Top “quái vật” thế giới quân sự: Quán quân họ nhà pháo (1)

Google News

(Kiến Thức) - Trong nỗ lực nâng cao sức công phá và tầm bắn của pháo, con người đã tạo ra những "quái vật" trong làng vũ khí pháo binh.

Vũ khí mới, mạnh hơn, hiện đại hơn là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra ưu thế cho quân đội trên chiến trường. Vì thế, quân đội các nước luôn luôn cải tiến vũ khí, tạo ra những phương tiện chiến tranh lập các kỷ lục.

Kỳ 1: Quán quân trong họ nhà pháo

Pháo là một loại vũ khí đã có lịch sử lâu đời, trong  nỗ lực nâng cao sức công phá và tầm bắn của pháo, con người đã tạo ra những cỗ pháo có kỷ lục về trọng lượng, cỡ nòng.

Pháo bắn xa nhất

Pháo có tầm bắn xa nhất là khẩu Paris của Đức chế tạo trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Tầm bắn xa nhất của khẩu pháo này lên tới 120 km. Nó cũng đồng thời là khẩu pháo có nòng dài nhất với chiều dài lên đến 34 m. Khi khẩu pháo này dựng đứng nòng, nó sẽ cao hơn một toàn nhà 10 tầng.

Ngày 21/3/1918, quân Đức đã lần đầu tiên dùng khẩu pháo này trong trận vây hãm Paris. Đạn pháo đã bay xa 113km và rơi vào giữa thành phố Paris.
Đại pháo Paris di chuyển trên đường ray.


Trong lần đầu tiên sử dụng, người dân Paris đã tin rằng đối phương sử dụng một loại bom kiểu mới, được thả từ trên cao bởi họ không hề nghe thấy tiếng nổ đầu nòng của pháo do khoảng cách quá xa. Đầu đạn của khẩu Paris nặng 94kg, khi bắn, đầu đạn này được ném lên độ cao 40 km rồi rơi xuống. Đây là độ cao lớn nhất mà con người ném được lên trên không trong kỷ nguyên chưa xuất hiện tên lửa.

Tổng cộng quân Đức đã bắn hơn 300 quả đạn Paris Gun làm người Pháp thiệt mạng hơn 200 người và bị thương hơn 600 người. Tuy nhiên, tháng 8/1918, người Đức đã di chuyển khẩu pháo này về nước để tránh mối đe dọa từ quân Đồng Minh. Sau đó khẩu pháo không còn xuất hiện nữa.

Người ta tin rằng chính quân Đức đã phá hủy khẩu pháo cũng như các bản thiết kế để các nước khác không thể biết được bí mật chế tạo.

Khẩu pháo nặng nhất trong lịch sử

Khẩu Gustav do người Đức sản xuất trong chiến tranh thế giới thứ 2 là khẩu pháo nặng nhất từ trước tới nay.

Năm 1934, bộ chỉ huy tối cao Quân đội Đức đã yêu cầu Tập đoàn Krupp ở Essen phải thiết kế một khẩu pháo với sức công phá đủ xuyên qua được một bức tường bê tông dày 7m.

Tháng 3/1936, trong một chuyến thăm đến Essen, Hitler lại nhấn mạnh phải thực hiện bằng được kế hoạch chế tạo 1 khẩu pháo như yêu cầu của bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức. Đầu năm 1937, kế hoạch sản xuất siêu pháo cỡ nòng 800mm mang tên Schwerer Gustav Gun đã được các kỹ sư của Tập đoàn Krupp hoàn thành.
Đại pháo nặng nhất thế giới từng được chế tạo Gustav.


Mùa hè năm đó, quá trình sản xuất loại vũ khí hạng nặng này bắt đầu được tiến hành. Cuối năm 1939, Tập đoàn Krupp đã chế tạo được một mẫu siêu pháo và đem bắn thử thành công tại trường bắn Hillersleben. Đầu đạn nặng 7,1 tấn của nó có thể chọc thủng bê tông dày 7m và một bức tường thép dày 1m.

Với trọng lượng hơn 1.000 tấn, để vận hành khẩu pháo Gustav cần cả một ê kíp gồm 500 quân dưới sự chỉ huy của một sĩ quan cấp thiếu tướng. Khi hành tiến chiến đấu Schwerer Gustav Gun được đặt trên một bệ bắn khổng lồ gắn trên 4 xe goòng chạy bằng đường ray xe lửa. Mỗi chiếc xe gòng có 20 trục, tổng cộng có 80 trục và 160 bánh xe trên 4 xe goòng đặc biệt này.

Trong chiến tranh thế giới 2, quân Đức đã dùng Gustav trong nhiều trận đánh. Với uy lực ghê gớm, ít có lô cốt, pháo đài nào chống chọi được đạn pháo Gustav.

Điển hình như trong lần bắn phá vào White Cliff, một kho đạn nằm sâu 30m dưới mặt nước có lớp bê tông bảo vệ dày 10m nhưng chỉ sau 9 quả đạn từ Gustav, kho đạn đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Bên cạnh khẩu Gustav, người Đức còn sản xuất những biến thể khác tương tự trong đó có khẩu Dora (khẩu này đã tham gia tấn công Stalingrad). Tuy nhiên, cuối thế chiến thứ 2, cả hai khẩu này đều bị phá hủy. Khẩu Gustav bị quân Mỹ phá hủy còn khẩu Dora bị tháo rời để khởi rơi vào tay Hồng quân Liên Xô.

Pháo tự hành lớn nhất

Tháng 3/1936, người Đức bắt đầu thí nghiệm chế tạo một loại pháo tự hành cỡ lớn. Ban đầu họ có ý tưởng chế tạo một khẩu pháo được vận chuyển bằng xe và lắp ghép tại chỗ nhưng sau đó họ đổi hướng chuyển sang chế tạo pháo tự hành vào tháng 1/1937.

Các thử nghiệm về xe và pháo diễn ra trong năm 1938, 1939. Đến tháng 5/1940, mẫu pháo tự hành mang tên Karl đã được thử nghiệm thành công.
Pháo tự hành Karl khai hỏa.


Tổng cộng, người Đức đã chế tạo 7 cỗ pháo tự hành Karl. 6 khẩu đầu tiên được đặt biệt danh "Adam", "Eva", "Thor", "Odin", "Loki", và "ziu". Khẩu thứ 7 đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí nên không có tên.

Các khẩu Karl có cỡ nòng khổng lồ 600mm, nặng 124 tấn với 8 viên đạn pháo được đặt trên 2 xe bọc thép chở quân, mỗi viên đạn pháo nặng 2.200kg. Vì uy lực bắn kinh thiên động địa của nó nên nó còn được gọi là “lưỡi tầm sét”. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là tốc độ di chuyển chậm, tối đa chỉ được 10 km/h.

Pháo có uy lực nhất
Pháo phản lực phóng loạt M270 của Mỹ.


Trong chiến tranh vùng vịnh, Mỹ đã lần đầu sử dụng pháo phản lực 12 nòng kiểu M270. Nó có thể bắn 1 loạt 12 quả rocket trong 50 giây. Uy lực của 1 loạt bắn tương đương hỏa lực của 28 khẩu lựu pháo cỡ 323 mm cùng bắn 1 lúc.

Quả đạn rocket nặng tới 310kg, bên trong mỗi quả rocket này lại chứa 644 đầu đạn con để chống bộ binh và xe bọc thép. Tầm bắn của khẩu pháo này đạt đến 32 km. Diện tích sát thương của 1 loạt bắn lên đến 60.000 m2.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Vũ Đức

Bình luận(0)