- “Đây là một hành động rất lố bịch, phản cảm của những người đề xuất sự kiện này. Họ chỉ muốn tạo ra phong trào để đạt được một thành tích gì đó, giả dụ như là kỷ lục Việt Nam chẳng hạn” - Ngô Quý Đức, người điều hành nhóm MyHanoi chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, am hiểu về văn hóa và dành cho Hà Nội một tình yêu đặc biệt, Ngô Quý Đức là người sáng lập và điều hành nhóm MyHanoi (Hà Nội của tôi) với mục đích nhằm quảng bá về văn hóa, lịch sử Hà Nội xưa và nay.
Trước thông tin ngày 7/10 dự kiến 20.000 - 30.000 người sẽ tham dự chương trình ca múa nhạc “Hãy cùng hát vang” để lập kỷ lục Việt Nam và hơn 300 tình nguyện viên lên sân khấu thể hiện điệu nhảy Gangnam đang gây sốt này, Ngô Quý Đức cho biết: “MyHanoi không ủng hộ và cũng không tham gia chương trình này”.
|
Xuất phát từ Hàn Quốc cách đây không lâu, điệu nhảy Gangnam Style mang ý nghĩa châm biếm, đả kích. (Ảnh: VNE). |
Anh Đức giải thích: Có hai điểm tôi muốn nhắc đến trước tiên: Một là về “Gangnam Style” và hai là bản sắc văn hóa của Hà Nội. Gangnam Style là gì? Gangnam Style là một clip nhạc của PSY đến từ Hàn Quốc, rồi sau đó tạo nên một trào lưu âm nhạc ảnh hưởng đến rất nhiều nước trên thế giới, trong đó không ngoại trừ Việt Nam.
Phân tích kỹ hơn về clip Gangnam Style thì ta thấy, Gangnam là một địa điểm nổi tiếng cho lối sống xa hoa, tiệc tùng, thể hiện rõ phong cách sống của giới thượng lưu ở Hàn Quốc; trong khi đó hành động và lời bài hát của PSY lại là một kiểu châm biếm, đả kích lối sống xa hoa này ở Gangnam. Đó chính là cái khiến clip Gangnam Style gây được tiếng vang lớn, và tạo cơn sốt ở nhiều nước trên thế giới.
Cũng theo anh Đức, với thông tin “Nhảy Gangnam Style kỷ niệm Giải phóng Thủ đô” thì e rằng rất nhiều bạn trẻ sẽ thấy thích thú, ủng hộ và cả đăng ký tham gia trong màn nhảy này, vì theo thông tin thì có đến 20.000 - 30.000 người sẽ cùng tham gia đồng diễn. Nhưng chắc chắn nhiều người trong số họ không am hiểu về việc mình đang làm. Bản chất của “Gangnam Style” chính là sự phê phán, đả kích của ca sĩ qua hành động của mình, qua lời bài hát đến lối sống xa hoa của tầng lớp thượng lưu ở thành phố Gangnam, Hàn Quốc, nó không mang ý nghĩa vinh danh hay ca ngợi gì hết.
“Nếu nghĩ sâu xa, chúng ta, các bạn trẻ sẽ nhảy điệu nhảy theo Gangnam Style ở thành phố Hà Nội… có khác nào các bạn phê phán, đả kích vào nơi thành phố mà các bạn đang sống không? Ở đây tôi không so sánh đến việc thủ đô Hà Nội của chúng ta có giống với Gangnam hay không nhưng với tôi, thì đây là một hành động rất lố bịch, phản cảm của những người đề xuất cái sự kiện này. Họ chỉ muốn tạo ra phong trào để đạt được một cái thành tích gì đó, giả dụ như kỷ lục Việt Nam chẳng hạn. Ngoài ra không cần biết hành động đó của họ nó có tác động như thế nào đến nền văn hóa của Hà Nội”, anh Đức cho biết thêm.
Ngoài ra, anh Đức cũng bày tỏ sự lo lắng: “Với sự kiện kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, liệu màn đồng diễn “Gangnam Style” này có đáng để chúng ta phải học theo, phải dập khuôn một cách phản văn hóa như vậy? Chả lẽ Hà Nội không có cái gì mang đặc trưng, mang bản sắc của mình để toàn dân, để giới trẻ cùng nhau đồng diễn hay sao? Chẳng lẽ tất cả đều bị “cơn lốc” có tên “Gangnam Style” cuốn trôi tất cả? Thật đáng buồn khi bản sắc văn hóa của Hà Nội lại đang bị làm biến dạng, thậm chí hủy hoại bởi chính những người “thủng phông văn hóa” trong thời buổi hiện nay”.
Trước đó, BTC chương trình "Hãy cùng hát vang" – chương trình ca múa nhạc kỉ niệm 58 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2012) đã công bố danh sách các sự kiện sẽ diễn ra. Và một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo teen là nhảy Flashmob theo giai điệu của bài hát "Gangnam Style" gây sốt, để lập kỉ lục với khoảng 20-30 nghìn người tham gia. |
Hoàng Sơn
[links()]