Thảo mộc diệt côn trùng không hiệu quả

Google News

(Kiến Thức) - Không ít gia đình mắc phải sai lầm trong việc diệt côn trùng khiến hiệu quả kém và nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ chực chờ.

Chỉ đuổi muỗi
Lo sợ việc dùng hóa chất, nhiều chị em bảo nhau dùng thảo mộc để tiêu diệt côn trùng, như gián, muỗi... Trên những trang mạng xã hội, các chị em dẫn một vài nghiên cứu cho thấy, muỗi không thích mùi rau bạc hà, mùi vỏ quýt, mùi hoa đinh hương, bồ kết. Vì thế, nhiều người đã cắt vỏ cam, vỏ bưởi để khô rồi bỏ vào túi lưới cho vào các góc nhà. Thậm chí có người còn đun lá bưởi, đun bồ kết, cây hương nhu để xua đuổi muỗi, gián, kiến... bay ra khỏi nhà. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng tinh dầu sả hoặc tinh dầu bạch đàn xanh pha loãng với nước để phun.
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Viện Sinh thái & Bảo vệ công trình cho biết, một số biện pháp truyền thống có hiệu quả trước đây như dùng vỏ bưởi, vỏ cam phơi khô cho vào góc nhà hoặc đun nước hương nhu, bồ kết để hương thơm xua đuổi côn trùng xâm hại gồm muỗi, gián, kiến... chỉ có tác dụng trong môi trường thông thoáng, với điều kiện vệ sinh tốt và mật độ quần thể nhỏ. 
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan làm cho các loại côn trùng này phát triển tính kháng thuốc, do vậy các biện pháp truyền thống ngày nay ít có hiệu quả. Những cách làm này có thể giúp mang lại hương thơm tự nhiên, dễ chịu cho không gian sống, nhưng chỉ cần lơ là để quên một vài ngày, gây nấm mốc thì chính là nguồn thu hút ruồi, muỗi, kiến... tìm đến. 
Không sử dụng thảo mộc, nhiều gia đình lại sử dụng hóa chất để xịt, phun nhưng không ít người bị cay mắt, chóng mặt bởi hơi xịt xộc lên mũi. Cũng để xử lý côn trùng, nhiều người phun thuốc, đóng kín cửa nhằm ủ thuốc rồi đi làm, khi về ngửi thấy bát đũa, xoong chảo không có mùi tưởng hóa chất đã bay hết nên không vệ sinh lại. 
Bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết, việc xử lý côn trùng trong gia đình bằng các loại bình xịt có thể áp dụng trong trường hợp phạm vi bị xâm hại nhỏ, mật độ quần thể côn trùng chưa cao. Cần lưu ý chọn những thương hiệu của các công ty có uy tín và tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Có một thực tế là bình xịt cầm tay, dạng bán cho hộ gia đình tự dùng, phần lớn không có hiệu quả đối với muỗi.
Nên sử dụng các loại thuốc chính hãng, có nhãn mác sẽ giảm được nguy cơ nhiễm độc không mong muốn. 
Xông hơi, ủ thuốc để tránh phơi nhiễm
Trên thị trường hiện có những sản phẩm thuốc diệt côn trùng dạng dung dịch đậm đặc, để người sử dụng mua về tự pha và phun theo hướng dẫn. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Yến, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đã đưa ra cảnh báo về những loại thuốc diệt côn trùng không rõ nguồn gốc: Tuyệt đối chỉ nên sử dụng các loại thuốc chính hãng, có nhãn mác đàng hoàng sẽ giảm được nguy cơ nhiễm độc không mong muốn. Khi phun thuốc cũng cần hết sức lưu ý cách bảo vệ như đeo găng tay, bịt khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Tốt nhất sau khi phun thuốc nên ra ngoài, đóng kín cửa để ủ thuốc, tránh hít phải mùi thuốc quá nhiều. 
Ở quy mô lớn hơn, bà Nguyễn Thúy Hiền cho hay, việc xử lý bằng biện pháp xông hơi, hoặc phun ủ thuốc trong một thời gian nhất định đã được áp dụng nhiều trong xử lý côn trùng và khá hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng biện pháp này tại các khu vực dân cư, trước khi xử lý cần sơ tán người, vật nuôi, dùng nilon bọc kín bát đũa, đồ dùng ăn uống để tránh việc phơi nhiễm thuốc. Sau thời gian ủ thuốc, đủ để diệt côn trùng, cần làm thoáng khu vực xử lý để giảm lượng thuốc tồn dư có thể ảnh hưởng đến con người.
Để phòng trừ côn trùng xâm hại, việc đầu tiên các gia đình nên thực hiện là giữ cho môi trường sống của mình sạch sẽ, hạn chế tạo ra những môi trường thuận lợi cho côn trùng cư trú, phát triển. Thường xuyên kiểm tra và làm sạch, kín các khu vực thông với bên ngoài như đường thoát nước của nhà vệ sinh, phòng tắm, tủ bếp, máy giặt, hộp ống kỹ thuật, tủ lạnh, nhà kho... 
GS.TS Bùi Công Hiển (Trung tâm Ứng dụng côn trùng học)
Huy Khánh

Bình luận(0)