Thực hư lai lịch tàu sân bay thế hệ 3 của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Với kích thước lớn, hỏa lực mạnh và phạm vi hoạt động vươn xa tới gầu hết mọi vùng lãnh thổ, tổ hợp tác chiến tàu sân bay thực sự là cánh tay đắc lực cho bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành một cường quốc hải quân. 

Theo tờ Người lao động (Nga), Trung Quốc đang tiến hành đóng mới tàu sân bay thế hệ thứ 3 mới nhất. Nếu thông tin xác thực, đây sẽ là tàu sân bay thứ 2 nước này tự nghiên cứu đóng mới.
Mới đây, tờ Tuần báo tin tức của Mỹ cũng đưa tin về việc tàu sân bay thế hệ thứ hai, cũng là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc nghiên cứu đóng mới đã hoàn tất các công đoạn gia công tại xưởng đóng tàu Đại Liên. Hình ảnh công bố cho thấy, trên tàu không còn các cánh tay robot phục vụ việc gia công lắp ghép và hệ thống radar đã được lắp đặt xong. Theo suy đoán của các chuyên gia, chiếc tàu sân bay thế hệ thứ hai này sẽ được Bắc Kinh thử nghiệm vào ngày 23/4 tới, nhân kỷ niệm 69 năm thành lập của Hải Quân Trung Quốc. Điều này cho thấy, thông tin về đóng mới tàu sân bay thế hệ thứ 3 của nước này là hoàn toàn có cơ sở.
 Hình ảnh được cho là tàu sân bay thế hệ thứ 2 của Trung Quốc. Nguồn ảnh: QQ.
Những bức ảnh lan truyền trên các trang mạng mới đây cho thấy, một cấu trúc được cho là đài chỉ huy của tàu sân bay đang được hoàn thành. Dựa theo kết cấu nhỏ gọn của cấu trúc này, có thể suy đoán rằng đây là đài chỉ huy của tàu sân bay thế hệ thứ 3. Lý do là bởi, những bức ảnh thu thập được cho thấy cấu trúc này có kích thước còn nhỏ hơn cả chiếc USS Kitty Hawk CV-63 sử dụng động cơ diesel của Mỹ. Con số này ở tàu sân bay Liêu Ninh có nguồn gốc từ Liên Xô trước đây là 64m, ở tàu sân bay 001A (thế hệ thứ 2) do nước này tự nghiên được rút ngắn 10m, tương đương với USS Kitty Hawk CV-63.
Việc thu nhỏ kích thước đài chỉ huy không chỉ giúp giảm tiết diện tiếp xúc điện từ (có tác dụng chống nhiễu sóng), mà còn làm tăng diện tích mặt boong, mở rộng không gian hoạt động cho tàu. Đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến số lượng máy bay mang theo, cũng như tạo không gian cho hoạt động cất và hạ cánh của máy bay. Điều này cho thấy, tàu sân bay thế hệ thứ 3 của Trung Quốc có thiết kế cải thiện đáng kể khả năng tác chiến.
 Ảnh: Cấu trúc được cho là đài chỉ huy của tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc. Nguồn ảnh: popsci.com.
Trước đó, một số quan chức quân đội Trung Quốc cũng cho biết, việc đóng mới chiếc tàu sân bay thế hệ thứ 3, cũng là chiếc tàu sân bay thứ 2 do nước này tự nghiên cứu chế tạo, đã chính thức khởi công vào tháng 3 năm 2015 tại xưởng đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Tàu có thiết kế mặt boong phẳng và được trang bị hệ thống đẩy sử dụng kỹ thuật điện từ phục vụ việc cất và hạ cánh của máy bay. Thiết kế này được cho là nhằm loại bỏ những hạn chế trên tàu sân bay Liêu Ninh mang số hiệu 16, vốn sử dụng phương thức cất cánh dạng mũi hếch đã lỗi thời. Tuy nhiên, thay vì sử dụng công nghệ hạt nhân như các tàu sân bay tiên tiến của Mỹ và Nga, tàu sân bay thế hệ thứ 3 này của Trung Quốc vẫn chỉ sử dụng động cơ diesel thông thường.
Ảnh vệ tinh: Khu vực thử hệ thống trợ lực hỗ trợ cất, hạ cánh trên tàu sân bay. Nguồn ảnh: popsci.com.
Các số liệu cho thấy, tàu sân bay thế hệ thứ 3 của Trung Quốc có lượng giãn nước tiêu chuẩn 72.000 tấn, lượng giãn nước toàn tải 80.000 tấn, có thể mang theo tới 72 máy bay các loại, trong đó có 48 chiếc J-15.
Trước đó, một quan chức quân đội nước này cho hay, biến thể dạng đẩy mới của J-15 sử dụng trên tàu sân bay đã được thử nghiệm thành công. Thông tin cho thấy việc tàu sân bay thế hệ thứ 3 của Trung Quốc sử dụng công nghệ đẩy điện từ là hoàn toàn có cơ sở.
Tính đến nay, Liêu Ninh 16 là tàu sân bay duy nhất được biên chế chính thức của quân đội Trung Quốc. Chiếc thứ hai hạ thủy tháng 4 năm 2017, dự kiến sẽ được biên chế trước năm 2020.
Ảnh: Biến thể sử dụng trên tàu sân bay của J-15. Nguồn ảnh: News.cn
Tàu sân bay Liêu Ninh hạ thủy vào 25/9/2012, nhưng đến tận năm 2016, trên tàu mới xuất hiện 8 chiếc J-15. Tức là sau 4 năm hạ thủy, tàu Liêu Ninh mới có khả năng chiến đấu. Tuy nhiên, để thực sự sở hữu một tổ hợp chiến đấu tàu sân bay, không thể bỏ qua các công đoạn như: Thành lập biên đội tàu hộ vệ, tàu hậu cần, huấn luyện khả năng hiệp đồng tác chiến, huấn luyện phi công các kỹ thuật cất, hạ cánh trên tàu sân bay,... Những hoạt động gần đây của tàu Liêu Ninh cho thấy, Bắc Kinh đang tích cực tìm cách rút ngắn thời gian huấn luyện và tổ chức một biên đội tàu sân bay. Đây được coi là động thái nhằm chuẩn bị cho việc biên chế các tàu sân bay thế hệ tiếp theo của nước này.
Ngày 27/2 vừa qua, một số tài khoản chính thống trên trang Wechat và Webo (hai trang mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc) cũng đưa thông tin về việc ngành công nghiệp đóng tàu của nước này đã có những đột phá trong nghiên cứu chế tạo tàu sân bay sử dụng động cơ hạt nhân nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới những vùng viễn dương trước 2025. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ về sự tồn tại của tàu sân bay sử dụng động cơ hạt nhân với cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, động cơ sử dụng công nghệ hạt nhân là vấn đề kỹ thuật vô cùng phức tạp, việc Trung Quốc có thực sự nắm được công nghệ này hay chưa vẫn còn là một ẩn số.
Tham vọng sở hữu 3 hạm đội tàu sân bay cho thấy Bắc Kinh muốn chế áp các nước trong khu vực thông qua việc tăng cường sức mạnh của lực lượng Hải quân. Dù chưa thực sự tạo ấn tượng, nhưng việc liên tiếp hạ thủy nhiều tàu chiến cũng cho thấy Trung Quốc đang gấp rút đẩy mạnh xây dựng lực lượng Hải quân.
Một số nguồn tin cũng cho biết, trước thông tin Trung Quốc đóng mới tàu sân bay, quân đội Mỹ đã ký hợp đồng đóng mới cùng lúc 2 tàu sân bay USS Gerald R.Ford thế hệ mới với công ty đóng tàu Newport News Shipbuilding.

Mời độc giả xem video: Những hình ảnh hiếm hoi về hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (nguồn CCTV)

Đăng Lợi

>> xem thêm

Bình luận(0)