Kén hình thành do bệnh ở gối
Cách đây 5 năm, bà Nguyễn Thị Nhàn (50 tuổi ở Hà Nội) thấy ở khoeo chân có một khối mềm lúc to, lúc nhỏ không gây đau đớn, đi khám bác sĩ cũng nói không sao nên bỏ qua. Gần đây, khối u to, gây đau, bỏng rát cẳng chân... khiến bà rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại. Đi khám chị được biết, bệnh của bà do tổn thương sụn khớp gây ra nên phải phẫu thuật. Sau nội soi 6 tháng bà khỏi bệnh.
TS Trần Trung Dũng, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, kén Baker hay u nang bao hoạt dịch khoeo là tình trạng thoát vị của bao hoạt dịch khớp gối ra khu sau khoeo chân, tình trạng này khá thường gặp ở những bệnh nhân trung niên. Nang này không bao giờ ung thư hoá, ít gây phiền toái khi còn nhỏ hoặc còn mềm nhưng khi có kích thước lớn, căng thì ảnh hưởng đến động tác gấp gối như ngồi xổm, đi cầu thang...
Đặc biệt, khi chèn ép vào mạch máu hay thần kinh gây ra những khó chịu phía dưới cẳng chân như kiến bò, rát bỏng ở cẳng chân. Khi vỡ gây sưng, đau, tràn dịch, có nguy cơ làm tắc các tĩnh mạch hoặc gây nên các tổn thương về cơ. Hơn nữa, kén Baker là hậu quả của các bệnh ở gối gồm: Thương tổn sụn khớp, sụn chêm, bao hoạt dịch hoặc sau những chấn thương...
|
Một ca phẫu thuật nội soi mở rộng đường thông điều trị u nang bao hoạt dịch khoeo khớp gối. |
Mở đường thông thương kén tự xẹp
Theo TS Trần Trung Dũng, trước đây, đa số các phẫu thuật kén Baker được thực hiện với đường mổ mở phía sau khoeo chân, phẫu tích cắt nang và khâu tạo hình bao khớp. Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật kén Baker là phải khâu được bao khớp, đảm bảo đóng kín luồng thông vào khớp nếu không sẽ thất bại ngay. Trong trường hợp không khâu được bao khớp, tỷ lệ thất bại có thể đến 90%. Mặc dù đóng được bao khớp, tỷ lệ thất bại vẫn có thể đến 20%, nguyên nhân là vì chất lượng bao khớp kém do tổn thương trên nền 1 khớp gối thoái hóa. Đặc biệt, mổ mở với đường mổ lớn, ở khu vực có nhiều mạch máu thần kinh nên có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, với những hiểu biết sâu và mới về cơ chế bệnh sinh đã gợi ra hướng điều trị can thiệp kén Baker qua nội soi khớp. Về cơ bản, ngay phía sau khoeo có 1 túi hoạt dịch nhỏ nằm giữa các cơ và có sự thông thương với khớp gối. Bình thường, túi hoạt dịch này có rất ít dịch, có vai trò chính như các túi hoạt dịch khác là làm giảm ma sát của chuyển động giữa các khối cơ.
Khi có tình trạng dịch trong khớp gối tràn vào túi hoạt dịch dẫn đến hình thành kén Baker. Nếu sự thông thương giữa túi hoạt dịch và khớp bình thường thì kén Baker nhỏ, mềm, có thể tự xẹp hoặc làm xẹp được, nhưng khi sự thông thương chỉ là 1 chiều từ khớp vào túi hoạt dịch ("hiệu ứng van") thì kén Baker sẽ to dần, căng và không thể làm xẹp được. Lúc này bắt đầu gây phiền toái cho người bệnh.
Phẫu thuật mổ mở kinh điển dựa trên nguyên lý phục hồi cấu trúc giải phẫu, đóng đường thông nhưng không giải quyết được tình trạng tăng tiết dịch, đặc biệt là khi có nguyên nhân cụ thể như rách sụn chêm, thoái hóa sụn... Mổ nội soi bằng cách mở rộng đường thông giúp kén Baker sẽ nhỏ dần, xẹp tự nhiên nhờ sự co bóp của các khối cơ, vừa giải quyết được nguyên nhân gây tăng tiết dịch khớp và giải quyết được "hiệu ứng van".
Kết quả cho thấy, tỷ lệ thành công rất cao, theo dõi sau 6 tháng, kích thước kén còn không đáng kể và không gây phiền toái cho bệnh nhân. Một trong những khó khăn của điều trị kén Baker bằng nội soi là đòi hỏi kỹ thuật của phẫu thuật viên rất cao. Bởi vì thao tác hoàn toàn ở khoang phía sau của lồi cầu trong xương đùi, phẫu trường hẹp, sâu, rất gần các cấu trúc mạch và thần kinh phía sau.