“Mổ xẻ” sức mạnh Không quân Syria trước giờ G

Google News

(Kiến Thức) - Không quân Syria dù được đánh giá là lực lượng tinh nhuệ ở khu vực Trung Đông nhưng cũng đã chịu nhiều tổn thất lớn trong cuộc chiến với quân nổi dậy.

Lực lượng tinh nhuệ bậc nhất Trung Đông
Syria có lực lượng quân đội thuộc loại rất tinh nhuệ, trong đó lực lượng không quân được xếp vào hàng hùng hậu và có truyền thống nhất trong khu vực Trung Đông. Tính đến năm 2012, trong biên chế của Không quân Syria có khoảng 60.000 nhân viên phục vụ trong đó có khoảng 40.000 người là nhân viên thường trực.
Syria từ lâu đã là một đồng minh chủ chốt của Liên Xô trước kia cũng như Nga ngày nay ở khu vực Trung Đông, vì vậy từ trang thiết bị, khí tài đến học thuyết xây dựng lực lượng quân đội đều mang đậm ảnh hưởng của Moscow. Đương nhiên, Không quân Syria cũng không phải là ngoại lệ. Họ sở hữu một số lượng đáng kể các chiến đấu cơ, chủ yếu là các máy bay đánh chặn MiG-21, MiG-25, máy bay tấn công mặt đất MiG-23, Su-22, Su-24, các tiêm kích hiện đại MiG-29.
MiG-29 là tiêm kích hiện đại nhất trong Không quân Syria.
Trước cuộc nội chiến, số máy bay này được tổ chức thành nhiều phi đội mà nòng cốt là 20 phi đội đóng vai trò đánh chặn và 7 phi đội cường kích, cùng với đó là 4 phi đội vận tải được trang bị các máy bay An-24, An-26, IL-76, Tu-143 và các phi đội tác chiến điện tử, đào tạo.
Trong đó, lực lượng tiêm kích đánh chặn gồm: khoảng 200 chiếc MiG-21PF/MF/bis đóng tại Hamah, Khalkalah, Tabqa, Deir ez Sor, Jirah và Quasayr; 6 phi đội trang bị MiG-25PD tại Tivas, Tiyas, Shayrat và Dumayr; 3 phi đội MiG-23MF/MS/ML ở Shayrat, Dumayr, Marj Ruhayyil và Abu ad Duhor và đặc biệt là 3 phi đội gồm 40 tiêm kích đánh chặn hiện đại nhất Syria MiG-29A/UB đóng tại Sayqal.
Về lực lượng cường kích trang bị 60 máy bay cánh cụp cánh xòe Su-20/22 đóng ở Dumayr, Shayrat, Tivas. Có khoảng 2 phi đội cường kích được trang bị máy bay MiG-23BN tại An Nasiriya, một phi đội máy bay ném bom Su-24MK được triển khai tại Tivas.
Lực lượng trực thăng cũng rất hùng hậu, chủ chốt là các trực thăng tấn công Mi-24/25 tại Marj Ruhayyil, Es Suweidaya và trực thăng Mi-8/17 tại Tabqa, Nayrab-Aleppo, Marj As Sultan, Afis và căn cứ không quân Damascus được phân thành 7 phi đội vận tải chiến thuật kiêm tấn công và 5 phi đội tấn công. Chúng được dùng chủ yếu cho 2 nhiệm vụ là phối hợp hỗ trợ tấn công và tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là xe tăng, xe thiết giáp.
“Cơn ác mộng” với quân nổi dậy Syria
Khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ năm 2011, không quân chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ, không trực tiếp chiến đấu. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ cuối tháng 3/2012, cùng với sự leo thang của cuộc xung đột, quân nổi dậy lớn mạnh nhanh chóng nhờ sự trợ giúp đắc lực của các thế lực bên ngoài. Quân đội chính phủ bắt đầu phải huy động lực lượng không quân tham chiến.
Mở màn với các trực thăng Mi-8, Mi-17 trang bị súng máy và bắn rocket, rồi đến các “xe tăng bay” Mi-24/25 cũng được huy động chiến đấu và thả bom hàng không. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, đến tháng 7/2012, những chiến đấu cơ cánh cố định cũng đã tham gia , ban đầu là các loại máy bay huấn luyện L-39 mang bom, súng máy và cả tên lửa, nhanh chóng sau đó là lực lượng MiG-21, MiG-23 vốn có số lượng cực lớn trong không quân Syria, những máy bay tấn công mặt đất chuyên dụng hơn như Su-22, Su-24 cũng lần lượt đươc sử dụng.
Máy bay huấn luyện chiến đấu L-39 phóng rocket tấn công lực lượng nổi dậy Syria.
Với sự bổ sung này, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại thế thượng phong tại những điểm nóng mà Quân đội Syria tự do (FSA) đang chiếm giữ. Các chiến đấu cơ với khả năng cơ động, tầm chiến đấu xa, hỏa lực cực mạnh với sự chỉ dẫn của trung tâm tác chiến và lực lượng bộ binh đã giáng những đòn sấm sét xuống lực lượng đối lập. Chúng cũng cung cấp khả năng vận tải, liên lạc và tiếp ứng cực nhanh.
Không quân rõ ràng là điều mà FSA không thể có được. Họ bắt buộc phải dùng các phương pháp phi đối xứng để đối phó với các đợt oanh kích của chính phủ, nhưng trong thời gian đầu việc này không có hiệu quả. Quân nổi dậy liên tiếp thất bại và tâm lý hoảng sợ đã bắt đầu phổ biến.
Rõ ràng Lực lượng không quân Syria đã có một sự tiếp cận cuộc chiến rất thành công, điều đó khiến cho các quan chức quân đội tiếp tục tăng cường huy động các máy bay chiến đấu nhằm tới mục tiêu kết thúc nhanh chóng cuộc xung đột đẫm máu này.
Tổn hại lớn trước giờ G
Tuy nhiên, trong chiến tranh, mọi chuyện luôn không bao giờ dễ dàng. Sau một thời gian tham chiến, Không quân Syria bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đầu tiên là những vấn đề từ trong chính lực lượng này, những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Syria có sẵn một số lượng lớn máy bay nhưng rất nhiều trong số chúng là những máy bay được viện trợ bởi Liên Xô đã già cỗi, quá tuổi phục vụ.
Điển hình là MiG-21, một thiết kế huyền thoại từ những năm 1950 của Liên Xô. Thời hoàng kim, chúng là máy bay phản lực được ưa chuộng nhất thế giới, tuy nhiên do sự “gặm nhấm” của thời gian, chúng đã đươc cho nghỉ hưu ở nhiều nước. Nhưng, ở Syria hơn 200 MiG-21 vẫn tiếp tục phục vụ, chúng chính là loại máy bay có số lượng lớn nhất trong Quân đội Syria hiện tại, dù cho khoảng một nửa trong số đó đang ở tình trạng không sẵn sàng chiến đấu.
 Nhiều máy bay của Không quân Syria đều đã lỗi thời, lạc hậu và trong tình trạng kỹ thuật kém.
Ngoài ra còn có những tiêm kích thế hệ thứ 3 cũng bị đánh giá là gặp nhiều vấn đề do tuổi tác gồm MiG-23/25 gần 200 chiếc, cường kích Su-22/24 có khoảng 70 chiếc. Có 40 MiG-29 các biến thể, là loại chiến đấu cơ mạnh nhất của Syria và chúng còn tương đối mới. Và 70 máy bay phản lực huấn luyện L-39 lại là đội ngũ được đánh giá có được bảo trì tốt nhất, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.
Lực lượng trực thăng có nhiều nhất là khoảng 100 máy bay Mi-8/17. Gần 100 trực thăng chiến đấu, trong số đó khoảng 36 chiếc là Mi-24 (một vài biến thể chiến đấu của Mi-8 và AH-1) còn lại là các máy bay cũ kĩ như trực thăng trinh sát Gazelle của pháp hay Mi-2 của Balan, chúng chủ yếu được sử dụng làm phương tiện vận chuyển trên ko chứ ko thể gây ra nhiều thiệt hại.
Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ những biến cố lịch sử khá lâu về trước. Những năm 1970-1980, giữa Syria và Israel luôn xảy ra những cuộc chiến dai dẳng. Không quân của hai bên cũng được huy động và Syria thường chịu những tổn thất rất lớn. Đòi hỏi sau cuộc chiến phải có một khoản đầu tư khổng lồ để củng cố lại lực lượng không quân.
Nhưng từ những năm 1980, do kinh tế gặp nhiều khủng hoảng và nguồn viện trợ từ “anh cả” Liên Xô cũng ít dần, việc nâng cấp và hiện đại hóa không quân bắt đầu gặp khó khăn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, mọi chuyện càng thêm trầm trọng, Không quân Syria thiếu rất nhiều kỹ sư và phụ tùng, khí tài để duy trì ổn định lực lượng máy bay đã già nua và nhiều thương tật. Nhiều máy bay đã chấp nhận bị cho về hưu hoặc hoạt động ở trạng thái thiếu an toàn.
Trong điều kiện bị phương Tây cô lập, chính phủ Syria cũng đã nỗ lực thay máu cho không quân bằng cách mua về những máy bay mạnh hơn, hiện đại hơn từ Nga và một vài đối tác truyền thống, như những hợp đồng MiG-31, Su-27SK. Nhưng vì sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh, các hợp đồng này đều bị “treo lơ lửng”.
Và khi các máy bay được huy động sử dụng với tần suất lớn cho cuộc xung đột lần này, những thương tật trên người chúng được dịp tái phát trầm trọng. Nhiều máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp hoặc thậm trí bị rơi do các lỗi kỹ thuật.
Cũng giống như các máy bay, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chỉ huy tác chiến giành cho không quân đều không còn mới, một số bị xuống cấp trầm trọng.
Không ít phi công Syria đã lái máy bay chiến đấu bỏ chạy sang các nước láng giềng.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, Không quân Syria bộc lộ nhiều vấn đề về phi công trong thời chiến. Chỉ một số ít các cán bộ cũng như phi công Syria được chuẩn bị cho loại hình chiến tranh nay (ném bom tầm thấp và lái trực thăng chiến dưới làn lửa đạn).
Sức ép kết thúc cuộc chiến nhanh khiến trong thời gian vừa qua, người ta nhìn thấy cả những chiếc MiG-29 cũng thực hiện nhiệm vụ ném bom. Đây là những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Syria và đội ngũ phi công lái chúng được đào tạo để đối đầu với lực lượng máy bay phản lực của Israel không phải để ném bom. Tuy nhiên với các mục tiêu lớn như là ngôi làng hay khu vực thành phố thì lúc cần kíp họ vẫn được huy động.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn là thời gian huấn luyện định kì cho phi công, trong suốt thập kỉ qua Syria gần như không thể đảm bảo được điều này dù có nhận được sự giúp đỡ từ Iran, do thiếu thời gian thực hành nên phi công bị giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu. Như đã nói phi công MiG-29 không được dạy để ném bom và bây giờ họ được huấn luyện cấp tốc kỹ năng này ngay trên mặt đất, khiến trong lần dội bom đầu tiên, họ hoàn toàn không có kinh nghiệm. Thiếu thời gian huấn luyện cũng gây nên những tai nạn khi hạ cánh, có thế bị đối phương tấn công cũng như không xử lý tốt khi thiết bị hỏng hóc. Điều này thường dẫn dến đến việc phải vứt bỏ máy bay, không thể sửa chữa.
Nhiều phi công Syria cũng gặp các vấn đề về tâm lý khi họ không ủng hộ chế độ của ông Assad, bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tôn giáo, sắc tộc hay bị các lực lượng đối lập đe dọa, mua chuộc. Điển hình nhất là vụ Đại tá không quân Hassan Merei al-Hamade lái máy bay MiG-21bis từ căn cứ al-Dumair phía Đông Bắc thủ đô Damascus đào tẩu sang Jordan. Sau sự kiện chấn động này không phải là ít các vụ đào tẩu hay bỏ, đốt máy bay của phi công chính phủ đã xảy ra tiếp sau.
 Quân nổi dậy Syria sau này đã được tiếp nhận thêm tên lửa vác vai tầm thấp để đối phó với không quân chính phủ.
Về phần mình, sau một thời gian chỉ biết chịu trận trước các đợt oanh kích của quân đội chính phủ. Quân đội Syria tự do (FSA) đã có cách thức đối phó hiệu quả với máy bay chiến đấu. Điều đó có được là do các nhà quân sự phương Tây cũng ngay lập tức nhìn ra lợi thế lớn mà không quân mang lại cho chính phủ và có những hành động trợ giúp phe nổi dậy, cùng với sự giúp đỡ của những binh sĩ chính phủ đào thoát, mạng internet, đội quân hồi giáo cực đoan đã có kinh nghiệm tại Iraq, phát triển nhiều cách thức chống máy bay hiệu quả. Vì vậy, số lượng máy bay của Không quân Syria bị bắn hạ từ cuối tháng 8/2012 tăng lên vùn vụt, nhiều nhất là trực thăng Mi-8/Mi-17 và máy bay MiG-23.
Cùng với đó quân nổi dậy được trang bị vũ khí hạng nặng cũng liều lĩnh đánh chiếm những căn cứ quân sự, sân bay và phá hủy nhiều máy bay ngay trên mặt đất. Mới đây nhất ngày 15/8, một máy bay MiG đã bị FSA bắn hạ ngay gần căn cứ quân sự Khalkha.
Số lượng máy bay bị bắn hạ, mất và phá hủy tuy rất khó để có con số chính xác nhưng tính đến nay cũng trên con số 70 chiếc. Đây là một thiệt hại khủng khiếp tới sức mạnh của quân đội chính phủ Syria. Khi mà sắp tới đây, mà có lẽ chỉ vài ngày nữa họ lại phải đối đầu với lực lượng không quân hùng hậu, cực kỳ hiện đại của Mỹ, Anh, Pháp đang “rập rình” ngoài khơi Địa Trung Hải và các căn cứ ở trên đất liền nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Jordan.
 Trực thăng quân chính phủ nổ tung sau khi trúng đạn quân nổi dậy Syria.
Nếu so sánh tương quan sức mạnh trên không, có thể số lượng máy bay Mỹ, Phương Tây không lớn nhưng về chất lượng kỹ thuật và phi công thì vượt trội hoàn toàn so với lực lượng đã chịu nhiều tổn thất, máy bay trong tình trạng không tốt, phi công thiếu kinh nghiệm.
Không chỉ khó khăn khi phải đối đầu trên trời, các sân bay Không quân Syria nhiều khả năng sẽ là mục tiêu đầu tiên của tên lửa hành trình và bom liệng phóng ra từ chiến hạm và máy bay Mỹ.
”Hủy diệt hệ thống phòng không là không cần thiết. Cuộc tấn công hạn chế có mục đích là loại bỏ khả năng của lực lượng Không quân Syria và chỉ cần ba cuộc tấn công chính, thứ nhất là tập trung vào các cơ sở hạ tầng, tiếp theo là các máy bay của lực lượng không quân và cuộc tấn công thứ ba nhằm đảm bảo rằng, lực lượng Không quân Syria không thể phục hồi khả năng của nó”, trích dẫn báo cáo Nhà phân tích cấp cao của Học viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ Christopher Harmer.
Không còn lực lượng không quân hoặc bị tổn thất nặng nề, Quân đội của Tổng thống Assad có thể sẽ bị đánh bại bởi các lực lượng quân nổi dậy.
Anh Trần

Bình luận(0)