Công nghệ giữa Trường Sa
Dự án "Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa" của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau tại đây cũng như các huyện đảo khác nếu được áp dụng rộng rãi. Kết quả thử nghiệm tại đảo Song Tử Tây trên 10m2 cho thu hoạch từ 30 - 35 kg rau mỗi tháng.
Công nghệ áp dụng tại các đảo này là hệ thống nhà kính vòm lưới che chắn để trồng rau. Nhà kính có tác dụng rất tốt trong việc che chắn mưa và hơi muối mặn, đặc biệt giúp cho cây rau thời kỳ mới mọc mầm sinh trưởng tốt vì không bị gió mạnh làm làm khô lớp đất mặt dẫn đến chết cây hoặc mưa dập làm cây chậm lớn như bên ngoài nhà kính.
TS Nguyễn Thành An, dự án sản xuất thử nghiệm cho biết, năng suất các loại rau thường cao hơn trồng bên ngoài 15 - 20%. Các loại rau đưa vào sản xuất cũng phong phú và đa dạng hơn, gồm rau muống, cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau dền, húng quế, bầu đất, rau sam, ớt cay... đều là những loại rau dễ sống, dễ trồng, chăm sóc và phù hợp với bữa ăn hằng ngày. Khi trồng song song rau trong nhà kính và rau bên ngoài thì năng suất, chất lượng rau trong nhà kính cao hơn hẳn.
Thiết kế hệ thống nhà kính có hệ thống tưới phun và lưới giảm nhiệt, bên trong là các bồn trồng rau, bờ chắn, lót đáy và đổ đất. Kết hợp với xơ dừa, phân sinh học giúp duy trì độ ẩm cho cây. Với hệ thống nhà kính được làm chắc chắn, có thể trồng được cả cây ăn trái hay một số cây có kích thước lớn như mít, trồng tre lấy măng. Năm 2013, từ nhà kính tại Trường Sa Lớn, bộ đội đã trồng được 10 lứa rau, sản lượng đạt 5.615kg. Tại Song Tử Tây sản xuất trung bình 25 ngày/lứa, mỗi lứa thu hoạch trên 420kg rau xanh các loại. Ngoài 2 đảo nổi, dự án còn triển khai tại các đảo chìm Đá Nam, Đá Lát, Cô Lin, Len Đao...
|
Ảnh minh họa. |
Kiểm soát hoạt động của cây
ThS Ngô Xuân Chinh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết, nhà kính phù hợp với yêu cầu để phát triển nông nghiệp bền vững, cho phép kiểm soát đầy đủ và chặt chẽ hầu hết các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, khí carbonic, oxy... kể cả việc sử dụng tối ưu đất canh tác để đáp ứng cho sự sinh trưởng, phát triển tốt nhất của cây trồng và kiểm soát được sâu bệnh hại để đạt sản lượng cao nhất. Đây là lý do để trồng rau trong nhà kính đạt sản lượng cao hơn nhiều so với rau trồng bên ngoài. Hạn chế duy nhất là kinh phí đầu tư lớn, một nhà kính khoảng trên 1.000m2 thì phải đầu tư hàng tỷ đồng.
Nhà kính có thể tự động điều chỉnh độ ẩm bên trong. Khi nhiệt độ lên cao thì hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự động bật lên để làm mát. Lúc này hệ thống quạt đối lưu sẽ tự kích hoạt để làm giảm bớt độ ẩm. Trường hợp thời tiết bất thường như trời quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra và khi có mưa, mái sẽ tự động di chuyển để kéo mái không cho mưa vào bên trong nhà kính.
Ngay cả việc pha chế độ dinh dưỡng, bón phân như thế nào, loại nào, hàm lượng bao nhiêu cũng có thể điều khiển tự động thông qua máy tính... Có loại nhà kính được thiết kế như hệ thống nhà kính này được xem như một trạm khí tượng mini. Có thể kiểm soát môi trường trong nhà kính và cả nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió... ở ngoài.
Việt Nam hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất được hệ thống nhà kính này nên phải nhập khẩu, cùng với chịu thuế, chính điều này đã làm mức đầu tư tăng cao. Thêm vào đó, nhà kính được thiết kế cho một diện tích gieo trồng 50ha nên khó áp dụng cho những nhà nông có diện tích gieo trồng nhỏ. Đây là hạn chế với các hộ dân sinh sống trên đảo muốn đầu tư hệ thống trồng rau này.
Các chuyên gia cho biết, việc đầu tư hệ thống trồng rau trong nhà kính ở Trường Sa là một bước ứng dụng công nghệ hữu ích, có thể nhân rộng ra các đảo khác đảm bảo rau xanh ăn quanh năm cho người dân và chiến sĩ trên đảo.