Trong lịch sử dịch sởi, từ những năm 1878, những bộ lạc người Mỹ bản địa đã trở thành nạn nhân của dịch sởi, điển hình là tộc người Yuma sống dọc bên bờ sông Gila phía Nam Arizona. Không lâu sau đó, chỉ riêng năm 1916, dịch sởi bùng phát mạnh trên toàn nước Mỹ và giết chết 12.000 người trong đó có tới 75% là trẻ em dưới 5 tuổi.
Hơn 35 năm sau đó, dịch sởi đã tấn công tới tận đảo Greenland, Đan Mạch. Dịch bệnh khủng khiếp tới nỗi 99,9% người dân ở đây lên sởi. Trong số 4.262 cư dân, chỉ có duy nhất 5 người trên đảo thoát khỏi căn bệnh này.
|
Dịch sởi từng bùng phát nhiều lần trong lịch sử. |
Dịch sởi diễn biến phức tạp trong một khoảng thời gian khá dài đến thế kỷ 21, thời kỳ của khoa học kĩ thuật phát triển, vắc xin ngừa bệnh sởi đã ra đời từ rất lâu, bênh sởi được coi là đã được khống chế thì dịch sởi vẫn nhiều lần bùng phát trở lại.
Dịch sởi năm 2008 tại Israel
Khoảng 1000 ca nhiễm bệnh sởi được thống kê ở Israel giữa tháng 8/2007 đến tháng 5/2008, trái ngược so với con số vài chục bệnh nhân năm trước đó. Nhiều trẻ em trong cộng đồng người Do Thái Chính thống đã bị nhiễm bệnh nặng do tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Dịch sởi năm 2007 và 2011 tại Canada
Vào mùa xuân và mùa hè năm 2007, phía Nam tỉnh Quebec đã chứng kiến sự bùng phát bệnh sởi, tổng số bệnh nhân là 94 người. Các ổ dịch kéo dài 25 tuần với nhiều chủng vi rút sởi và có 12-17 thế hệ lây lan.
Đặc biệt, trong năm 2011, Quebec trải qua dịch sởi lớn nhất tại châu Mỹ kể từ năm 2002. Dịch bệnh bùng phát vào ngày 8/1, sau khi dịch bùng phát ngành Y Canada phải tung ra một chiến dịch tiêm phòng đại trà và đến tận ngày 22/12 mới kiểm soát được dịch sởi. Tổng số 776 trường hợp nhiễm sởi, 615 trường hợp không được tiêm phòng, trong đó có 29 trẻ sơ sinh còn quá nhỏ.
Dịch sởi ở Việt Nam, Philippines năm 2009 - 2010.
Tháng 2 năm 2009, 505 trường hợp bị bệnh sởi đã được phát hiện tại 12 tỉnh miền bắc Việt Nam, với 160 trường hợp nhiễm bệnh sởi ở Hà Nội. Bệnh nhân bị biến chứng với tỉ lệ cao, bao gồm viêm màng não và viêm não, khiến Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo tất cả các du khách trở về từ Việt Nam được tiêm phòng bệnh sởi.
|
Không tiêm chủng vắc xin phòng sởi là nguyên nhân làm dịch sởi bùng phát mạnh. |
Vào đầu năm 2010, một đợt bùng phát dịch sở nghiêm trọng tại Philippines khiến 742 người nhiễm bệnh, trong đó có 4 trẻ em tử vong do không được tiêm chủng ngừa tại thủ đô Manila.
Dịch sởi tại Pháp năm 2011.
Năm 2011, Pháp trải qua một đợt bùng phát dịch sở trên diện rộng do nhiều trẻ em không được tiêm phòng dịch. Theo thống kê do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 21/4/2011, tại Pháp đã ghi nhận 4.937 trường hợp mắc sởi trong ba tháng đầu năm 2011, một con số quá lớn nếu so với 5.090 trường hợp trong cả năm 2010.
Những đại dịch sởi Châu Âu.
Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận trên 26.000 trường hợp bệnh sởi tại 36 quốc gia châu Âu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2011, với 83% xảy ra ở Tây Âu với 9 trường hợp tử vong và 7.288 ca nhập viện.
Tại Bulgaria, dịch sởi bùng phát mạnh nhất. Bà Martin cho biết: “Đã có 1 ổ dịch lớn vào đầu tháng Tư năm 2009 và kéo dài tới năm 2010 với hơn 24.000 trường hợp mắc bệnh và 24 người chết tại Bulgaria”.
Các quan chức y tế Anh cũng xác nhận có 53 trường hợp mắc sởi trong những tháng đầu năm 2011 và một vài trường hợp là do đi du lịch tới các nước có dịch sởi.
Dịch sởi bùng phát ở Châu Phi từ 2011- 2013.
Cộng hòa dân chủ Congo xuất hiện dịch sởi lớn nhất trong 2013 kể từ trước đến nay. Cộng hòa dân chủ Congo đứng đầu danh sách dịch sởi năm 2011 với hơn 134.000 trường hợp và năm 2012 với gần 74.000 trường hợp. Những trường hợp này có thể chỉ đại diện ít hơn 1/10 số ca thực tế. Năm 2013, Bộ Y tế báo cáo 54.000 ca bệnh và gần 800 trường hợp tử vong.
|
Bệnh nhi nhiễm sởi ở Châu Phi. |
Nigeria cũng đối mặt với dịch sởi trên quy mô lớn toàn quốc với gần 29.000 trường hợp tập trung vùng Tây Bắc nhưng lan rộng tất cả các bang của Nigeria.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia Châu Phi khác cũng có dịch sởi lớn bao gồm Angola, Benin, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Congo, Ethiopia, Gabon, Kenya, Mali, Sudan, Togo and Uganda.
Dịch sởi bùng phát tại Mỹ nhiều lần.
Dịch sởi từng xảy ra tại Mỹ trong thời gian từ 1989-1991, trong đó có hơn 55.000 trường hợp nhiễm sởi và 123 người đã tử vong.
Trong giai đoạn 2001-2011, nước Mỹ ghi nhận tổng số 911 ca mắc sởi, trung bình chưa tới tỷ lệ 1/1 triệu người dân.
Sau gần một thập kỷ gần như loại bỏ hoàn toàn căn bệnh sởi nhờ vào chương trình tiêm chủng diện rộng ở trẻ em thì vào năm 2013. Nước Mỹ bất ngờ chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh này với 174 trường hợp nhiễm bệnh, gấp ba lần mức trung bình 60 ca/năm trong vòng 10 năm.
Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ Tom Frieden khẳng định 90% các ca nhiễm bệnh tại Mỹ xuất phát từ việc không tiêm chủng.