi và khoảng cách phù hợp với tường sẽ giúp giảm nóng máy, tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ động cơ”.
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi