1. Là cổng thành chính của Hoàng thành Huế, Ngọ Môn là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong trong quần thể Di sản thế giới Cố đô Huế. Công trình được xây năm 1833, khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành.Tên gọi Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ (hướng Nam), hướng dành cho bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” theo quan niệm xưa. Phần dưới Ngọ Môn có bình diện hình chữ U vuông góc, trổ 5 lối đi.Lối chính giữa Ngọ Môn chỉ dành cho vua, các lối kia dành cho cận thần, binh lính, voi ngựa... Bên trên Ngọ Môn có lầu Ngũ Phụng là nơi vua ngự khi có các lễ nghi của triều đình.Ngọ Môn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Tại nơi đây vào ngày 30//8/1945, vua Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị và trao chính quyền lại cho chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.2. Gắn liền với chùa Thiên Mụ, tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng của Cố đô Huế kể từ thời nhà Nguyễn đến nay. Theo sử sách, tháp được xây dựng ở phía trước chùa Thiên Mụ vào năm 1844, nhân ngày lễ bát tuần của Thái Hoàng Thái Hậu Nhân Tuyên Tử Khánh.Về mặt kiến trúc, tháp cao 21 mét, gồm 7 tầng, xây theo hình khối bát giác (có 8 mặt). Bên trong tháp, từ tầng thứ 2 trở lên đỉnh có bậc thang đi lên theo hình xoắn ốc. Bảy tầng tháp thờ 7 vị Phật khác nhau.Nét đáng chú ý trong kiến trúc của tháp là các chi tiết trang trí bằng pháp lam - sản phẩm cao cấp phủ men màu đa sắc lên cốt kim loại - chỉ tồn tại ở Huế từ đời Minh Mạng đến đời Tự Đức. Đó là các hình ngọn lửa nơi góc đao mái mỗi tầng và bình cam lồ bằng đồng trên đỉnh tháp.Cửa tháp thường xuyên khoá kín. Hằng năm, tháp chỉ mở chốc lát vào dịp Tết Nguyên đán và đại lễ Phật đản, với sự túc trực của người giữ phận sự. Bởi vậy, nội thất bảo tháp vẫn là điều "bí ẩn" của hầu hết mọi người...3. Bắc qua sông Hương, nối liền hai phường Phú Hòa và phường Phú Hội, cầu Trường Tiền là công trình kiến trúc thuộc địa nổi tiếng bậc nhất Cố đô Huế. Cầu được xây dựng từ năm 1897-1899 theo thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel, ban đầu được gọi là cầu Thành Thái.Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,1 mét, rộng 6,2 mét, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (bán nguyệt). Đây là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương theo thiết kế, kỹ thuật xây dựng của phương Tây.Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu từng ba lần bị sập do bão (1904) và chiến tranh (1946 và 1968). Từ năm 1991-1995, cầu được trùng tu toàn diện, đến năm 2017 tiếp tục được tôn tạo để phục hồi các hạng mục như khi mới được xây dựng.Trong hơn 100 năm soi bóng xuống sông Hương thơ mộng, cầu Trường Tiền đã trở thành cảm hứng vô tận cho những tâm hồn yêu thi ca. Ngày nay ở Huế đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hương, nhưng giá trị biểu tượng của cầu Trường Tiền sẽ vĩnh viễn không bị thay đổi.Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.
1. Là cổng thành chính của Hoàng thành Huế, Ngọ Môn là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong trong quần thể Di sản thế giới Cố đô Huế. Công trình được xây năm 1833, khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành.
Tên gọi Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ (hướng Nam), hướng dành cho bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” theo quan niệm xưa. Phần dưới Ngọ Môn có bình diện hình chữ U vuông góc, trổ 5 lối đi.
Lối chính giữa Ngọ Môn chỉ dành cho vua, các lối kia dành cho cận thần, binh lính, voi ngựa... Bên trên Ngọ Môn có lầu Ngũ Phụng là nơi vua ngự khi có các lễ nghi của triều đình.
Ngọ Môn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Tại nơi đây vào ngày 30//8/1945, vua Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị và trao chính quyền lại cho chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Gắn liền với chùa Thiên Mụ, tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng của Cố đô Huế kể từ thời nhà Nguyễn đến nay. Theo sử sách, tháp được xây dựng ở phía trước chùa Thiên Mụ vào năm 1844, nhân ngày lễ bát tuần của Thái Hoàng Thái Hậu Nhân Tuyên Tử Khánh.
Về mặt kiến trúc, tháp cao 21 mét, gồm 7 tầng, xây theo hình khối bát giác (có 8 mặt). Bên trong tháp, từ tầng thứ 2 trở lên đỉnh có bậc thang đi lên theo hình xoắn ốc. Bảy tầng tháp thờ 7 vị Phật khác nhau.
Nét đáng chú ý trong kiến trúc của tháp là các chi tiết trang trí bằng pháp lam - sản phẩm cao cấp phủ men màu đa sắc lên cốt kim loại - chỉ tồn tại ở Huế từ đời Minh Mạng đến đời Tự Đức. Đó là các hình ngọn lửa nơi góc đao mái mỗi tầng và bình cam lồ bằng đồng trên đỉnh tháp.
Cửa tháp thường xuyên khoá kín. Hằng năm, tháp chỉ mở chốc lát vào dịp Tết Nguyên đán và đại lễ Phật đản, với sự túc trực của người giữ phận sự. Bởi vậy, nội thất bảo tháp vẫn là điều "bí ẩn" của hầu hết mọi người...
3. Bắc qua sông Hương, nối liền hai phường Phú Hòa và phường Phú Hội, cầu Trường Tiền là công trình kiến trúc thuộc địa nổi tiếng bậc nhất Cố đô Huế. Cầu được xây dựng từ năm 1897-1899 theo thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel, ban đầu được gọi là cầu Thành Thái.
Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,1 mét, rộng 6,2 mét, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (bán nguyệt). Đây là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương theo thiết kế, kỹ thuật xây dựng của phương Tây.
Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu từng ba lần bị sập do bão (1904) và chiến tranh (1946 và 1968). Từ năm 1991-1995, cầu được trùng tu toàn diện, đến năm 2017 tiếp tục được tôn tạo để phục hồi các hạng mục như khi mới được xây dựng.
Trong hơn 100 năm soi bóng xuống sông Hương thơ mộng, cầu Trường Tiền đã trở thành cảm hứng vô tận cho những tâm hồn yêu thi ca. Ngày nay ở Huế đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hương, nhưng giá trị biểu tượng của cầu Trường Tiền sẽ vĩnh viễn không bị thay đổi.
Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.