Xây bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng: Xin đừng nghĩ “cho sang“

Google News

Điều mà người dân thấy thắc mắc là tại sao Bộ Xây dựng lại đưa ra tờ trình xây bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng trong thời điểm này?

- Sau khi đọc bài trò chuyện với KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phản ánh việc Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng số vốn lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, tôi thấy rất bức xúc.

Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đúng như KTS Nguyễn Trực Luyện đã chỉ ra, việc xây dựng bảo tàng như thế trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước đang khó khăn, thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát tăng cao khiến cho cuộc sống của rất nhiều người điêu đứng, nạn thiếu trường học, bệnh nhân chen lấn 3 - 4 người trên cùng một giường bệnh... không phải là một giải pháp thông minh.

Điều mà người dân thấy thắc mắc là tại sao Bộ Xây dựng lại đưa ra tờ trình trong thời điểm này? Phải chăng vì Bộ Xây dựng chỉ cần quan tâm tới ngành xây dựng, tới tiến độ công trình mà không hề biết tới sự khó khăn chung của cả xã hội? Phải chăng vì Bộ Xây dựng "sốt sắng" cho một công trình tầm cỡ quốc gia, qua đó thể hiện trách nhiệm của mình? Thiết nghĩ, người dân chúng tôi đều có quyền đặt câu hỏi về động cơ của việc đưa ra tờ trình này.

Bộ có biết rằng, người dân chúng tôi đang phải lo đối phó với tiền xăng tăng, kéo theo đó là tiền rau, tiền thịt, tiền gạo tăng? Chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng với số tiền mình làm ra để đảm bảo bữa cơm không đến nỗi chỉ toàn rau với đậu phụ. Chúng tôi cũng đang nơm nớp với nỗi lo đường ngập mỗi khi trời đổ mưa để xe không bị chết máy, không bị rơi vào hố ga mất nắp. Rất, rất nhiều mối lo ấy thì làm sao chúng tôi có thể nghĩ đến việc đi đến Bảo tàng hiện đại nhất nước để mà chiêm ngưỡng được?

Đồng ý rằng, không một công trình văn hóa nào là không tốn tiền. Và nếu như chúng ta không làm thì sẽ mãi mãi chẳng thể có được một thiết chế văn hóa như nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim. Nhưng những thiết chế văn hóa đó cần phải được tạo lập như thế nào, vào lúc nào thì rất cần phải tính toán cho hợp lý. Không thể chỉ vì "cho sang" mà chúng ta bỏ qua những khó khăn của người dân đang gặp phải được.

Nguyễn Xuân Diệu (Hà Nội)
[links()]

Bình luận(0)