Bóng ma chạy đua hải quân ở châu Á

Google News

Nhà sử học hải quân Anh Geoffrey Till ở khoa Quốc phòng thuộc King's College London mới có bài bình luận về lực lượng hải quân tại những vùng tranh chấp chủ quyền tại Tây Thái Bình Dương.

Bài viết của ông Till được đăng trên tạp chí "Nhà ngoại giao" của Nhật. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều cơ quan báo chí và các chuyên gia lo ngại rằng một cuộc chạy đua hải quân đang thực sự hình thành và lo lắng về các hậu quả kéo theo. Lý do thật dễ hiểu.

Malaysia sở hữu các tàu ngầm Scorpene; Việt Nam với chương trình mua 6 tàu ngầm Kilo; chương trình phát triển hải quân chưa từng có của Ấn Độ; Trung Quốc với sự ra mắt của tàu sân bay Liêu Ninh và các siêu tên lửa diệt hạm. Bối cảnh hiện đại hóa hải quân trong khu vực không chỉ tạo ra sự gia tăng về số lượng khí tài mà còn cho thấy sự thay đổi cơ bản về năng lực phòng thủ cũng như tấn công của các lực lượng.

Điều này diễn ra trùng thời điểm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông. Thậm chí có thể cho rằng nó chính là hệ quả của các căng thẳng đó. Hiện cũng đang có sự tranh luận gay gắt giữa các nhà phân tích về sự tranh đua giữa chiến lược tác chiến hải-không của Mỹ với chiến lược chống can thiệp của Trung Quốc. Bức tranh hiện nay đang cho thấy sự giằng co quyết liệt giữa khả năng "tấn công" với "phòng thủ".

 Tàu ngầm Scorpene của Malaysia. Ảnh: Adritech.com.

Thực tế này liệu có phát triển thành một cuộc chạy đua vũ trang về hải quân giống như từng xảy ra giữa Anh và Đức trước Thế chiến I hay không? Và nếu đúng thế thì những hậu quả mà nó gây ra cho châu Á thái Bình dương là gì, nghiêm trọng đến mức nào?.

Có sự khác biệt rõ ràng giữa tình hình châu Á hiện nay với châu Âu trước Đại chiến I. Trừ một số ngoại lệ như Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ, các nước châu Á chỉ dành một tỷ lệ nhỏ trong ngân sách quốc gia cho quốc phòng, nếu so với Anh và Đức trước đây. Tốc độ hiện đại hóa khí tài hải quân hiện nay cũng chậm hơn so với một thế kỷ trước, và việc mua sắm vũ khí ngày nay không còn phải quá lệ thuộc vào tốc độ tiến bộ công nghệ như xưa. Thật khó để nghĩ rằng một phương tiện tương ứng hiện đại, ví dụ như tầu sân bay HMS Invincible với thương hiệu mới toanh và có tính cách mạng khi đưa vào hoạt động năm 1909 nhưng bị lỗi thời ngay khi nó bị đánh chìm tại trận Jutland bảy năm sau đó, tức vào năm 1916.

Ngày nay các nhà lãnh đạo, giới ngoại giao và thậm chí các thủy thủ cũng không dùng thuật ngữ chạy đua hay dẫn đầu về vũ trang nữa. Các chính trị gia thì hiếm khi nào đề cập đến tên của các đối thủ mà họ cần chạy đua. Còn ở châu Âu thời trước thế chiến, các nhà lãnh đạo không ngần ngại chỉ rõ các đối thủ và cảnh báo nguy cơ nếu bị tụt hậu về quốc phòng.

Châu Âu lúc đó cũng không có các loại hiệp định có tính cơ cấu bù đắp cho nhau, thu hút các quốc gia gắn kết nhau hơn là chia rẽ các nước. Cho dù "cách thức châu Á" có những hạn chế, sự gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và các cấu trúc khu vực xuyên quốc gia như ASEAN đã kiềm chế việc vi phạm cạnh tranh. Các cơ chế này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các lực lượng hải quân khu vực chống lại các mối đe dọa chung như tội phạm hàng hải núp dưới các hình thức khác nhau (hải tặc, ma túy, buôn bán người…), tổ chức nhiều cuộc tập trận song phương và đa phương và cùng nhau tiến hành đối phó với các thảm họa nhân đạo và dân sự (hoạt động cứu trợ sóng thần năm 2004). Mặc dù các lực lượng hải quân của châu Âu cũng có những hành động gắn kết với nhau trước Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng không bao giờ trở thành thường xuyên như những gì đang diễn ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điều này không có ý nói rằng tất cả mọi thứ trong khu vườn hải quân đều màu hồng vì sự thật chắc chắn không phải như vậy. Bất kỳ ngày nào tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng có thể dễ dàng gây ra một sự cố có nguy cơ biến cạnh tranh nhẹ thành một cuộc khủng hoảng quốc tế toàn diện trên biển. Tất cả các nước hiện lần đầu tiên đầu tư vào tàu ngầm - một thứ khí tài khó khăn về kỹ thuật và đòi hỏi cao về kỷ luật. Tất cả quốc gia đó đều có thể trở thành nạn nhân của một tai nạn. Những giàn khoan thăm dò dầu mọc lên như nấm xung quanh vùng biển Hoa Đông và Biển Đông sớm hay muộn cũng có khả năng trở thành hiện trường của một thảm họa hàng hải, nếu so với các sự kiện ở những nơi yên ả khác trên thế giới.

 Chiến hạm Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông vào mùa hè năm 2012. Ảnh minh họa: Xinhua.

Bất kỳ một sự cố nào trong số này xảy ra có thể sẽ rất khó xử lý tại các khu vực biển đang có tranh chấp về chủ quyền và tình cảm dân tộc chủ nghĩa gia tăng. Và thật đáng buồn, tình hình này đang là thực tế trên một vùng biển rộng lớn ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Nhìn tổng thể thì những gì đang diễn ra ở đây chưa phải là một cuộc chạy đua về hải quân, tính đến lúc này. Nhưng cũng không loại trừ khả năng cái mà người ta đang gọi là tiến trình hiện đại hóa hải quân trong khu vực sẽ biến thành một cuộc chạy đua vũ trang.

Có một số yếu tố sẽ biến khả năng này thành hiện thực. Thứ nhất là sự thiếu minh bạch về quy mô các chương trình mua sắm vũ khí khí tài hải quân cũng như kế hoạch sử dụng chúng. Điều này khiến các nhà hoạch định tác chiến luôn phải mường tượng ra viễn cảnh xấu nhất. Thiếu minh bạch cũng gây khó khăn cho sự hoạt động của các cơ chế kiểm soát vũ khí. Trên thực tế, sau 10 năm ký kết mà Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông chưa thực thi được. Tương tự với nó là sự đình trệ trong hoạt động của các đường dây nóng giải quyết sự cố trên biển.

Thứ hai, sự phát triển ngày càng mạnh của mạng xã hội và các "công dân mạng", những thứ vốn sẵn sàng hà hơi tiếp sức thổi bùng tình cảm dân tộc chủ nghĩa như từng xảy ra sau các sự cố trên Biển Đông và Hoa Đông trong các năm qua. Xu hướng này khiến các chính phủ gặp khó trong việc kiểm soát vấn đề, tránh căng thẳng gia tăng hoặc bùng nổ.

Tình hình hiện tại ở châu Á chưa đến mức chạy đua hải quân như châu Âu cách đây 100 năm. Nhưng cũng sẽ là quá dũng cảm nếu nói rằng sẽ không có nguy cơ chạy đua ấy, bởi nếu nhìn vào kịch bản như xung đột ở Scarbourough/Hoàng Nham hay những cao trào biểu tình ở Trung Quốc do tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku năm ngoái, hay vụ đâm tàu Trung - Nhật năm 2010. Vì thế, các nhà lãnh đạo cũng như từng thủy thủ của châu Á nên được cảnh báo liên tục, rằng công cuộc hiện đại hóa hải quân với ý nghĩa tốt đẹp của nó cũng có thể bị biến thành một cuộc đua vũ trang nay mai. Và trong tình huống đó, điều không ai muốn - thế mạnh quân sự áp đảo thế mạnh chính trị - sẽ diễn ra.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Vnexpress

Bình luận(0)