PGS.TS. Văn Như Cương cho rằng ý kiến "Nhà nước "vờ" trả lương, giáo sư, tiến sĩ "vờ" làm việc" là đúng.
(Kienthuc.net.vn) - Trao đổi với Kienthuc.net.vn, PGS.TS. Văn Như Cương cho rằng ý kiến “nhà nước vờ trả lương, giáo sư, tiến sĩ vờ làm việc” là đúng. Ngay bản thân ông có bằng phó tiến sĩ trong tay còn phải viết thư cho bộ trưởng mới được tăng lương.
“Vấn đề là bằng tiến sĩ liệu có được tính vào lương không. Giờ tôi đã nghỉ hưu không biết bây giờ thế nào nhưng tôi nhớ trước đây sau khi làm luận án phó tiến sĩ tại Liên Xô (sau được công nhận tiến sĩ - PV), cầm bằng trong tay và đã trở lại làm việc rồi nhưng tôi không được tăng lương”, PGS. TS. Văn Như Cương cho biết.
|
"Cái bằng tiến sĩ không giúp gì cho lương tôi cả, thậm chí cũng không hơn gì so với các giáo viên dạy phổ thông" |
“Trong khi đó, bạn bè cùng khóa không có bằng tiến sĩ thì lại được tăng lương. Thậm chí một số bạn bè không có bằng tiến sĩ giảng dạy ở cấp III cũng được tăng lương trong khi đó tôi dạy ĐH thì không”.
“Sau đó tôi phải viết thư cho Bộ trưởng, hồi đó là ông Nguyễn Văn Huyên. Tôi trình bày tình hình và đề nghị được tăng lương như bạn cùng khóa. Nếu chỉ vì tấm bằng phó tiến sĩ mà không được tăng lương thì xin được trả lại. Sau bức thư đó một tháng thì tôi mới được tăng lương”.
“Đó tăng để lương tôi bằng với các bạn khác. Cái bằng tiến sĩ không giúp gì cho lương tôi cả, thậm chí cũng không hơn gì so với các giáo viên dạy phổ thông. Đó là thực tế. Lâu dần đến nay tôi cũng quên lương ấy căn cứ vào đâu. Tôi không còn để ý nữa”.
“Hồi đó khi đi tìm hiểu lí do tôi được biết tôi không được tăng lương giống như bạn bè là vì tôi… để râu”, PGS. TS. Văn Như Cương hóm hỉnh.
Khi so sánh lương của giáo sư, tiến sĩ với lương của những người làm lao động giản đơn hiện nay, PGS. TS. Văn Như Cương cho rằng: “Chúng ta phải thừa nhận là người ta trả lương không tính đến cống hiến, không tính đến công việc. Nếu chúng ta ra các công ty nước ngoài thì người ta chọn người đôi lúc chẳng cần bằng cấp và năng lực như thế nào và anh làm tốt đến đâu thì người ta trả lương đến đó. Trả lương như thế mới là đúng. Ngay cả giáo sư này với giáo sư kia có thể trả lương khác nhau. Ông nào làm công việc tốt, mang lại lợi ích nhiều thì phải được hưởng lương cao hơn”.
“Hiện chúng ta đang trả lương theo kiểu quân bình chủ nghĩa. Như thế là không ổn. Những người cống hiến nhiều thì phải được hưởng lương nhiều mới đúng”.
“Một người khách quen tình cờ có kể cho tôi nghe vợ ông ấy đang là giáo viên dạy hợp đồng với lương 1 triệu/tháng và đang “chạy” vào công chức để lên lương khoảng 2 triệu/tháng. Tôi cũng tâm sự thật với ông ấy rằng con tôi thuê người giúp việc là hơn 2 triệu/tháng. Những cái vô lý đó cho thấy hiện nay việc trả lương vô cùng bất cập, không khuyến khích người ta làm việc”.
Tôi không đồng ý với quan điểm các GS.TS phải “vận động” để tăng thu nhập. Đó là khuyến khích cho việc làm “chân trong, chân ngoài”. Nhà nước cứ trả lương đủ sống cho GS.TS đi thì họ sẽ cống hiến hết sức mình cho công việc.
“Còn viện lý do ngân sách thì đó là do quản lý nhà nước yếu kém. Chúng ta có cả một bộ máy cồng kềnh mà không hiệu quả. Tôi lấy ví dụ như quản lý giáo dục thì vừa có Bộ, vừa có Ban ăn lương chồng chéo”.
“Thời Pháp, phủ là cơ quan hành chính còn to hơn huyện ngày nay, họ chỉ cần một ông tuần phủ, một tiểu đội lính lệ, mấy người giúp việc… Cả một phủ chỉ có mấy chục người. Còn huyện của chúng ta hiện nay thì có: UBND huyện, Đảng ủy, các phòng chuyên môn… tính ra có đến vài trăm người. Bộ máy cồng kềnh không có chất lượng. Trả lương nhiều nhưng lương thấp”.
“Chúng ta lấy người vào cho đông chỉ để đạt mục tiêu không thất nghiệp. Nhưng đi làm mà lương không đủ sống thì cũng chính là thất nghiệp”.
“Có thể nói thêm rằng không chỉ các nhà khoa học, ngay cả các nhà quản lý, lương nhà nước không đủ trả thì họ sẽ kiếm tiền bằng các cách khác và như thế là thúc đẩy cho tiêu cực phát triển”, PGS. TS. Văn Như Cương nhấn mạnh.
Vũ Chương
[links()]