Hé mở nơi chế tạo sát thủ diệt tăng SPG-9T2 Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Nhà máy Z125 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã chế tạo thành công súng chống tăng SPG-9T2 với một loạt các cải tiến.

SPG-9 Kopye (ngọn giáo) là loại pháo nòng trơn không giật chống tăng 73mm do Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1962. Cùng với RPG-7, AK-47, SPG-9 là hỏa khí bộ binh cực kỳ thành công của Liên Xô, khi mà nó có mặt ở hàng chục quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam), tham chiến hầu hết các cuộc chiến cho tới tận ngày nay.
Clip kênh QPTV về quá trình chế tạo súng chống tăng SPG-9 ở Việt Nam:

Tại Việt Nam, súng chống tăng SPG-9 được sản xuất tại nhà máy Z125 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng dưới tên gọi SPG-9T2 với một số cải tiến phù hợp điều kiện tác chiến tại khu vực miền núi, điều kiện môi trường nóng ẩm, tác chiến bộ binh mang vác,...
Vừa qua tại trường bắn K3 - Quân khu 9, súng chống tăng SPG-9T2 được lắp đặt lên xe thiết giáp M-113 nâng cấp đã tiêu diệt thành công mục tiêu.
 Súng chống tăng SPG-9T2 lắp lên xe thiết giáp M113.
Việc chế tạo thành công súng chống tăng SPG-9T2 một lần nữa cho thấy trình độ nghiên cứu và chế tạo vũ khí của quân đội ta, giúp nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất, chế tạo vũ khí đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Tuy không tiết lộ tính năng tác chiến đánh địch của SPG-9T2, tuy nhiên khả năng cao là bên cạnh một số cải tiến để thích nghi với điều kiện ở Việt Nam thì SPG-9T2 vẫn giữ nguyên tính năng cũ.
Theo đó, SPG-9 có khả năng đạt tốc độ bắn 5-6 phát/phút (tùy kĩ thuật người nạp), tầm bắn hiệu quả khoảng 800m, tầm bắn xa nhất đạn 6,5km.
 SPG-9 của Quân đội Afghanistan khai hỏa.
Súng không giật SPG-9 sử dụng loại đạn nổ phá tiêu chuẩn OG-96 khối lượng là 5,5 kg, đạn chống tăng hiệu ứng nổ lõm PG-9B khối lượng 4,4 kg, đồng thời sử dụng các loại đạn huấn luyện phục vụ cho bắn tập chống xe tăng (có đầu nổ hoặc không có thuốc nổ) đạn tập và đạn huấn luyện khói khối lượng là 4,4 kg.
Trong đó, đạn chống tăng với động cơ đẩy phản lực được phóng ra khỏi nòng súng bằng liều phóng với vận tốc ban đầu là 435 m/s, trên đoạn đầu của quỹ đạo đường đạn SPG khởi động động cơ phản lực và tăng tốc lên đến 700 m/s. Đây là ưu điểm của loại đạn này nếu so với súng không giật 82mm B-10. Khi bắn, phía sau của súng tạo ra một khoảng nguy hiểm do lửa phản lực của liều phóng với bán kính 30m và góc mở 90°.
Hoàng Lê

Bình luận(0)