Bệnh, tật... tất cả từ miệng mà ra

Google News

Cúm A lăm le ngoài biên ải. Tiết canh “ăn mùng 1, đi viện mùng 5, tử vong mùng 10”. Và dù không muốn là người tiêu dùng thông thái cũng không xong nữa rồi.


Không thông thái cũng không xong nữa rồi. 
Mì tôm ăn vào liền sỏi thận. Ngay cả một đôi dép dưới chân cũng gây ngứa ngáy, tê bì, chuột rút. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta phải đối diện với tử thần. 
Chuyện thời sự là bàn tay bị hoại tử của một anh T nào đó. Hoại tử chỉ vì ăn tiết canh. Trong khi đó, thêm một vụ bắt giữ hàng tấn nội tạng động vật “bốc mùi”. Lại vẫn là chuyện lái xe không biết chủ hàng. Lại xử phạt kiểu “phủi bụi”. Và rất có thể, ngay ngày mai, người tài xế lại quay lại với những “chuyến xe tử thần”.
Có người nói đường đi của thực phẩm bẩn “muôn hình vạn trạng”, “phù phép siêu đẳng”, “biến hóa khôn lường”. Đúng là người tiêu dùng dù thông thái đến mấy cũng sẽ lạc vào mê cung thật giả lẫn lộn, nhưng thực phẩm bẩn, nhưng hàng hóa kém chất lượng được chở trên đường, bày bán công khai giữa thanh thiên bạch nhật chứ đâu phải là chuyện trên giời. Và rõ ràng, những vụ bắt giữ, phát hiện, còn hiếm hơn nhiều so với những nạn nhân tử vong.
Có thể tưởng tượng được không, 139 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra trong năm 2013 làm cho 4.700 người bị ngộ độc, trong đó 26 trường hợp tử vong.
Có lần, ai đó nói chúng ta phải trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Trong khi người tiêu dùng thông thái thì vỗ gối tự nhủ “Làm sao mắt có thể thay kính hiển vi”. Trách nhiệm là của Bộ Y tế chứ! Bộ Y tế tự nhủ: Để khỏi vào viện, vì ngộ độc chẳng hạn, thì đồ ăn, hàng hóa trên vỉa hè phải được Bộ Công thương chịu trách nhiệm chứ! Bộ Công thương nghĩ: Âu là tại anh Nông nghiệp. Rau quả thế, gà heo vậy. Bộ Nông nghiệp lại trỏ ngược sang Hải quan, sang Biên phòng: Con gà nó là cả một đám lông chứ có phải là một chiếc lông đâu mà bảo có thể dấu vào đâu đó để qua biên giới.
Bàn tay bị hoại tử vì… tiết canh cho chúng ta, những người không thông thái lắm, biết một sự thật là phải ráng chịu thôi. Hay nói cách khác, chẳng ai chịu trách nhiệm cho những thứ dân ngày ngày đang nuốt vào mồm. Cùng lắm là một lời phàn nàn cả một thế hệ đang bị đầu độc (nhưng ai bị đầu độc và xử lý chuyện đầu độc đó như nào thì không biết). Hay cùng lắm là kêu gọi đừng có ăn tiết canh. Bởi cơ quan quản lý còn phải lo những chuyện vĩ mô hơn. Hạn chế nhân vật hút thuốc trong… phim ảnh chẳng hạn.
Vậy thì làm thế nào để khỏi ăn Tết đón xuân trong bệnh viện?
Trồng cây trái không hóa chất, ăn “cho nó lành” như đại gia Lê Ân là một lựa chọn.
Còn nếu nhà không có điều kiện ư? Có lẽ có một lúc nào đó người dân sẽ được khuyên phải ăn chay thật.

Bình luận(0)