Trung Quốc đã “nhái” tiêm kích J-11/15 như thế nào?(1)

Google News

(Kiến Thức) - Nguồn gốc của những chiếc tiêm kích J-11/15 hiện đại của Trung Quốc bắt nguồn từ những hợp đồng mua Su-27 từ Nga vào những năm 1990.

Đầu những năm 1990, trong khi trang bị không quân thế giới đã tiến những bước dài công nghệ thì Không quân Trung Quốc vẫn “dậm chân tại chỗ” với trang bị lạc hậu (gồm các chiến đấu cơ lỗi thời J-6, J-7, J-8). Đứng trước yêu cầu cấp bách cần phải những tiêm kích hiện đại hơn để đáp ứng tình hình mới. 

Tình hình thế giới lúc này, sau sự kiện Thiên An Môn 1989, mối quan hệ Trung – Mỹ và phương Tây bị “đóng băng”. Hơn thế, toàn bộ các hoạt động hợp tác quốc phòng Trung – Mỹ cũng bị đình trệ theo. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc xoay sang “chơi lại” với người anh em Liên Xô sau nhiều năm căng thẳng nhằm tìm kiếm công nghệ vũ khí tiên tiến.

Con đường Su-27 đến Trung Quốc

Ngày 17/9/1990, Không quân Trung Quốc đã cử đoàn quân sự thăm căn cứ không quân Kubinka, tại đây phía Liên Xô đã thực hiện chuyến bay biểu diễn quảng cáo tiêm kích MiG-29. Tuy nhiên, bán kích chiến đấu của MiG-29 là không thuyết phục đối với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, ngoại trừ việc giải quyết vấn đề Đài Loan. 

Với lý do đó, Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến máy bay chiến đấu Su-27, dù nó đắt tiền hơn nhưng lại có bán kính tác chiến lớn hơn. Ban đầu yêu cầu đó đã bị các nhà lãnh đạo Liên Xô từ chối, nhưng sau nhiều vòng đàm phán hợp đồng đã được ký kết. 

Tiêm kích Su-27SK của Không quân Trung Quốc.

Hai nước đã thỏa thuận về việc cung cấp 24 máy bay Su-27, bao gồm biến thể một chỗ ngồi và huấn luyện 2 chỗ ngồi. Hợp đồng này  được phía Trung Quốc định danh “dự án 906”, đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của dòng máy bay Su-27. Đầu tháng 2/1991, chuyến bay trình diễn tại sân bay Nanyuan ở Bắc Kinh đã đánh dấu sự hiện diện của Su-27 trên đất Trung Quốc. 

Lô hàng đầu tiên gồm 12 chiếc Su-27, trong đó có 8 chiếc là Su-27SK và 4 chiếc Su-27UBK đã bay trực tiếp từ Nga sang Trung Quốc qua không phận Mông Cổ vào cuối năm 1991. Cuối cùng, sau nhiều năm lực lượng không quân lạc hậu của Trung Quốc đã được tiếp nhận những chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu thế giới.

Đến ngày 8/11/1992, lô 12 chiếc còn lại cũng được giao cho phía Trung Quốc. Tiếp sau đó, 2 bên đã xúc tiến việc ký hợp đồng thứ 2 mua 24 chiếc Su-27SK. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị trì hoãn do 2 bên không thống nhất được hình thức thanh toán.

Đối với hợp đồng đầu tiên thì 70% giá trị được thanh toán theo hình thức hàng đổi hàng (Trung Quốc cung cấp lương thực, thực phẩm và các sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ). Phía Nga tính rằng hợp đồng máy bay tiếp theo phải được thanh toán bằng đồng USD. 

Vụ việc bế tắc mãi tới tháng 5/1995, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc Liu Huakinh sang thăm Nga và đồng ý yêu cầu của phía Nga nhưng với một điều kiện là Nga sẽ chuyển giao dây chuyền sản xuất máy bay Su-27 cho Trung Quốc. 

Biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27UBK.

Phía Nga nhanh chóng chấp thuận và một thỏa thuận cấp phép sản xuất máy bay Su-27 tại Trung Quốc đã được ký kết. Người Nga có lẽ không bao giờ nghĩ rằng, thỏa thuận cấp giấy phép của họ trở nên tai hại thế nào, khi chỉ vài năm sau Trung Quốc đã “sao chép” thành công Su-27 và tự lực sản xuất trong nước.

Hợp đồng thứ hai chuyển giao cho Trung Quốc vào tháng 2/1996 gồm 4 chiếc Su-27SK và 6 chiếc Su-27UBK, 14 chiếc Su-27SK còn lại của lô thứ hai được bàn giao vào tháng 7/1996. Tháng 12/1999, Trung Quốc ký thêm một hợp đồng với Nga cung cấp 28 chiếc Su-27UBK huấn luyện.

Tính năng Su-27SK

Định danh các biến thể Su-27SK của Trung Quốc, chữ S có nghĩa là “sản xuất”, còn chữ K là “thương mại”. Một trong những khác biệt cơ bản của biến thể xuất khẩu là trọng lượng cất cánh được tăng lên đến 33 tấn theo yêu cầu của phía Trung Quốc. 

Hệ thống điện tử trong mỗi đợt chuyển giao có sự khác biệt, 24 chiếc Su-27 đầu tiên được trang bị hệ thống điều khiển vũ khí SUV-27, hệ thống ngắm mục tiêu quang – điện OEPS-27 và radar N001E có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 70 km, cùng lúc có thể phát hiện 10 mục tiêu nhưng chỉ có thể tiêu diệt một mục tiêu. 

Trên những chiếc Su-27 sau này đã được lắp đặt radar N001P cho phép dẫn tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, những chiếc Su-27 cung cấp sau cùng đã được lắp đặt hệ thống dẫn đường tích hợp A737.

Su-27SK trang bị một pháo GSh-301 30mm (dự trữ đạn 150 viên) trong thân để không chiến tầm gần. Máy bay thiết kế với 10 giá treo trên cánh và thân mang 8 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, tên lửa tầm trung R-27, bom hàng không không điều khiển, rocket. 

Biên đội Su-27SK phóng rocket.

Trong nhiệm vụ đánh chặn, máy bay mang tối đa 4 tên lửa R-73 và 6 tên lửa R-27. Ngoài ra, máy bay có thể mang 2 tên lửa R-73, 6 tên lửa R-27 và 2 pod gây nhiễu điện tử chủ động SPS-171/L005 trong nhiệm vụ phòng không. 

Su-27SK thiết kế cho vai trò đánh chặn/chiếm ưu thế trên không nhưng khi cần có thể làm nhiệm vụ cường kích với vũ khí (bom, rocket) không điều khiển. 

Su-27 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F cho phép đạt tốc độ tối đa 2.500km (trần bay cao), tầm bay 3.530km, trần bay 18.500m. Đối với biến thể 2 chỗ ngồi Su-27UBK thì trần bay chỉ là 17.500km.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:

Hữu Ban

Bình luận(0)