Thanh minh “tai tiếng” cho đào, mận và sầu riêng

Google News

(Kiến Thức) - Đào, mận và sầu riêng bị coi là những thứ quả cực nóng, thậm chí có hại cho người cơ địa yếu, bà bầu, sự thật tác dụng, tác hại của các loại quả này như thế nào?


Ảnh minh họa. 

Mang thai vẫn có thể ăn đào

TS Lê Thị Nhạn, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, theo Đông y, đào tính ấm, vị ngọt chua, đi vào kinh tâm, can phế và đại trường, có công hiệu bổ khí sinh tân, dưỡng huyết, hoạt huyết, rất tốt cho các bệnh tiêu hóa, người mắc đại tràng và dạ dày. Một quả đào chứa khoảng 2,5g chất xơ, chủ yếu là lượng chất xơ không hòa tan, có lợi cho sức khoẻ tim mạch, giúp nhu động ruột tốt, chống táo bón, ngăn ngừa ung thư đại tràng. Quả đào cũng đáp ứng 8% nhu cầu kali cơ thể cần cho một ngày nên tốt cho người bị viêm  loét dạ dày, giải độc cho thận, hạn chế các bệnh sỏi thận, sạn thận...

Mặt khác, quả đào chứa khoảng 15 - 20% nhu cầu vitamin C, chứa nhiều chất chống oxy hóa beta-carotene, có thể giúp chống lại các gốc tự do, nên có tác dụng phòng chống ung thư và giúp làm đẹp da cho chị em phụ nữ. Lượng calo ít so với các loại quả khác nên thích hợp cho những người béo.

Tuy nhiên, quả đào có thể gây các phản ứng dị ứng ở một số người.

Những triệu chứng này bao gồm hội chứng dị ứng miệng, mày đay khi  tiếp xúc như ngứa, các triệu chứng đường tiêu hóa và đường hô hấp như ho, viêm họng bởi chúng có lông, nên khi ăn phải chú ý rửa sạch, gọt vỏ để giảm các tác nhân trên. Song nó lại chứa hàm lượng amygdalin, emulsin, có tác dụng chữa chứng khó thở, ho ra đờm, tiêu ứ, là một trong những quả có hàm lượng sắt cao nhất, nên thích hợp cho những người kinh nguyệt không đều, rong kinh, người mệt mỏi. Bạn có thể dùng đào tươi gọt vỏ ăn, hoặc làm ô mai đào... Vì đây là quả có tính nóng, nên người hay bị rôm sảy, nhiệt, phụ nữ mang thai... cần hạn chế sử dụng.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết thêm, một số người nói phụ nữ mang thai ăn đào là con có thể bị câm, chậm nói, nhưng đây chỉ là tin đồn, không có tính khoa học. Thực chất đào rất tốt, hạt và quả còn là vị thuốc trong Đông y, giúp hành huyết, còn việc chậm nói hay nhanh còn phụ thuộc nhiều nguyên nhân như độ tuổi, môi trường, yếu tố gia đình...

Vải, sầu riêng không nóng

BS Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng cảm xạ địa sinh học, trường Đại học Hồng Bàng, TPHCM, cho biết, kinh nghiệm dân gian thường áp dụng lấy ngay các bộ phận của cây để hóa giải những đặc tính không có lợi của nó. Chẳng hạn, như sầu riêng vốn nóng, ăn nhiều sẽ bị vàng mắt.

Để hóa giải tính nóng và ăn được nhiều sầu riêng người ta đã lấy hột sầu riêng luộc ăn hết vàng mắt và có thể ăn được rất nhiều mà không nóng. 

 


Tương tự với vải, thực tế có người chỉ ăn vài ba trái đã  bị nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, nôn mửa... hoặc nóng bức, mọc mụn. Để ăn vải được nhiều và không bị nóng hoặc loại bỏ các triệu chứng trên, tốt nhất trước khi ăn lấy hột vải nhai và nhấp nước, sau đó ăn vải sẽ không sao (kinh nghiệm này đã được nhiều người thực hiện có kết quả). Bởi hạt vải (lệ chi hạnh), theo Đông y có vị ngọt chát, tính ôn.
P.Hằng

Bình luận(0)